Kỹ năng cần có khi muốn lập nghiệp ở xứ người

Bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước khác đồng nghĩa với khởi sự từ con số 0, nhưng với sự bền bỉ và quyết tâm, không ít chị em đã có thể lập nghiệp ở xứ người tốt hơn cả mong đợi

Rời Việt Nam đi lập nghiệp ở xứ người khi đã xoay quanh cái tuổi tam thập nhi lập là một thử thách lớn với tất cả mọi người. Hòa nhập được với nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt đã khó, tìm một công việc phù hợp với năng lực và sở thích của mình lại càng khó hơn. Tuy nhiên, với hai nhân vật trong bài viết này, khó khăn chỉ là chuyện nhỏ.

THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-quach-thi-xuan-dieu

Chị Xuân Diệu cùng hai con nhỏ và hiệu ảnh của gia đình tại Nepal

Chị Quách Thị Xuân Diệu gặp anh Raju Gurung khi cả hai cùng làm tiếp viên trên tàu du lịch SuperStar Virgo. Cuối năm 2009, khi chị 29 tuổi và con trai đầu lòng hơn 1 tuổi, chị theo ông xã về Nepal.

“Tôi lên đường về quê chồng mà không biết chút gì về xứ sở mình sẽ đến. Tất cả những gì tôi biết được là Nepal khá nghèo, địa hình chủ yếu là đồi núi, nơi có đỉnh Everest, nóc nhà của thế giới. Tuy vậy, thương anh, tôi vẫn phải đánh liều. Ông xã là con một, vợ chồng tôi không thể ở lại Việt Nam mà nhất định phải về phụng dưỡng cha mẹ”, chị kể.

Thời gian đầu, chị gần như cô lập mình vì không biết nói chuyện với ai ngoài chồng. Sau đó, chị chợt nghĩ: “Không có gì mà không thể vượt qua. Cuối con đường nào cũng sẽ có ánh sáng nếu mình cố tìm” và bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc sống mới của mình. Chị tự học giao tiếp bằng tiếng Nepal và xác định mình phải có việc làm.

Ở Nepal không có nhiều việc làm. Hầu hết người trẻ đi lao động hợp tác nước ngoài, các gia đình chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em. Chỉ những người khá giả mới ở lại và kinh doanh.

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-quach-thi-xuan-dieu-01
Nơi chị Diệu ở là thành phố du lịch lớn thứ hai của Nepal. Chị lại đam mê chụp ảnh, công việc trước đây chị từng làm ở Việt Nam. Thế là 8 tháng sau khi đặt chân đến Nepal, chị đã có một cửa hàng kinh doanh những thứ mình thích và người dân cần, bao gồm chụp ảnh thẻ, chân dung, photocopy, scan, in ấn, bán đồ thể thao và quà tặng. Cửa hàng đặt ngay tại nhà để chị có thể chu toàn cả việc nhà.

Chị Diệu cho biết: “Bên này, trường học, công ty, văn phòng nhà nước… đều bắt đầu làm việc từ 10 giờ sáng nên tôi có nhiều thời gian chăm chút gia đình. Sáng dậy, tôi nấu đồ ăn sáng và cà-phê cho cả nhà rồi nấu ít đồ cho con mang đi học ăn. Sau khi ăn sáng, tôi nấu luôn bữa trưa, dọn dẹp, giặt giũ để đến 10 giờ sẽ xuống cửa hàng cùng chồng làm việc. Tôi có thể tự làm mọi việc nhưng thích nhất vẫn là chụp ảnh cho khách (cười)”.

ĐÒI HỎI CAO Ở MÌNH

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-dang-thuy-clever-education

Chị Đặng Thủy tại văn phòng Clever Education ở TP.HCM

So với chị Diệu, chị Đặng Thủy có phần thuận lợi hơn khi cùng gia đình sang Canada định cư năm 2011. Nơi đây sử dụng tiếng Anh và có nhiều người Việt sinh sống nên việc giao tiếp hoặc gặp gỡ đồng hương không khó. Tuy nhiên, chuyện tìm được công việc tốt không hề dễ dàng.

“Khi mới sang Canada, tôi nghe nhiều người khuyên rằng dân nhập cư sang đây chỉ có thể bắt đầu từ các công việc tay chân. Để làm việc trong văn phòng, công sở rất khó, vì mình không đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh, bằng cấp và kinh nghiệm phù hợp với Canada. Rất nhiều người nhập cư có bằng cấp cao ở quê nhà vẫn phải lao động vất vả trong hãng xưởng, quán ăn hoặc lái taxi”, chị cho biết.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn giáo dục, chị tự nhủ: “Chưa thử thì chưa biết mình không thể! Tại sao có những người nhập cư từ các nước châu Á khác không có tiếng Anh chuẩn, không được đào tạo ở Canada… vẫn làm được trong văn phòng và lên được các cấp bậc cao như trưởng phòng, giám đốc? Mình nhất định phải gặp những người như thế để tìm hiểu về kinh nghiệm thành công”.

Nhân việc đến ngân hàng để mở tài khoản, chị Thủy đề nghị được gặp giám đốc chi nhánh để hỏi về các sản phẩm của ngân hàng vì chị biết ông cũng là người nhập cư. Vị giám đốc đã khuyên chị: “Nếu bạn chọn làm công nhân, ngay ngày mai bạn sẽ có việc. Nếu muốn làm văn phòng, phải ít nhất bốn tháng sau bạn mới có việc. Bốn tháng này là để bạn đến trường học lại hoặc phải tự học. Nếu không tự nâng cấp mình thì có bốn tháng hay bốn năm, bạn cũng không tìm nổi một công việc mơ ước. Muốn xin được việc tốt ở Canada, trước hết phải tự tin vào năng lực của mình. Thứ hai, bạn phải hiểu được vị trí mình nộp đơn, viết đơn xin việc thật tốt theo hướng bạn sẽ đóng góp được những lợi ích nào cho công ty đó”.

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-04
Về nhà, chị Thủy bắt đầu ôn lại tiếng Anh chuyên ngành, tìm hiểu kỹ về công việc mình muốn làm, nghiên cứu tại sao họ cần vị trí đó… Trong thời gian này, chị có thai bé thứ hai. Sau khi sinh con được 9 tháng, chị nhờ mẹ chồng từ Việt Nam sang trông con giùm và bắt đầu nộp đơn xin việc.

Chị gửi 5–7 nơi, tất cả đều gọi chị đi phỏng vấn. Do đã tìm hiểu kỹ càng nên chị trả lời tốt mọi câu hỏi. Kết quả, vài công ty đã nhận và chị quyết định chọn vào làm tư vấn chương trình cho một trường cao đẳng.

Ngay khi vào làm, chị xin ban giám đốc cho mình tự lập. Sau một năm, tất cả những dự án chị thực hiện đều thành công. Chị bắt đầu có tiếng trong ngành tư vấn và liên tục nhận được cuộc gọi từ các công ty săn đầu người.

Lúc này, chị Thủy không còn muốn làm tư vấn trong trường học vì ít nhiều có hạn chế. Chị cùng vài người bạn lập ra Công ty Clever Education, www.clever-edu.com, chuyên về tư vấn nghề nghiệp, học tập. Hiện Clever Education đã có chi nhánh tại TP. HCM và Hà Nội để cung cấp thông tin về du học và nhập cư Canada.

10 NĂM KINH NGHIỆM KHI LẬP NGHIỆP Ở XỨ NGƯỜI

Theo chị Đặng Thủy, nếu bạn có ý định đi lập nghiệp ở xứ người thì cần biết những điều sau:

1. Đi định cư nước ngoài không kén tuổi nhưng kén tính cách

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-01

Bạn có thể lên đường ngay cả khi đã 50–60 tuổi. Những người thích đi du lịch bụi, giỏi chịu cực rất hợp với quyết định này. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình là người thích sự an toàn, thích đi du lịch theo tour thì tính cách này sẽ khiến bạn khó thích ứng, khó tìm được việc làm tốt.

2. Bằng cấp cao ở trong nước không có tác dụng

Dù bạn đã từng làm chức cao ở Việt Nam, dù bạn có bằng tiến sỹ hay cao hơn, đi nước ngoài, bạn nên xác định mình chỉ như sinh viên vừa ra trường, kiên nhẫn học lại mọi thứ từ đầu theo cách mà nơi đó yêu cầu.

3. Cần chuẩn bị về kinh tế

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-03

Bạn nên xác định năm đầu tiên phải để dành thời gian cho học tập, gây dựng kinh nghiệm và xin việc, do đó sẽ tiêu xài bằng tiền có sẵn. Nếu đến Canada, một năm tiêu xài tằn tiện cho việc ăn, ở, thuê nhà… khoảng 40.000 đô-la Canada cho gia đình nhỏ (tương đương 690 triệu đồng).

4. Khi chọn nghề, bạn đừng rải đơn xin việc ở những nơi đăng tuyển

Bạn cần chọn ra nghề mà mình đam mê nhất. Sau đó, hãy tìm đến đúng người đã làm việc đó ở nước bạn đến để họ chỉ đường cho bạn đi tiếp.

5. Khi làm hồ sơ xin việc, bạn đừng viết qúa dài, chỉ cần 2 trang

2/3 trang đầu tiên phải nói ngay:” Tôi sẽ làm được gì cho công ty bạn nếu bạn nhận tôi” vì người phỏng vấn không có nhiều thời gian để đọc sau đó.

6. Tinh thần chung khi bước vào buổi phỏng vấn là phải hướng về lợi ích của công

Nếu bạn cho người ta thấy mình có giá trị thế nào đối với công ty, họ sẽ có cảm tình và cơ hội giao việc cho bạn cũng cao hơn.

7. Đừng viết tuổi của bạn trong đơn xin việc nếu không bắt buộc

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-02

Ở Canada, luật quy định không phân biệt tuổi tác. Nếu bạn ghi số tuổi lớn trong đơn xin việc, người phỏng vấn sẽ có suy nghĩ “già rồi chắc không hợp”.

8. Hãy đổi tên sang tiếng Anh

Không phải vì chuộng ngoại mà vì tên Việt Nam có rất khó đọc với người nước ngoài.

9. Làm đúng theo đơn xin việc

Vào được công ty rồi, bạn phải thực hiện tốt tất cả những gì đã hứa trong đơn việc và buổi phỏng vấn mới giữ được việc làm.

10. Nước ngoài thường có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người nhập cư.

20151019-lap-nghiep-xu-nguoi-05

Do đó, bạn nên cập nhật chính sách của các nước để tận dụng những ưu đãi dành cho mình.

Mục Chuyên đề đặc biệt – Phụ Nữ Việt Nam / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua