San hô đổi sang màu trắng và sắp chết trên toàn cầu

Các nhà khoa học cảnh báo thế giới phải đối mặt với hàng loạt san hô đổi sang màu trắng và chết đi trong năm 2016 do hiệu ứng ấm lên của hiện tượng El Nino

Ảnh trước và sau khi san hô đổi sang màu trắng tại quần đảo Samoa (Mỹ). Ảnh trái chụp vào tháng 12–2014 và ảnh phải chụp tháng 2–2015 

Một nghiên cứu của Đại học Queensland và Cơ quan Quản lý Đại dương Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết, các nhà khoa học đã ghi nhận được hiện tượng san hô đổi sang màu trắng trên toàn cầu lần thứ ba trong lịch sử ở các khu vực như rạn san hô Great Barrier của Úc chịu tác động mạnh nhất. Điều này có thể ảnh hưởng đến 38% các rạn san hô trên thế giới và phá hủy 12.000km² rạn san hô.

Theo Giám đốc Viện biến đổi khí hậu Ove Hoegh-Guldberg, Đại học Queensland, nếu tình trạng này tiếp tục xấu đi, rạn san hô Great Barrier sẽ chuyển sang màu trắng rộng khắp rồi chết đi sau đó. Tác động phổ biến nhất là do nhiệt độ nước biển tăng lên. Hiện tượng san hô đổi màu trắng đầu tiên là vào năm 1998, hơn một nửa rạn san hô Great Barrier bị chuyển sang màu trắng với khoảng 5–10% san hô bị chết. Rất may trong sự kiện thứ hai vào năm 2010, nhờ có bão nên Great Barrier giảm bớt sự tăng nhiệt độ. Thế nhưng, các rạn san hô có thể không may mắn như vậy trong năm 2016.

Great Barrier, hệ sinh thái san hô lớn nhất thế giới, đã phải đấu tranh chống lại sự đe dọa của biến đổi khí hậu, sao biển gai ăn san hô… nên suýt bị đưa vào danh sách nguy hiểm của Di sản thế giới. Vì vậy, chính quyền thủ đô Canberra, Úc, đang lên kế hoạch để cải thiện tình trạng của rạn san hô trong nhiều thập kỷ kế tiếp.

Hiện tượng san hô đổi sang màu trắng đe dọa sự đa dạng sinh học, du lịch và đánh bắt cá. Điều này xảy ra khi mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi giữa loài tảo sống ở rạn san hô bị phá vỡ bởi sự gia tăng nhiệt độ của đại dương, dù cũng có thể có những nguyên nhân khác. San hô phụ thuộc vào một loài tảo đơn bào sống trên bề mặt của chúng. San hô nuôi tảo bằng ni-tơ, phốt-pho, các chất dinh dưỡng khác và dùng ánh sáng chuyển hóa những thức ăn này thành năng lượng.

Sự quang hợp này cũng giải phóng năng lượng vào các mô của san hô, có khả năng xây dựng bộ xương can-xi cho san hô. Khi san hô gặp nhiều căng thẳng, chẳng hạn như nước biển ấm hơn đáng kể, chúng sẽ đuổi loài tảo này đi. Sau đó, san hô sẽ dần nhạt màu, vì tảo có sắc tố nên giúp san hô có màu riêng biệt. Các rạn san hô có thể chưa chết vào thời điểm này nhưng chúng trở nên dễ bị nhiễm bệnh và sẽ chết nếu không gặp lại được “người bạn” sống cộng sinh với chúng.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua