Các hộ nông dân cần được khích lệ cách chăn nuôi lợn thịt sạch để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Internet
Ông Đỗ Văn Chuyên (Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên) bắt đầu tìm hiểu cách chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược khi gia đình ông bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng vì dịch tai xanh vào năm 2008. Qua báo chí, ông mới biết một số loại cây cỏ trong vườn nhà chính là các loại thảo dược có thể chữa bệnh và nảy ra ý tưởng trộn vào thức ăn cho lợn.
Ông nghiên cứu công dụng của từng loại thảo dược như lá bồ công anh, kim ngân, thài lài… rồi trộn với cám, sau đó nghiền thành viên cho lợn ăn. Ở thời điểm đó, dịch tai xanh vẫn còn nhưng lợn nhà ông Chuyên không bị ốm chết nữa, trái lại còn trở nên hồng hào và khỏe mạnh hơn. Ông cho biết gia đình đã triển khai đại trà cách chăn nuôi lợn thịt này từ năm 2012.
Cách làm ăn bền vững, sản xuất thực phẩm sạch của ông Chuyên đã khiến người tiêu dùng cảm thấy an tâm dù phải mua với mức giá cao hơn 15.000 – 20.000 đồng/kg so với lợn nuôi thường. Gia đình ông không bán cho thương lái mua với số lượng lớn để đảm bảo dây chuyền khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến phân phối ra thị trường.
Theo ông Chuyên, có khoảng 20 loại thảo dược dễ tìm dùng trộn với thức ăn cho lợn để giải độc, tẩy giun, kích thích tiêu hóa và tăng sức đề kháng. Ông dùng cám trộn thảo dược cho lợn trên 50kg, còn dưới 50kg thì ông cho ăn các loại cám bình thường. Với cách chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược, ông phải mất 8 tháng trong khi nuôi bằng cám công nghiệp chỉ mất 6 tháng.
So với lợn nuôi bằng cám tăng trọng, lợn nuôi bằng cám thảo dược có thịt săn chắc, khi luộc không bị váng bọt và ăn có vị ngọt hơn. Mặc dù ông Chuyên đã lên kế hoạch mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn này song vẫn còn nhiều trăn trở khi phải cạnh tranh với thịt lợn thông thường.
Những hộ nông dân lựa chọn hướng phát triển sản xuất thịt lợn sạch như gia đình ông Chuyên cần được khích lệ nhiều hơn để có thể nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.
Tiếp Thị Gia Đình