Ly hôn hay giữ cha cho con khi không còn hạnh phúc?

Bạn tin vào hôn nhân nhưng vẫn có nhiều điều bất ngờ sau khi bạn đeo vào tay chiếc nhẫn nhỏ xíu. Nếu không còn hạnh phúc bạn chọn giữ cha cho con hay ly hôn?

Có thể có cuộc hôn nhân tốt, nhưng không có cuộc hôn nhân dễ chịu – Rainer Maria Rilke
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Cách đây nhiều năm, tôi tình cờ lọt thỏm vào cuộc trò chuyện của một nhóm các chị 30–40 tuổi. Một chị có bằng thạc sỹ và là doanh nhân thành đạt khẳng định với cả nhóm: “Dù gia đình thế nào, mình cũng không ly dị mà phải giữ cha cho con”. Không ngờ sau bốn năm kết hôn, tôi lại phải nhớ tới lời chị nói và trằn trọc: “Ly dị hay không ly dị? Nếu không có con, chắc chắn tôi sẽ ly dị. Song bây giờ có con rồi, phải chăng tôi nên như chị ấy tiếp tục hôn nhân để giữ cha cho con?”.

Đọc tin nhắn đầy tâm sự của chị H. Hà gửi về Fanpage Tiếp Thị Gia Đình, hội đồng biên tập Tiếp Thị Gia Đình nhận thấy vấn đề của chị H.Hà cũng là vấn đề của nhiều người trong xã hội hiện nay.

Theo một cuộc nghiên cứu ở Anh, có đến 1/4 các cặp vợ chồng tiếp tục chung sống chỉ vì những đứa con và họ có kế hoạch sẽ chia tay khi con lớn. Liệu quyết định này có đúng?

ĐỐI DIỆN VỚI LY HÔN

Trong tiếng Việt, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân ngay trong lúc cả vợ và chồng đều còn sống và đã được tòa án phán quyết.

Song về mặt tâm lý, hai chữ ly hôn gắn liền với một kết thúc không có hậu của đời sống hôn nhân. Trong tâm thức của hầu hết mọi người, ly hôn là một bước đi đáng sợ. Bởi vì việc này sẽ gây tổn thương tâm lý cho những người trong gia đình.

Đồng thời, bạn sợ dị nghị, sợ cô đơn, sợ yêu và sợ đi bước nữa lại tồi tệ hơn. Thậm chí có người còn nghĩ tiêu cực rằng ly hôn có nghĩa là đời mình đã chấm dứt. Đặc biệt nhiều người muốn giữ cha cho con, sợ con thiệt thòi về vật chất lẫn tâm lý.

GIỮ CHA CHO CON TRẺ?

Hands hug the family (concept)Nếu bạn đã chắc chắn muốn ly dị và không thể hòa giải, lý do duy nhất khiến bạn chần chừ chỉ là muốn giữ cha cho con, Tiếp Thị Gia Đình mời bạn lắng nghe Martin Loxley, nhà nghiên cứu về luật gia đình, chia sẻ: “Rất nhiều cặp đôi tiếp tục mối quan hệ vợ chồng dù họ không thật sự muốn thế. Lý do lớn nhất là vì những đứa trẻ”.

Thật vậy, nhiều bạn có đời sống hôn nhân trục trặc muốn tiếp tục duy trì gia đình để con trẻ không bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý và chịu nhiều thiệt thòi. Họ cố tạo vẻ ngoài là gia đình hạnh phúc, đi chơi cùng nhau và giữ các cuộc cãi vã trong bí mật để con trẻ còn có cha bên cạnh. Song bà Martin Loxley cho rằng trẻ con rất nhạy cảm và dễ nắm bắt hành vi ứng xử của người lớn. Nếu một ngày nào đó con trẻ phát hiện cha mẹ đã lừa mình, chắc chắn chúng sẽ không tránh khỏi tổn thương.

Thực tế, trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn sẽ không hạnh phúc như được sống trong gia đình êm ấm. Song nếu cha mẹ cứ gắng gượng sống với nhau thì môi trường này chưa chắc tốt đẹp hơn môi trường cha mẹ chia tay. Nhà nghiên cứu Constance Gager, thuộc Đại học bang Montclair tại New Jersey, khuyến cáo: “Nếu bạn và chồng luôn có những xung đột cao, đừng ở lại với nhau vì lợi ích của con. Việc tiếp xúc liên tục với xung đột của cha mẹ sẽ khiến trẻ thường xuyên đối mặt với căng thẳng, dễ trầm cảm và gặp vấn đề về các mối quan hệ trong tương lai. Nếu vợ chồng sống với nhau trong sự xung đột liên tục, con trẻ sẽ có thêm nhiều năm tiếp xúc với xung đột của cha mẹ. Trong khi đó nếu ly hôn, vợ chồng sẽ ít xung đột với nhau hơn”.

Bà Loxley còn khẳng định: Vợ chồng không hạnh phúc nên phải ly hôn. Việc ly hôn thực hiện một cách nhẹ nhàng sẽ giảm thiểu tác động xấu tới tâm lý của trẻ.

Điển hình như trường hợp của nghệ sỹ Quốc Trung và Thanh Lam. Trong một phỏng vấn gần đây, Nguyễn Đăng Quang, 17 tuổi, con trai của hai nghệ sỹ, bộc bạch: “Em may mắn vì dù bố mẹ chia tay em vẫn không thiệt thòi một điều gì, hiện tại cuộc sống em rất hạnh phúc. Em hiểu rằng mẹ biết mẹ bận bịu, khó lo cho các con học tốt như ông bà đã chăm sóc nên mẹ đành hy sinh không ở cùng các con. Vì chuyện đó mà mẹ đã nhận nhiều điều tiếng.

Em và mẹ vẫn kết nối thường xuyên, không bao giờ mẹ để em thiếu thốn tình cảm. Hai mẹ con vẫn tâm sự với nhau về quan điểm sống, cách giải quyết những khó khăn hay lối sống. Những lúc biết em gặp căng thẳng, mẹ cũng chỉ cách giúp em giải tỏa áp lực”.

Cracked relationship

Theo các nhà tâm lý, bạn đừng nghĩ rằng việc chia tay ảnh hưởng xấu đến quan điểm sống của con. Những bậc cha mẹ chia tay và nỗ lực xây dựng cuộc sống mới chắc chắn sẽ đem lại những bài học tốt hơn cho con trẻ so với cha mẹ đóng băng cảm xúc để luẩn quẩn trong gia đình thiếu hạnh phúc. Và khi cuộc hôn nhân của bạn có vấn đề dù không cãi vã, đánh nhau mà mỗi người sống cuộc sống của mình, vợ chồng chỉ bàn bạc những vấn đề cơ bản, vô hình trung bạn đang dạy cho con về một cuộc sống gia đình lạnh nhạt và không gắn kết.

CON CÁI LÀ LÝ DO HAY LÀ CÁI CỚ?

Bạn có từng nghe chuyện này chưa? Một gia đình dắt nhau ra tòa ly dị, vị thẩm phán hỏi: “Anh chị có 5 cháu, vậy phân chia sao đây?”. Người chồng gãi đầu, khó xử rồi nhìn sang vợ bảo: “Em yêu, mình về nhà thôi. 9 tháng 10 ngày nữa mình nộp đơn ly dị vậy”.

Cũng như truyện cười này, có những trường hợp vợ chồng muốn kết thúc hôn nhân nhưng ai cũng ngại sự thay đổi. Rõ ràng lúc này bạn đưa ra lý do con cái chỉ để cả hai tự gạt bản thân mình, nhằm tránh phải ly dị, một bước đi mà bạn cho là rất đáng sợ.

Hoặc bạn cảm thấy gia đình mình đang có vấn đề dù chưa đến nỗi ly hôn. Bạn để mọi thứ trôi tự nhiên vì nghĩ rằng chắc chắn sẽ không ly hôn và cũng không muốn tìm hiểu vấn đề hiện tại để khắc phục hay tiến tới ly dị vì đã có với nhau mấy mặt con rồi. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần xác định rõ sẽ vực lại gia đình hay ly dị. Bạn có thể làm bài trắc nghiệm cạnh bên.

NHỮNG VIỆC NÊN LÀM TRONG THỜI KỲ PHÂN VÂN

20151006-giu-cha-cho-con-gia-dinh-tan-vo

Hôn nhân không tình yêu là hôn nhân không đạo đức – Lưu Hiểu Khánh

Nếu bạn nhận ra cuộc hôn nhân của mình có vấn đề và không thể tiếp tục, hãy dừng lại. Nếu bạn muốn giữ cha cho con không cho con biết tình cảm vợ chồng mình đã rạn nứt để cả hai tìm hiểu, dần cải thiện trước khi ra quyết định cuối cùng, bạn cần:
♦ Trò chuyện với chồng để tháo gỡ vướng mắc của cả hai một cách nhẹ nhàng. Nếu không thể bắt đầu như thế, hãy quên đi vướng mắc đó.
♦ Tranh luận ở một nơi không có mặt con cái.
♦ Vẫn đi nghỉ cùng gia đình.
♦ Vẫn ngủ chung giường.
♦ Đối xử tốt với gia đình hai bên.
♦ Cùng xem phim.
♦ Thể hiện tình cảm như nói những lời yêu thương.
♦ Nắm tay nhau nhiều hơn.
♦ Hẹn hò, đi xem phim.
♦ Nếu cảm thấy có vấn đề về sự kết nối vợ chồng, hãy nói chuyện với anh và tạo sự gắn kết trước khi quá muộn.

HÔN NHÂN CỦA BẠN CÓ THỂ CỨU VÃN?

20151006-giu-cha-cho-con-gia-dinh
Dưới đây là bảng câu hỏi để bạn xem xét hôn nhân của mình có thể được cứu vãn hay không. Nếu câu trả lời hầu hết là có (đúng), bạn có thể cân nhắc tạm thời không ly hôn để giữ cha cho con.
◊ Bạn kết hôn là vì tình yêu?
◊ Bạn còn cảm xúc tích cực với chồng, chẳng hạn như gắn bó, quen thuộc, mến thương?
◊ Bạn và anh vẫn có thể thảo luận để cùng ra một quyết định quan trọng?
◊ Bạn muốn ly hôn chỉ để thỏa mãn cảm xúc?
◊ Bạn muốn ly dị chỉ để cho anh một bài học trong cuộc đời?
◊ Chồng bạn là người lương thiện và hướng thượng?
◊ Chồng bạn vẫn dành thời gian chơi đùa, dạy bảo con?
◊ Chồng bạn có chăm sóc khi con ốm đau?
◊ Chồng bạn vẫn cùng chia sẻ với bạn gánh nặng gia đình?

Mục Gia đình/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua