Nguyễn Thu Huyền: Cô giáo khuyết tật dạy chữ cho trẻ em khuyết tật

Dù bị tật ở chân nhưng chị Nguyễn Thu Huyền lại là cô giáo truyền nghị lực sống cho những trẻ em bất hạnh ở làng Hữu Nghị Việt Nam

Bằng nụ cười hiền lành, thái độ nhẹ nhàng, cô Nguyễn Thu Huyền trải lòng cùng chúng tôi về mối lương duyên với những đứa trẻ nhiễm chất độc hóa học, trở thành cô giáo ở làng Hữu Nghị.

NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG

“Năm lên hai tuổi, sau một lần ngã, tôi bị liệt một bên chân và tay phải. Nguyên do vì gia đình khó khăn, vết thương của tôi để quá lâu không mổ.

Mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều phải nhờ đến người xung quanh. Đến tuổi đi học, tôi cũng háo hức như các bạn, nhưng hôm nào bà hoặc mẹ rảnh rỗi mới đưa tôi đến trường, còn không tôi phải tự đến lớp. Nhìn tôi vấp ngã, đau đớn, mẹ khóc hết nước mắt. Năm lớp 12, tôi tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử và may mắn đạt giải nhì. Sau đấy, tôi thi đỗ vào khoa Giáo dục Đặc biệt của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là bước ngoặt lớn trong đời tôi. Còn nhớ, sau khi xem kết quả khám sức khỏe, trường không đồng ý cho tôi nhập học vì tình trạng sức khỏe yếu và khó di chuyển. Khi ấy, cô Nguyễn Thị Hoàng Yến (lúc bấy giờ là Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt) đã quyết định nhận tôi và cam kết chịu mọi trách nhiệm.

Đường từ ký túc xá đến trường hơn 1km. Năm đầu tiên phải leo lên tận tầng 7 để học, khỏi phải nói, nỗi vất vả của tôi tăng gấp trăm lần người bình thường. Nhưng cứ nghĩ đến cô giáo, bố mẹ và các bạn đã giúp đỡ, hy vọng, tôi càng có động lực để cố gắng.

Năm 2005, tôi ra trường, trở thành cô giáo ở làng Hữu Nghị. Nhìn những đứa trẻ bị thiểu năng, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Tôi muốn được chia sẻ và giúp đỡ các em.

20151030-co-giao-nguyen-thu-huyen-01Trong số những học sinh ở lớp Giáo dục Đặc biệt của làng, Nguyễn Thị Mai Ánh là học sinh đặc biệt nhất đối với tôi. Còn nhớ, ngày Ánh mới được ba mẹ đưa từ Hải Dương vào, em không biết gì, thậm chí không thể phát âm được. Tôi đã ở bên cạnh, hiểu em bằng cảm nhận trực giác. Tôi bắt đầu những bài tập phát âm cho Ánh. Sau đó là những bài tập tính toán. Ánh thông minh, nhạy bén hơn nhiều em mà tôi từng tiếp xúc. Những bài tập toán Ánh làm rất nhanh và hầu như lúc nào vở của em cũng có nhiều điểm mười. Dù em không nói rõ được nhưng tôi biết Ánh là một bé gái rất tình cảm. Mỗi lần bố mẹ đến thăm, Ánh đều kể với tôi. Bằng ánh mắt, cử chỉ, tôi đủ biết em vui đến mức nào.

CHỒNG LÀM ĐIỂM TỰA

Khi tôi học năm thứ hai đại học thì nhận được thư làm quen từ hòm thư của trường. Lúc đó, anh là bộ đội và biết đến tôi qua một bài báo. Trong thư anh viết: “Em là cô gái có nghị lực phi thường, anh muốn làm bạn với người con gái như em, rất đáng để anh học hỏi”.
Chúng tôi bắt đầu liên lạc với nhau qua những cánh thư tay. Anh là nơi để tôi trút bầu tâm sự tất cả những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống. Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng tôi biết anh là một người chân thành.

Tình cảm lớn dần, chúng tôi yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Những khi tôi muốn từ bỏ, anh luôn động viên: “Em phải mạnh mẽ lên”. Sau 7 năm quen nhau, chúng tôi đã nên vợ nên chồng.

Xuất ngũ, anh trở thành kỹ sư xây dựng, công việc bận bịu nhưng lúc nào rảnh anh đều giúp tôi cơm nước, giặt giũ. Ngày tôi mang thai, một mình anh cáng đáng mọi thứ. Mỗi lần nghe anh thủ thỉ: “Em cứ sống thật vui và khỏe, anh và con luôn ở bên cạnh em” là tôi thấy trái tim mình trở nên ấm áp.

Cuộc sống không cho ai hoàn hảo cũng không cướp đi của ai tất cả. Tôi không may mắn như người bình thường, nhưng tôi có một gia đình đầy yêu thương, một công việc ý nghĩa. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi được ban tặng”.

Thông tin thêm

Cô giáo Nguyễn Thu Huyền sinh năm 1982. Hiện chị đang sống hạnh phúc cùng chồng và con ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chị đã gắn bó với các em ở làng Hữu Nghị Việt Nam suốt từ năm 2005 đến nay.

Bài và ảnh: Đào Cảnh

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua