Hai tuần trước lễ hội Halloween hàng năm, Vân Anh, 23 tuổi, ở Q. Bình Thạnh, TP. HCM, đã háo hức cùng nhóm bạn chuẩn bị trang phục hóa trang. Với giới trẻ hiện đại ở các đô thị lớn như Vân Anh, Halloween là lễ hội vui nhất trong năm, vui hơn cả Valentine hay Giáng Sinh hoặc mừng năm mới.
DỊP VUI CHƠI NGẪU HỨNG VÀ SÁNG TẠO
Theo Vân Anh, Valentine dành cho các cặp đôi. Giáng Sinh hay năm mới thì mô-típ năm nào cũng vậy. Riêng Halloween là dành cho mọi người và bạn trẻ được tự do nhất, chơi gì, mặc gì… tùy ý, miễn vui là được. “Thật ra, tôi mới biết chơi Halloween chừng 5 năm nay, từ khi bước chân vào đại học quốc tế tại Việt Nam. Trước đó, những năm học cấp hai, cấp ba, tôi hầu như chỉ nghe nói mà không biết gì về ngày lễ này. Mỗi năm, tôi sắm 3–4 bộ đồ hóa trang, dành cho 3–4 bữa tiệc khác nhau mùa Halloween, ở trường, ở các quán bar, ở nhà bạn bè…
Bây giờ tôi có cả một tủ đồ Halloween gồm đủ kiểu như áo ma in xương, áo choàng, xương giả, đồ bộ zombie ghê rợn và đủ thứ mặt nạ, mũ…”, Vân Anh cho biết. Hai em Vũ Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Trâm, học sinh lớp 11, trường Song ngữ Quốc tế Canada cùng nhất trí rằng Halloween là dịp để vui chơi và học hỏi nhiều điều.
“Ở trường em, hoạt động chuẩn bị lễ hội Halloween diễn ra 2–3 tuần trước ngày lễ. Mỗi lớp sẽ tự bỏ vốn, lên ý tưởng, tự xây dựng nhà ma để bán vé cho khách tham quan. Chúng em tự tính toán, phân công nhiệm vụ, sử dụng tiền sao cho có lãi và cũng phải giải quyết hàng loạt sự cố phát sinh. Ý tưởng năm ngoái của tụi em là xây dựng mê cung theo mô hình đường cụt. Tuy nhiên, do ý tưởng trùng với một lớp khác, diện tích lớp nhỏ, tụi em loay hoay mãi mới tạo ra được một nhà ma khác người. Tụi em sắp xếp bàn ghế để tạo thành hai con đường, một đường đúng, một đường cụt đủ dài, đủ sợ, đủ ghê để “dọa ma” khách tham quan. Chưa hết, do Halloween diễn ra buổi sáng, tụi em phải tìm cách che hết cửa lại để tạo không gian tối thui rồi tạo âm thanh, chọn âm nhạc sao cho người khác “nghe đã sợ”. Lớp có 18 bạn, mỗi bạn đều có việc, dựa vào thế mạnh của từng người.
Nhà ma của lớp em có rất đông khách tham quan, hết giờ rồi vẫn còn hàng dài xếp hàng chờ được vào. Số tiền bán vé được hơn 10 triệu đồng. Đoàn khách nào vào cũng hét ầm ĩ. Mấy “con ma nữ” trong nhà ma diễn đạt quá đến nỗi bị khách túm tay, nắm tóc, lột giày đánh… Tụi em rất vui, luôn hào hứng chờ đợi những mùa Halloween mới”, Ngọc Anh kể.
Với Ngọc Anh, hóa trang thành ma, chơi nhà ma, đối diện với nỗi sợ hãi cũng là cách để em vượt lên những nỗi sợ mông lung trong lòng mình.
AI CÓ THỂ CHƠI HALLOWEEN?
Ở nước ngoài, lễ hội Halloween chủ yếu hướng về trẻ em. Trong đêm hội, trẻ em được hóa trang, đi thành nhóm đến gõ cửa từng nhà để chơi trò “Trick or treat” (cho kẹo hay bị ghẹo). Tiếng cười nắc nẻ, tiếng “cám ơn” của nhóm đến trước, tiếng “xin chào” của nhóm mới vào, tiếng í ới gọi nhau tạo nên bầu không khí huyên náo khó tả và khó quên trong những đứa trẻ. Còn ở Việt Nam, giới trẻ ít ra đường chơi Halloween. Lễ hội thường diễn ra sôi động trong các trường quốc tế, các bar, câu lạc bộ, khu vui chơi và hầu như chỉ dành cho một bộ phận giới trẻ.
Ở các quán bar và câu lạc bộ, giới trẻ vừa uống bia vừa nhảy múa, thi trang phục hóa trang… đến tận 1–2 giờ sáng. Vé vào các nơi này không hề rẻ, loại VIP có nơi lên tới gần 1,4 triệu đồng nhưng uống bia thỏa thích. Theo Vân Anh, mỗi mùa Halloween, để được vui chơi thỏa thích, cô tốn ít nhất khoảng 3 triệu đồng. Vân Anh nhận xét: “Nhiều người Việt vẫn còn bảo thủ khi vẫn cho rằng việc hóa trang, đi bar là đua đòi, kệch cỡm, hư hỏng. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn phải trốn cha mẹ đi chơi, giấu đồ hóa trang ở nhà bạn bè vì sợ lộ ra thì cha mẹ quăng đi hết hoặc cấm cửa không cho ra khỏi nhà”.
Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận việc vui chơi Halloween ở Việt Nam còn hơi “lầy” vì dính đến rượu bia: “Nhóm của tôi đã đi cùng nhau nhiều năm nên luôn phải cắt cử một người không uống giúp canh chừng cả nhóm và gọi taxi đưa các bạn về nhà”.
Nói về quá trình du nhập của Halloween vào Việt Nam, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm Đào Tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, nhận định: “Halloween du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 10 năm và ngày càng phổ biến ở giới trẻ. Đây là sự phát triển tất yếu trong thời buổi hội nhập thế giới, là dịp để giới trẻ Việt được vui chơi, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới. Đối với gia đình, Halloween cũng là một cơ hội để cha mẹ tổ chức vui chơi cho con cái, tăng cường gắn kết gia đình… Theo tôi, lễ hội nào giúp con người vui vẻ đều tốt và cần nhân rộng, nhất là ngày nay việc học tập, công việc đầy áp lực và các gia đình ít có thời gian dành cho nhau”.
Halloween năm ngoái, chị Tâm tổ chức vui chơi tại nhà. Các con hào hứng lên kế hoạch, trang trí nhà cửa, phòng ốc. Chị là người chủ chi, đầu tư mua sắm dụng cụ, quần áo còn bọn trẻ thì ra sức sáng tạo. Chị Tâm ví con trẻ là một nhà kho cảm xúc. Cha mẹ cần phải lấp đầy kho tàng đó bằng những kỷ niệm đẹp tạo ra từ các buổi sinh nhật, chuyến đi chơi và những lễ hội vui vẻ như Halloween. Có thế tâm hồn con trẻ mới trở nên phong phú, sống tình cảm và ít gặp phải những bệnh “thế kỷ” như trầm cảm.
Theo chị Tâm, tuổi nào cũng có thể chơi Halloween nhưng tùy mỗi độ tuổi và đặc điểm tính cách mà cần chọn cách hù dọa ở mức độ chấp nhận được. Tốt nhất là cho trẻ tự lên kịch bản, vừa để các em rèn kỹ năng mềm vừa giúp trẻ bớt bất ngờ và sợ hãi.
BAO NHIÊU NGƯỜI BIẾT ĐẾN LỄ HỘI HALLOWEEN?
Tiếp Thị Gia Đình đã làm một cuộc khảo sát trên 100 người ở TP. HCM. Kết quả như sau:
• 11% Biết rõ và hưởng ứng nhiệt tình
• 16% Chưa từng biết đến lễ hội Halloween
• 22% Đã từng chơi nhưng không biết rõ về Halloween
• 51% Có nghe nói đến Halloween nhưng chưa từng tham gia hoạt động nào liên quan.
VUI CHƠI CẦN CÓ GIỚI HẠN VÀ BIẾT Ý NGHĨA
• Lễ hội Halloween năm ngoái, vợ chồng chị Phương Hạnh, ở Q. 3, TP. HCM, dắt con gái 7 tuổi đến phố Tây, Q. 1, để chơi. Một nhóm bạn trẻ hóa trang máu me đầy người, trên tay cầm cái chân giả đỏ hoe ùa vào hù dọa. Con chị hoảng hốt khóc thét, mấy “con ma” vẫn giơ nanh trắng hếu sấn vào chỗ cô bé, sờ má, sờ chân, tay. Cả tuần sau, bé vẫn còn sợ. Bé không chịu ngủ riêng như trước, chỉ ngủ khi có mẹ nằm bên và phải bật đèn sáng trưng từ trong phòng ra đến toilet. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng, hù dọa trẻ đến mức sợ khóc thét là văn hóa Halloween chỉ có ở Việt Nam. Chị Tâm phân tích: “Trẻ em trong độ tuổi 7–11 có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Nhìn thấy vết thạch cao loang lổ trên trần nhà, các em có thể tưởng tượng ra đủ loại ma quỷ hay cả một trận chiến ghê rợn. Nếu cha mẹ để trẻ rơi vào tình trạng quá sợ hãi, bé có thể rơi vào tình trạng rối loạn ám ảnh sợ hãi mà việc điều trị khá nan giải”. Chị Tâm lấy ví dụ một cậu bé đang điều trị ở Hồn Việt. Cậu bé này mê đọc truyện Conan và ám ảnh với hình ảnh kỵ sỹ bóng đêm. Tối, cậu ngủ không yên, hét ầm ĩ vì sợ rằng kỵ sỹ bóng đêm tấn công mình… Điều đó cho thấy, tâm hồn trẻ rất non nớt, không thể chịu đựng được những trò đùa ghê sợ của người lớn.
• Cũng theo chị Tâm, nếu bạn hỏi 10 người thì có lẽ quá nửa không biết ý nghĩa thực sự của Halloween. Như nhiều lễ hội du nhập từ nước ngoài khác, số đông tiếp nhận lễ hội Halloween chỉ xem nó như một trò chơi chứ không có thói quen tìm hiểu về gốc tích, văn hóa của lễ hội đó. Vượt qua một trò chơi, các biểu tượng của Halloween còn có một ý nghĩa thú vị. Điển hình như quả bí ngô gắn liền với câu chuyện của chàng trai tên Jack sống tham lam, bủn xỉn, lừa lọc, thích chơi với ma quỷ nên khi chết linh hồn không lên được thiên đàng cũng không được xuống địa ngục, ta có thể rút ra được nhiều bài học sống. Để linh hồn được bình an, bạn hãy sống nhân hậu, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Đừng chơi cùng ma quỷ (ám chỉ những trò lừa lọc, tội lỗi) vì sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và đến lúc nào đó, bạn sẽ mất phương hướng, không biết đâu là chỗ dung thân cho mình.
T. MINH
Mục Chuyên đề đặc biệt – Halloween / Tiếp Thị Gia Đình