Chữa mù bằng ghép tế bào gốc

Các bác sỹ phẫu thuật ở Anh đã tìm ra cách chữa mù bằng ghép tế bào gốc cho một bệnh nhân. Trong 18 tháng tới, 10 bệnh nhân nữa sẽ nhận cách điều trị này

 Thử nghiệm ghép tế bào gốc hy vọng sẽ mang lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân mù

Trong liệu trình điều trị thử nghiệm, các bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện mắt Moorfield (Anh) đã cấy tế bào gốc vào lớp biểu mô sắc tố võng mạc cho một bệnh nhân nữ khoảng 60 tuổi. Lớp biểu mô này còn được gọi là lớp màng mạch, giống như bức tường ngăn chia võng mạc và lớp mạch máu, giúp nuôi dưỡng võng mạc cũng như giải quyết chất thải của võng mạc. Ở người bị mắc chứng thoái hóa điểm vàng, lớp màng mạch sẽ chết đi hoặc mất chức năng, gây mất dần thị lực.

Ca điều trị thử nghiệm này là kết quả của 10 năm nghiên cứu dự án chữa mù bằng ghép tế bào gốc giữa Bệnh viện mắt Moorfield, Viện Nhãn khoa UCL và Viện Nghiên cứu y tế quốc gia.

Ca phẫu thuật được các bác sỹ đánh giá là thành công. Tuy nhiên, phải chờ đến tháng 12 họ mới dám chắc bệnh nhân có lấy lại được thị lực hay không. Trong vòng 18 tháng tới, 10 bệnh nhân nữa sẽ tiếp nhận cách điều trị tương tự.

“Việc điều trị mất 45 phút đến một giờ. Hy vọng sẽ đơn giản hóa quy trình chữa mù và thủ tục trong tương lai để có thể biến phương pháp này thành một loại điều trị nhãn khoa thông thường”, giáo sư Pete Coffey, viện nhãn khoa UCL, một trong những người sáng lập dự án, cho biết.

Ở Anh, khoảng 700.000 người mắc chứng thoái hóa điểm vàng, đa phần là bị thoái hóa điểm vàng khô. Điểm vàng là một vùng ở ngay giữa võng mạc, giúp chúng ta nhìn rõ khi cần đọc chữ, nhận diện, lái xe.

Nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng tăng theo lứa tuổi. Do đó, bệnh thường được xem là bệnh của người già. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, ánh sáng xanh (ánh đèn Led, ánh sáng từ điện thoại, tivi, máy tính) là tác nhân mới đẩy nhanh sự thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, những người thường xuyên phải tiếp xúc với ánh sáng xanh là những đối tượng nguy cơ cần cảnh giác với căn bệnh này. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, người có tiền sử gia đình, dinh dưỡng kém, ăn quá nhiều mỡ, thịt, thiếu rau xanh…

Để phòng ngừa bệnh, khi có rối loạn về thị lực, đặc biệt nhìn mờ, méo hoặc mất trung tâm của vật, bạn cần đi khám để chẩn đoán và điều trị ngay. Ngoài ra, bạn có thể làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh bằng cách bổ sung dinh dưỡng cho mắt với vitamin B12 và các chất chống ô-xy hóa. Theo kết quả nghiên cứu của Viện mắt Mỹ, việc kết hợp chất chống ô-xy hóa (điển hình như lutein, zeaxanthine, a-xít alpha lipoic) và kẽm có thể giúp làm giảm 25% nguy cơ tiến triển thoái hóa điểm vàng và giảm 19% nguy cơ mất thị lực (mù) ở người bệnh.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua