Những tình huống bạn không nên can thiệp vào chuyện của con

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn can thiệp vào mọi chuyện học hành, bạn bè và vui chơi của trẻ?

Chị Ngọc là con của một đại gia ở TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, chị làm việc ở một công ty lớn và bị đồng nghiệp “chơi xấu”. Chị bị trầm cảm nặng. Hơn năm năm, chị chẳng thể đi làm vì không biết cách “sống chung” với những “kẻ xấu”. Bác sỹ tâm lý cho rằng đây là hậu quả của việc từ nhỏ chị đã được gia đình can thiệp, xử lý giúp mọi chuyện.

VÌ SAO NGƯỜI LỚN KHÔNG NÊN CAN THIỆP VÀO CHUYỆN CỦA CON?

Những học sinh có phụ huynh thích can thiệp vào chuyện của con sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn các trẻ khác. Đây là kết quả một cuộc nghiên cứu đăng trên chuyên san gia đình và con cái của Springer. Nghiên cứu phân tích khi quá can thiệp vào chuyện của con, bạn sẽ vô tình xâm phạm đến khả năng tự chủ của trẻ và truyền đi thông điệp không tin tưởng vào khả năng của chúng.

Từ đó, trẻ sẽ giảm bớt nỗ lực khi gặp các tình huống cần cố gắng và hạn chế khả năng học hỏi của trẻ. Trẻ cũng ít có xu hướng thể hiện những cảm xúc mà cha mẹ chúng không chấp thuận, dần trở nên bực bội, khó chịu và có cả cảm giác tự ti. Những yếu tố này kết hợp lại sẽ dẫn đến tình trạng trầm cảm hoặc những vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Trẻ cũng sẽ không thể tự mình giải quyết vấn đề.

Do vậy, để giúp trẻ tự tin, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, bạn cần nhận ra ranh giới khi nào trẻ thực sự cần chúng ta can thiệp và can thiệp như thế nào hoặc khi nào trẻ cần tự mình giải quyết vấn đề. Dưới đây, Tiếp Thị Gia Đình sẽ mách bạn một số tình huống thường xảy ra và cách xử lý thích hợp.

TÌNH HUỐNG CHỈ HỖ TRỢ MÀ KHÔNG CẦN CAN THIỆP VÀO CHUYỆN CỦA CON

20151005-co-nen-can-thiep-vao-chuyen-cua-con-01

NGƯỜI KHÁC DẠY DỖ KHI CON BẠN PHẠM LỖI

Cách xử lý: Bạn thể hiện sự đồng ý với phụ huynh đó, để bé hiểu bạn cũng không hài lòng khi con làm thế. Nếu người đó mắng con quá nặng nề, bạn nên lịch sự cắt ngang và nói bạn sẽ dạy dỗ lại bé sau.

CON BỊ ĐIỂM KÉM, DÙ LÀM BÀI TỐT

Cách xử lý: Hãy để bé nêu thắc mắc với giáo viên. Trẻ sẽ hiểu rằng bày tỏ ý kiến là cách tốt để tiếp cận các bất đồng theo hướng xây dựng.

KHI CON PHẢI LÀM BÀI TẬP VỀ NHÀ QUÁ NHIỀU

Cách xử lý: Bạn cần theo dõi con sát sao. Nếu con nỗ lực hết sức vẫn không xử lý hết bài tập vì vấn đề là ở lượng bài quá nhiều, lúc này, bạn cần có cuộc nói chuyện với giáo viên.

CON BỊ BẠN BÈ BẮT NẠT

Cách xử lý: Tập vài cách để con bạn phản ứng lại. Ví dụ yêu cầu người bạn chấm dứt việc làm đó. Hãy để bé tập cách đứng thẳng, ưỡn ngực ra trước những kẻ bắt nạt và mạnh mẽ nói: “Bạn thôi đi!” rồi bỏ đi. Nếu con vẫn liên tục bị bắt nạt, lúc ấy bạn hãy nhờ giáo viên xử lý.

BÉ KHÔNG ĐƯỢC MỜI DỰ SINH NHẬT BẠN

20151005-co-nen-can-thiep-vao-chuyen-cua-con-02
Cách xử lý: Bạn an ủi con và dẫn con đi chơi để bé vui vẻ. Bạn nên tìm hiểu với giáo viên chứ không phải bố mẹ của chủ nhân bữa tiệc về mối quan hệ bạn bè giữa con và bé tổ chức sinh nhật, để hướng dẫn bé cách hành xử hợp lý.

TRẺ HỌC NHỮNG TỪ NGỮ KHÔNG HAY TỪ BẠN BÈ

Cách xử lý: Bạn giải thích với bé ý nghĩa của từ ngữ và cảm giác của người khác khi bé dùng nó. Nếu bé vẫn thường nói những từ ngữ này và chỉ học từ một người bạn, bạn hãy nói chuyện với phụ huynh bé đó. Nếu không có kết quả, bạn hướng bé đến những người bạn mới.

Mục Mẹ và con – Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua