Một cuộc khảo sát cho thấy trường học và bạn bè là những nguyên nhân chính khiến trẻ bị stress. Khảo sát cũng chỉ ra rằng 72% trẻ em có cư xử tiêu cực liên quan đến stress, 62% trẻ em có triệu chứng nhức đầu và đau dạ dày. Vậy liệu còn những nguyên nhân cụ thể nào nữa có thể khiến trẻ bị stress?
BỊ ÉP PHÁT TRIỂN NHANH
So với nhiều năm trước đây, những đứa trẻ dường như đang bị ép học nhiều hơn so với khả năng và lứa tuổi của mình. Nếu thế hệ của chúng ta khi học mẫu giáo chỉ cần học vẽ tranh bằng ngón tay và nhận biết các đồ vật thông qua hình vẽ thì những đứa trẻ ngày nay buộc phải hoạt động như học sinh tiểu học. Thay vì chạy nhảy, ca hát, trẻ mẫu giáo phải cầm que tính để làm “bài tập về nhà”.
THỜI GIAN BIỂU NHỒI NHÉT
Lượng bài tập về nhà của học sinh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các thập niên 1980. Sau giờ học chính, các em còn phải học toán Anh văn, vi tính đến tận chín giờ tối. Vì vậy khi về nhà, trẻ đã kiệt sức. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh muốn con mình trở thành thần đồng ở mọi lĩnh vực nên ép trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, âm nhạc, mỹ thuật. Các chuyên gia khuyến cáo nếu cứ nhồi nhét như thế, trẻ rất dễ bị stress.
Các hoạt động này chỉ nên ở mức độ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng. Một số trẻ hoạt động tốt hơn khi thời gian thoải mái. Một số trẻ lại thích mọi việc được sắp xếp, chúng muốn biết hoạt động tiếp theo là gì. Không có đáp án chung cho tất cả bọn trẻ. Do vậy hãy để trẻ lựa chọn. Nếu chúng mệt mỏi, bạn cần cho trẻ giảm bớt các hoạt động.
THIẾU CÁCH GIẢM STRESS
Giờ ra chơi vốn được xem là món ăn tinh thần của trẻ sau những giờ học căng thẳng. Song hiện nay nhiều trường đã kết hợp luôn giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ. Các em không được vận động, nô đùa thoải mái để tỉnh táo hơn. Ngoài ra, thực trạng thiếu sân chơi tại các trường học Việt Nam khiến trẻ không được vui chơi để giảm áp lực học tập. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ căng thẳng.
MẠNG XÃ HỘI
Nhiều trẻ em giải trí bằng cách chia sẻ nội dung bạo lực và tình dục qua Internet. Bạn cần để tâm đến những thông tin con trẻ tiếp cận để kịp thời can thiệp.
THIẾU NGỦ
Áp lực học hành và mạng xã hội khiến việc ngủ, vốn là liệu pháp giảm stress quan trọng nhất, bị giảm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần thiếu ngủ nhẹ cũng gây tác động đến trí nhớ, khả năng phán đoán và tâm trạng.
CĂNG THẲNG CỦA CHA MẸ
Gia đình là nơi giảm căng thẳng cho trẻ. Song khi gia đình chật vật và không thể làm tròn vai trò đó, con trẻ sẽ cảm thấy nặng nề hơn khi về nhà. Do vậy, bạn cần chăm sóc chính mình và nghỉ ngơi cùng con trẻ để cả nhà đều thoải mái hơn.
CÁCH GIÚP TRẺ BỊ STRESS PHỤC HỒI
Trao đổi: Cách tốt nhất để tăng khả năng phục hồi ở trẻ là liên tục trao đổi, kết nối hàng ngày với con.
Thư thả: Giúp con lên thời khóa biểu có thời gian thư giãn, đọc sách hay hoạt động tùy thích ở nhà để chúng thoải mái và vui vẻ.
Xác định căng thẳng: Căng thẳng khiến trẻ khó kiểm soát cơ thể. Hãy giải thích cho trẻ hiểu đó là phản ứng bình thường của cơ thể khi chúng ta đang sợ hãi điều sắp xảy ra. Con có thể hít thở sâu để cơ thể thoải mái hơn.
Nhờ bác sỹ nhi khoa tư vấn nếu tình trạng căng thẳng của con trẻ dai dẳng và nặng nề hơn.
Những dấu hiệu cần đề phòng
Căng thẳng và lo lắng ở trẻ thường khó phát hiện vì chúng thuộc loại rối loạn tĩnh. Đặc biệt, trẻ hướng nội càng ít thể hiện và không gây rối nên không được chú ý đến. Hãy để ý nếu con bạn có những dấu hiệu sau:
• Cư xử cáu gắt hoặc buồn bã bất thường.
• Các triệu chứng không rõ nguyên nhân như đau dạ dày, đau đầu hay trẻ thường phải xuống phòng y tế trường.
• Kết qủa học tập xấu đi không rõ nguyên nhân.
• Không tham gia những hoạt động trẻ từng thích.
• Cô lập với bạn bè.
• Ăn nhiều hoặc ít hơn bình thường.
• Ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn nhiều so với bình thường.
Mục Mẹ và con Tâm lý