Hóa giải mối quan hệ anh chị em bất hòa với nhau

Những đặc quyền và trách nhiệm không hợp lý, sự khác biệt về tính cách trong gia đình có phải là những lý do khiến anh chị em bất hòa hay còn các nguyên nhân nào khác nữa?

Mối quan hệ anh chị em bất hòa khiến người trong cuộc bị ám ảnh và đau lòng

Gia đình chị Phương ở Hà Nam chỉ có hai anh em. Cha chị đã mất nên mẹ ở cùng với anh cả. Mẹ luôn ưu ái con trai, có chuyện gì mẹ cũng chỉ cần hỏi ý kiến của anh. Mảnh đất nhà cha mẹ rất rộng, anh trai nhận bảy phần với lý do “sau này xây nhà tổ”. Với phần đất còn lại, chị Phương phải lấp đất ao mới có chỗ đủ rộng để dựng nhà cửa. Rồi anh trai của chị Phương phải vào Đắk Lắk công tác dài hạn. Anh quyết định bán đất, đưa mẹ đi cùng. Chị Phương xin mua lại để giữ đất tổ nhưng vì chị không đủ tiền, anh trai dứt khoát bán cho người ngoài.

Từ đó, tình anh em rạn vỡ. Trong suốt cả chục năm trời xa cách, dù có gọi điện thoại nói chuyện với mẹ, chị Phương cũng không muốn mở miệng hỏi thăm anh trai. Khi anh trai có gia đình, gặp người chị dâu ích kỷ, khinh em chồng nghèo, chị Phương tự nhủ: “Sẽ không cần một người anh như thế”.

Câu chuyện của chị Phương là một trong nhiều trường hợp anh chị em sau khi trưởng thành lại trở mặt và đoạn tuyệt nhau. Chị Phương chia sẻ: “Không ngờ tình anh em máu chảy ruột mềm lại có lúc tan đàn sẻ nghé thế này. Vì đâu nên nỗi?”.

VÌ SAO GIỌT MÁU SẺ ĐÔI VẪN BẤT HOÀ?

Một khảo sát của trường Đại học Oakland, Mỹ, cho thấy, có 26% những người tuổi từ 18– 65 phản hồi rằng anh chị em ruột của mình luôn giúp đỡ, thường xuyên liên lạc với nhau và ít có sự ganh đua. Trong khi đó, 19% nói rằng anh chị em thờ ơ với nhau và 16% ở cấp “mạnh” hơn là chống đối nhau.

Điều gì đã khiến mối quan hệ anh chị em sau khi trưởng thành không còn thân thiết, sẻ chia và rộng lượng với nhau như trước đó?

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-trong-gia-dinhTrước hết, theo nhà xã hội học Dalton Conley, trường Đại học New York, Mỹ, quan hệ xã hội đang thay đổi. Mô hình gia đình của người Mỹ đang chuyển từ đại gia đình sang tiểu gia đình. Mối quan hệ của anh chị em ruột bị lu mờ so với mối quan hệ vợ chồng, con cái trong gia đình nhỏ.

Mô hình gia đình hiện đại ở Việt Nam cũng đang diễn biến tương tự. Bạn không còn thích sống trong một đại gia đình với cha mẹ, anh, chị em mà muốn ra riêng, kiến tạo cuộc sống độc lập, chỉ có vợ chồng và con cái của bạn. Khi không ở cùng và gần gũi nhau, tình cảm dần trở nên xa cách.

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-trong-gia-dinh-02

Thứ hai, liên kết giữa anh chị em không bền chặt bằng sợi dây cha mẹ và con cái. Sợi dây này càng yếu thì càng ít sự khoan dung và vị tha. Dù mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ có trục trặc, bạn vẫn phải giữ liên lạc vì đạo hiếu bắt buộc. Song đối với anh chị em, nếu bất hòa không được hòa giải, bạn sẽ cho rằng mình không cần phải giữ bổn phận, quan tâm tới người làm tổn thương mình.

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-01

Thứ ba, bạn ỷ lại tình thân mà không nuôi nấng mối quan hệ hoặc không xem quan hệ anh chị em ruột là một phần quan trọng trong cuộc sống. Từ đó, bạn ưu tiên thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình riêng, các mối quan hệ đem lại lợi ích nhất định mà phớt lờ anh, chị, em.

Trong một lần đang trả lời phỏng vấn, nhân vật của Tiếp Thị Gia Đình có hai cuộc điện thoại. Một cuộc gọi là chị ruột, chị vừa bắt máy lên đã nói: “Em đang bận. Tối về gọi lại nhé” rồi tắt máy. Ngay sau đó, một cuộc gọi đến, có lẽ là bạn, chị ấy nói chuyện trên trời dưới đất rất lâu. Tối về nhà, liệu chị ấy còn nhớ đến lời hứa gọi điện lại không? Cách hành xử đó cũng là tâm lý “ỷ lại” mà nhiều người trong chúng ta thường cư xử với những người quá quen thuộc trong cuộc sống của mình.

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-trong-gia-dinh-01

Thứ tư, bất hòa hay không sẽ còn phụ thuộc vào tính cách của người trong cuộc. Đáng tiếc rằng điều này lại phụ thuộc vào gien nên bạn khó kiểm soát hết cảm xúc và hành động, có thể khiến tình cảm dễ dàng tan vỡ.

Nếu bạn tự tin, biết nhẫn nhịn và thông cảm sẽ dễ tha thứ. Song, nếu bạn thuộc kiểu người dễ bị tổn thương, kém tự tin, bạn có thể đẩy những mâu thuẫn bình thường trở thành sự xúc phạm, tạo bức tường ngăn cách tình cảm.

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-gia-dinhVà điều cuối cùng, khoảng 2/3 các bà mẹ sẽ đặc biệt cưng chiều một đứa con hơn hẳn so với những đứa con khác của mình. Là con cái, chúng ta đều nhận ra sự thiên vị này. Có câu chuyện rằng hai đứa trẻ nhà nọ rất ganh tỵ với nhau về tình yêu của cha mẹ.

Ngày kia cả hai quyết định làm một phép thử xem ai quan trọng hơn. Họ cùng lên một chiếc ta-xi. Cô chị hỏi tài xế: Từ đây ra sân bay bao nhiêu tiền? “60 ngàn”, tài xế đáp. Người em nhanh nhảu: “Cháu đi cùng chị thì bao nhiêu tiền ạ?”. Tài xế: “Cũng 60 ngàn”. Cô chị cười đắc ý: “Thấy chưa, đã bảo em không đáng một đồng mà”. Người em cũng phán: “Thế hóa ra chị cũng chỉ đáng 60 ngàn”. Sau đó, cả hai cùng cười xòa.

Trẻ nhỏ rất kèn cựa tình yêu thương, có những trẻ dễ làm hòa song có những trẻ mãi đến khi trưởng thành vẫn day dứt, bất bình về việc không được yêu thương đó. Cảm xúc này châm ngòi cho những mâu thuẫn. Và nếu bất hòa xảy ra, tình cảm sẽ khó hàn gắn.

HOÁ GIẢI MỐI QUAN HỆ ANH CHỊ EM BẤT HÒA

Nhà tâm lý học Daniel Shaw, trường Đại học Pittsburgh, Mỹ, kể rằng, khi lên sóng một chương trình radio, bàn về mối quan hệ giữa anh chị em lúc còn nhỏ, ông thấy rất nhiều người lớn gọi đến chia sẻ về nỗi đau khi phải trở mặt với anh, chị, em của mình. Họ mong muốn làm hòa với anh, chị, em dù có thể đã 20–30 năm “từ mặt”.

Việc hóa giải bất hòa không khó như bạn nghĩ vì bản năng giống nòi luôn thúc đẩy bạn gắn bó với gia đình. Giáo sư Frank Sulloway, Đại học California, Berkeley ở Mỹ, cho biết: Cũng giống như các loài động vật có vú khác, theo lẽ tự nhiên, chúng ta thường sẽ gắn bó với những ai có nhiều gien tương đồng nhất. Bạn và anh, chị, em đều hưởng cùng gien của cha mẹ. Sự tương đồng về gien này khiến người trong cuộc dễ tha thứ và hợp tác cùng nhau.

Theo giáo sư Frank Sulloway, những người tham gia phỏng vấn khẳng định họ sẵn sàng hòa giải nếu anh, chị, em của mình mở lời xin lỗi và muốn bắt đầu lại từ đầu. Như vậy, chỉ cần bạn mở lời chân thành, mọi mâu thuẫn có thể được hóa giải.

20150928-anh-chi-em-bat-hoa-gia-dinh-01

Khi gia đình vui vẻ, nhiều sự thuận lợi sẽ đến với cả nhà

CÁCH THỨC HÓA GIẢI

Theo các nhà tâm lý, bạn nên bàn về mối quan hệ cần hòa giải của mình và anh, chị em một cách mềm mỏng, bình tĩnh.

Công thức cho cuộc trò chuyện hàn gắn bao gồm: đừng phán xét, hãy buông bỏ quá khứ, sống cho hiện tại và biết lắng nghe. Bạn hãy nhắc đến tương lai, lên kế hoạch ăn uống, thăm hỏi, vui chơi, đi du lịch cùng nhau để kéo gần khoảng cách.

Đặc biệt, những mối quan hệ anh chị em bất hòa sâu sắc sẽ không thể hóa giải sau một vài lần trò chuyện. Bạn hãy trao đi sự kiên trì và hết lòng yêu thương bằng những quan tâm nho nhỏ như thường xuyên trò chuyện, chia sẻ khó khăn.

Hãy cố gắng để giữ được tình ruột thịt quý giá, bạn nhé.

Mục Gia đình / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua