5 bệnh người cao tuổi thường gặp

Người cao tuổi có xu hướng mắc đa bệnh, uống đa thuốc. Những bệnh người cao tuổi thường gặp là gì và cách xử lý thế nào để họ luôn sống vui khỏe cùng con cháu?

Người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Ngày 1–10 là Quốc tế Người cao tuổi. Để người cao tuổi trong gia đình bạn sống hạnh phúc, vui vẻ, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho họ. Tiến sỹ, bác sỹ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng khoa Lão khoa – Chăm sóc Giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM sẽ liệt kê những bệnh người cao tuổi thường gặp để giúp bạn phòng ngừa, nhận diện và điều trị sớm các bệnh lý này cho người thân.

LOÃNG XƯƠNG

20150928-5-benh-nguoi-cao-tuoi-thuong-gap-loang-xuong
Xương khỏe rất quan trọng đối với người cao tuổi. Khi có tuổi, quá trình mất chất xương nhanh và nhiều hơn quá trình tạo xương. Do đó, xương có xu hướng mỏng và yếu hơn, gọi là loãng xương. Xương sẽ dễ gãy khi bị ngã, thậm chí khi tham gia hoạt động hàng ngày.

Phần lớn người bệnh không có triệu chứng rõ rệt, chỉ đến khi bị gãy xương mới phát hiện bệnh. Vì vậy, hãy kiểm tra mật độ xương (DEXA scan) thường xuyên để phát hiện loãng xương và có hướng điều trị thích hợp từ sớm.

ĐÃNG TRÍ

Cùng với tuổi thọ tăng là tình trạng giảm sút trí nhớ và nặng hơn là tình trạng sa sút trí tuệ. Trong đó thường gặp nhất là sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer. Đây là một bệnh tiến triển của não bộ và không thể phục hồi.

Các nhà nghiên cứu ước tính có 2,4 – 4,5 triệu người trên 60 tuổi ở Mỹ bị mắc bệnh Alzheimer. Nếu thấy người già hay quên, không thể nhớ điều cơ bản nhất như tên người quen, hãy đưa họ đi khám bác sỹ lão khoa hay khoa nội thần kinh để đánh giá tình trạng nhận thức và có hướng điều trị sớm, phòng ngừa sớm sa sút trí tuệ.

RỐI LOẠN TIỂU TIỆN

Đây là một trong những rối loạn của hội chứng lão khoa, bao gồm tiểu gấp (tiểu không thể kiềm lại), tiểu són và tiểu không tự chủ, thường gặp ở cả hai giới. Đối với nữ giới, nguyên nhân do các cơ vùng chậu bị yếu đi và trở nên khó kiểm soát bàng quang. Ở nam giới, nguyên nhân do tuyến tiền liệt có vấn đề. Cần đến bác sỹ khám để được điều trị kịp thời.

THOÁI HÓA KHỚP

20150928-5-benh-nguoi-cao-tuoi-thuong-gap-loang-xuong-01

Qua thời gian, người cao tuổi thường gặp nhiều bệnh tật

Thoái hóa khớp là chứng bệnh người cao tuổi thường gặp, ở Mỹ cứ 6 người có 1 người bị thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp xảy ra khi các chất lỏng và sụn trong khớp bị mòn khiến xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, gây đau đớn. Bệnh này thường xảy ra ở khớp cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp ngón tay, hông, đầu gối, cổ tay… Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp.

Vì thế, đừng ngại tham khảo ý kiến bác sỹ để được giúp đỡ nếu người thân bị đau xương khớp.

DỄ TÉ NGÃ

Người già dễ té ngã do nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là do rối loạn chức năng giữ thăng bằng, do tụt huyết áp khi thay đổi tư thế hoặc do các bệnh lý phối hợp như tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu não, bệnh tim mạch, bệnh cơ xương khớp và do sử dụng quá nhiều thuốc.

Do vậy, người cao tuổi cần lưu ý việc sử dụng thuốc, điều trị tốt các bệnh phối hợp, chú ý môi trường sống xung quanh (gờ, bậc), dùng các dụng cụ hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày như tay vịn, gậy chống… để giảm thiểu nguy cơ té ngã trong sinh hoạt hàng ngày.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ

• Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên cần đi khám sức khỏe tổng quát, ít nhất 1 lần/năm.

Địa chỉ khám: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 1A Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội; Khoa Lão — Chăm sóc Giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, 215 Hồng Bàng, Q. 5, TP. HCM.

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua