Cách nói chuyện với con để giúp bé thông minh hơn

Hãy nói chuyện với con nhiều hơn. Đó là cách nuôi dưỡng bộ não của con thông qua tình yêu thương, sự quan tâm dành cho bé

Bạn nên thường xuyên gần gũi, nói chuyện với con trẻ

Nếu bạn thường xuyên nói chuyện với con trẻ bằng ngữ điệu biểu cảm, giàu tình yêu thương, hãy tiếp tục làm điều đó. Nếu chưa thì hãy thử ngay bạn nhé!

NGƯỜI NÓI CHUYỆN THÔNG MINH

Cách bạn nói chuyện sẽ tác động lên việc phát triển não của con. Bạn nên phát âm tròn vành và rõ chữ. Tùy theo tốc độ chú ý, hiểu vấn đề của con mà bạn nói nhanh hoặc chậm. Bạn cũng có thể kéo dài giọng để nhấn mạnh và dành thời gian cho bé kịp nghe và hiểu điều bạn muốn nói. Ví dụ như nói: “Mẹeeee yêu coooon lắm!”. Những buổi nói chuyện này, ngay cả trước khi bé biết nói, là những bài diễn văn đầu tiên, để bé “lưu trữ thông tin” và sau này nhắc lại khi bắt đầu biết nói.

Mách mẹ:

♣ Gây chú ý: Nhìn vào mắt con, đợi bé nhìn lại rồi hãy nói.

♣ Nói đơn giản: Bắt đầu bằng 1–2 từ và những câu đơn, như “Con xinh quá!”.

♣ Diễn đạt sinh động: Ví dụ khi nói “bái bai bà đi con”, bạn hãy kèm theo vẫy tay chào bà minh họa. Trẻ con nhớ từ hơn khi lời nói có kèm theo hành động.

♣ Trò chuyện về việc bạn đang làm. Ví dụ như khi đang thay tã, bạn hãy nói: “Bây giờ mình thay tã nè. Bỏ tã cũ ra rồi mặc tã mới vào”. Dù con không trả lời, song bộ não bé đang xử lý từng từ và lưu trữ không giới hạn.

♣ Đọc sách: Ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ.

♣ Nói bằng âm nhạc: Nhịp điệu tác dụng lên các trung tâm não nhiều hơn khi nói mà không có âm nhạc. Hãy hát cho trẻ nghe, cả những bài bạn tự sáng tác.

NGƯỜI LẮNG NGHE THÔNG THÁI

Cách bạn lắng nghe và hồi đáp tích cực yêu cầu của con giúp xây dựng mối liên kết trong não bé. Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cha mẹ–con cái càng khắng khít, cha mẹ biết cách hồi đáp tốt những thắc mắc, yêu cầu của trẻ sẽ giúp kích thích não bé phát triển.

Mách mẹ:

♣ Từ năm đầu tiên, khóc là cách để bé giao tiếp với bạn. Bạn cần đáp ứng với tiếng khóc bằng lời nói, như: “Con đói hả?” hay “Con mệt phải không?”đến việc vỗ về, cho ăn, bế lên, ru ngủ, sẽ giúp con phát triển vốn từ, giao tiếp tốt và sống tình cảm hơn.

♣ Đáp ứng: Bất kỳ âm thanh hoặc cử chỉ nào của bé, dù là khi mới sinh, cũng là cách bé đang nói. Bé sẽ dần hoàn thiện từ nét mặt, cử chỉ đến u ơ rồi thành tiếng nói. Nếu bạn biết lắng nghe và hồi đáp những dấu hiệu này, bé sẽ dần phát triển các giác quan, ngôn ngữ và trí thông minh tốt hơn.

♣ Mở rộng vốn từ: Khi bé chỉ tay và nói “A a”, bạn hãy nói: “Con nói lại đi, mẹ nghe chưa rõ”. Nhìn về hướng bé chỉ, bạn giúp bé tả: “A, con chỉ con chim hả? Con nói con chim đi” và cho bé nhắc lại. Hãy tán dương khi bé nói rõ hơn.

ĐỂ BÉ THÍCH NÓI CHUYỆN VÀ CÓ VỐN TỪ PHONG PHÚ

♣ Khi bé chưa biết đi: Để khuyến khích bé nói nhiều hơn, bạn hạ thấp người để bé nhìn rõ mặt, nhắc lại âm thanh của bé, cười và hát khi chăm sóc bé, nói tên thứ bé đang nhìn, đang chơi.

♣ Bé đã biết đi: Bạn giúp con mở rộng vốn từ, giúp bé thích đọc sách bằng cách cho bé sờ và giữ sách khi bạn chỉ và đọc trên hình. Bạn nói từ đúng và chậm rãi như: “Đưa cho con” thay vì “ta ta” bắt chước bé. Bạn cũng dành thời gian nghe bé nói, cho bé hướng dẫn đơn giản, ví dụ “đi tìm đôi giày đỏ của con”. Thay vì nói thật dài, dùng nhiều từ khác nhau khi bạn nói chuyện, hãy dùng từ tương phản như “trong, ngoài”, “ra, vào”, động từ “chạy, đi” và tính từ “vui vẻ, nhỏ xíu xiu”.

Mục Mẹ & Con − Tiếp Thị Gia Đình

 

Đừng bỏ qua