Những nguyên nhân khiến phố biến thành sông sau mưa

Với người dân ở các thành phố, hình ảnh “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi trời kéo mây đen kịt

Ngập lụt đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở các thành phố như Hà Nội và TP. HCM

Đã hết giờ làm nhưng chị Ngọc Phụng, nhà ở đường Gò Dưa, Q. Thủ Đức, TP. HCM, vẫn nấn ná ngồi ở công ty. Lý do  là ngoài trời mưa tầm tã và chị vẫn còn nhớ như in cái hôm phố biến thành sông, đường ngập lụt đến gần yên xe.

“Vì xe chết máy mà sắp về đến nhà nên tôi gọi điện nhờ chồng ra đẩy giúp. Hai vợ chồng mất gần hai giờ mới vượt qua quãng đường 1km. Như tôi là vẫn còn may mắn. Có chị kia đang ì ạch đẩy xe có con nhỏ ngồi phía sau thì một chiếc xe tải phóng qua tạo thành sóng nước lớn đẩy hai mẹ con ngã nhào vào cột điện. Đêm đó tôi bị ám ảnh đến không ngủ được”, chị kể.

HẬU QUẢ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-02

Dông lốc chưa từng có trong lịch sử ở Hà Nội, mưa lũ lớn nhất trong vòng 55 năm ở Quảng Ninh và gần đây là những trận mưa lớn khiến TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng… ngập sâu chính là ảnh hưởng của El Nino và biến đổi khí hậu toàn cầu.

PGS–TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, lý giải: “Các nghiên cứu cho thấy mưa lớn và dông mạnh xuất hiện ở các thành phố lớn không phải là hiện tượng hiếm, đặc biệt trong các tháng mùa hè. Ở khu vực thành phố, quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi lớp phủ bề mặt từ thảm cỏ, mặt nước thành các công trình bê tông, đường nhựa, tòa nhà cao tầng dẫn đến tăng tích nhiệt khu vực đô thị. Tăng nhiệt tạo điều kiện hình thành các ổ đối lưu mạnh, tăng hội tụ ẩm mực thấp và khí quyển trở nên bất ổn là nguyên nhân chủ yếu hình thành các cơn mưa lớn và dông mạnh”.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, hiện tượng El Nino bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2014 và có khả năng kéo dài đến hết mùa xuân năm 2016. Đa số các đợt El Nino gây ra tình trạng hạn hán, nắng nóng, song một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn ở một số nơi.

“Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm nước biển, triều cường dâng cao nên các đô thị, đặc biệt là các đô thị ven biển, ven sông và ở vùng đất thấp, đối mặt với nguy cơ ngập úng, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước, khó tiêu thoát nước ngày càng gia tăng”, tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ CHỐNG LẠI TỰ NHIÊN

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-03

Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. HCM cho biết: lẽ ra tình trạng phố biến thành sông không đến nỗi như thế dù có mưa lớn, triều dâng. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính tác động của con người và những sai lầm trong quy hoạch đô thị theo kiểu chống lại tự nhiên.

Giáo sư Lê Huy Bá phân tích: “Thứ nhất, đặc điểm tự nhiên ở khu vực TP. HCM là đô thị bán ngập triều, có nhiều sông rạch, ao hồ được xem như những nơi chứa và điều tiết nước khi trời mưa, triều dâng… Sử dụng và cải tạo thuận theo thiên nhiên phải là khai thông, làm sạch kênh rạch, xây dựng nhiều cây cầu bắc qua các con kênh để đảm bảo giao thông mà vẫn bảo tồn các hồ chứa nước tự nhiên. Tuy nhiên, bất chấp tự nhiên, nhà nhà, người người thi nhau lấp kênh rạch để xây dựng nhà cửa, đường sá, lập dự án lớn nhỏ. Cho đến nay, 15% kênh rạch đã bị lấp hoàn toàn, gần 100% các kênh đã bị san lấp một phần. Khi mặt đất bị bê tông hóa cao, nước không thấm được xuống tầng đất sâu và tầng nước ngầm, vừa gây ngập tầng đất mặt vừa làm mất lượng nước bổ cập hàng năm cho nước ngầm, khiến nước ngầm cạn kiệt, mặt đất mỗi ngày tụt sâu hơn.

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-01

Ngập đường đồng nghĩa với việc xe chết máy và phải dẫn bộ lội nước. Ảnh TTXVN

Sai lầm tệ hại thứ hai chính là việc mở rộng đô thị bất chấp địa hình. Sài Gòn có khu phía Bắc, Đông Bắc có địa hình cao, còn những vùng phía Đông Nam như khu vực quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ là vùng trũng, được xem là những hồ điều tiết nước tự nhiên. Thế nhưng, khu này lại được đôn cao lên để xây dựng đường sá và các dự án nhà chọc trời. Nước không có lối thoát sẽ dồn về chỗ thấp là trung tâm thành phố, biến thành phố thành một cái bánh đúc nằm trong lòng chảo, không có cách nào thoát ngập.

Sai lầm thứ ba bắt nguồn từ tính tham lam khi thực hiện các dự án phát triển đô thị. Ở nước ngoài, người ta thường dành 30–50% diện tích cho mảng xanh, công viên, vừa đảm bảo không khí trong lành vừa tạo tác dụng thoát nước nhanh. Còn Việt Nam chỉ chăm chăm xây nhà, bê tông hóa hầu hết diện tích.

Bên cạnh đó, hệ thống ống thoát nước ở TP. HCM cũng đã cũ, lỗi thời. Nếu ở nước ngoài có ống thoát nước mưa riêng, nước bẩn riêng thì Việt Nam chỉ có một đường ống duy nhất. Chẳng những thế, khi mở rộng thành phố, ống thoát nước cứ tiếp tục được nối dài mà không mở rộng đường kính khiến việc thoát nước chậm, thành phố dễ ngập chỉ sau một trận mưa. Đó là chưa kể đến ở TP. HCM có quá nhiều cống hộp thay thế cho kênh rạch bị lấp, loại cống mà nước ngoài bí lắm mới sử dụng. Những cống này không chỉ thoát nước rất chậm mà còn dễ gây ra mùi hôi thối, làm ô nhiễm môi trường”.

GIẢI PHÁP KHUYẾN NGHỊ VÀ THỰC TẾ

Nói về phương pháp “giải cứu” TP. HCM khỏi ngập lụt, một kiến trúc sư cho biết: “Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng nhiều đường hầm metro dưới lòng đất bằng phương pháp Pipe Jacking và Việt Nam cũng có thể xây dựng trên cơ sở kỹ thuật này. Ý tưởng đề xuất là thực hiện một hệ thống ống giếng thu nước thẳng đứng trong vùng bị ngập, liên kết các ống giếng này với nhau và từ ống giếng cuối cùng, nước sẽ được bơm thoát ra ngoài sông rạch. Hệ thống ống giếng thẳng đứng và cống ngầm này hoàn toàn độc lập với hệ thống cống hiện có của thành phố. Khi mưa xuống, tất cả nước mưa sẽ nhanh chóng thu vào hệ thống ống giếng này và được bơm thoát ra ngoài sông rạch”.

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-05

Nước không chỉ ngập ngoài đường, trong hẻm mà tràn cả vào nhà. Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, giá thành xây dựng công trình khá lớn, ước tính cho 2km chiều dài vào khoảng 300 tỷ đồng. Tại TP. HCM, chỉ mới có bốn công trình thực hiện theo công nghệ này.

Giáo sư Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Phải nhanh chóng làm hồ điều tiết”. Theo đó, thành phố cần xây dựng hồ điều tiết chìm ở nơi có điều kiện địa hình cho phép như công viên, dưới bùng binh, dưới vườn hoa, nghĩa là dưới lòng đất có hồ chứa, trên mặt đất vẫn là vườn hoa, tiểu đảo… Giáo sư Bá còn nêu thêm một ý tưởng là đào mới một kênh đủ lớn, chạy thành vòng đai nhận nước cho thành phố nhất là vùng trũng, đang đô thị hóa. Điểm đầu nối với sông Sài Gòn và điểm cuối nối với sông Nhà Bè, kết hợp xây dựng cảnh quan du lịch kiểu như sông Seine.

Trao đổi với Tiếp Thị Gia Đình, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM, cho biết: “Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016–2020, sẽ có hai quy hoạch được triển khai cho TP.HCM. Cụ thể, quy hoạch 752 tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải cho vùng trung tâm, vùng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam và Tây của thành phố với các việc như nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao, xây dựng và cải tạo 200km cống thoát nước và cũng xây dựng 3 hồ điều tiết Gò Dưa, Bàu Cát, Khánh Hội với tổng mức đầu tư là 950 tỷ đồng. Quy hoạch 1547 sẽ xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê, 7km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và khoảng 12km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng 550km² của thành phố.

HÃY TỰ CỨU LẤY MÌNH

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-giao-su-le-huy-ba

Giáo sư Lê Huy Bá khuyên người dân nên tự cứu mình

Giáo sư Lê Huy Bá nhận định: “Với tốc độ đô thị hóa cùng sự xuống cấp của hệ thống thoát nước hiện nay, dự báo đến năm 2050, khi nước biển dâng lên 1m, một nửa thành phố sẽ rơi vào tình trạng ngập nước. Trong khi chờ đợi các công trình xử lý ngập, giải pháp tạm thời mà bạn có thể tự cứu mình là nâng nền nhà cao hơn. Tuy nhiên, cách này không bền vững và tạo thành cuộc chạy đua bất tận, thành điệp khúc mệt mỏi, tốn kém: “Nâng nhà, nâng nhà, lại nâng nhà”.

Giải pháp nữa là mỗi gia đình, nhất là các gia đình chuẩn bị khởi công, nên thiết kế hồ chứa nước mưa. Nhà nhà đều chứa nước mưa thì lượng nước mưa xuống mặt đất cũng giảm đi và lại có sẵn nước tự nhiên phục vụ cho sinh hoạt”.

Bên cạnh đó, theo lời kêu gọi của giáo sư Lê Huy Bá, bản thân mỗi người cũng có thể góp phần vào công cuộc bảo vệ cuộc sống của chính mình bằng cách dừng lấn chiếm, san lấp, quăng rác mà hãy khai thông cống rãnh, kênh rạch, tạo điều kiện thoát nước tốt hơn. Nếu bạn sống thuận hòa với thiên nhiên thì thiên nhiên cũng sẵn lòng bảo vệ và che chở cho cuộc sống của bạn.

ĐIỀU NÊN LÀM KHI GẶP NGẬP LỤT

Vào những ngày mưa, dông lớn, đặc biệt là mưa lớn kết hợp triều cường, bạn nên ở lại văn phòng, ở trong nhà, khách sạn, không vội ra đường. Hãy gọi điện về thông báo để gia đình bớt lo lắng. Đó là cách giúp bạn không bị chôn chân trong nước ngập hoặc gặp các sự cố trên đường như cây gãy, cột điện đổ…

Khi xe ngập nước, nước sẽ tràn vào bình xăng con gây ra hiện tượng tắt máy. Đồng thời, khi ngập nước, bugi không thể đánh lửa dẫn đến xe tắt máy. Lúc này, bạn nên tháo bugi ra và lau bugi cho thật khô ráo, sau đó xả nước từ bình xăng con là cơ bản đã hoàn thành việc cấp cứu cho xe. Đối với những dòng xe tay ga cũng như xe số, cách sơ cứu cơ bản gần như là giống nhau.

Anh Thành Vinh, chủ cửa hàng sửa xe Vinh số 29 đường 17, P. 4, Q. 8, TP. HCM cho biết, để cứu xe chết máy, bạn cần có một bộ đồ nghề mini (bán tại các tiệm sửa xe) và cất trong cốp xe để dự phòng. Khi xe chết máy, bạn thực hiện theo cách sau:

Với xe số:

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-06
Bước 1: Tháo bugi: bạn dùng tay tháo phần dây nối màu đen (dây này bọc lấy bugi từ bên trong) phía bên tay phải của lốc máy. Khi tháo dây này ra, bạn sẽ thấy một thiết bị nhỏ màu trắng, có phần đầu bằng kim loại và hơi nhọn, đó là bugi. Bạn dùng dụng cụ gỡ bugi để lấy bugi ra.

Bước 2: Lau sạch bugi: bạn dùng khăn hoặc vải thật khô để lau bugi.

Bước 3: Lắp bugi vào lốc máy: Trước khi lắp bugi vào, bạn dùng khăn lau thật sạch và khô vị trí lắp bugi vào vì nơi đây cũng cần đảm bảo khô ráo tuyệt đối.

Bước 4: Xả nước tại bình xăng con: Bạn dùng một chiếc tua-vít vặn ốc để mở van của bình xăng con (nằm ngay bên trên lốc máy, xéo với vị trí của bugi) ngược chiều kim đồng hồ để nước đọng trong bình xăng con chảy ra ngoài. Sau khi nước đã chảy hết, bạn vặn ốc lại theo chiều kim đồng hồ để đóng van xăng. Sau bước này, bạn có thể khởi động máy và chạy xe bình thường.

Với xe tay ga:

20150925-ngap-lut-trong-thanh-pho-ha-noi-ho-chi-minh-07
• Trước hết bạn tháo bỏ dàn nhựa bên ngoài, thường nằm ở trên gần phần đầu của yên xe để tiếp cận được bugi ở bên trong.

• Về nguyên tắc, các bước tiếp theo thao tác tương tự với xe số.

• Với dòng xe tay ga, bạn không cần phải xả bình xăng con vì chúng được bố trí rất cao nên rất khó bị nước tràn vào.

• Tuy nhiên, xe tay ga rất khó thao tác. Tốt nhất là bạn nên dắt xe đến những cửa hàng sửa xe máy chuyên nghiệp hoặc liên hệ các số điện thoại cấp cứu xe máy như Công ty JBR Motorcycle Việt Nam có đội ngũ sửa xe di động trên cả nước, điện thoại 190 096 9612; Dịch vụ Mototech chuyên sửa xe lưu động, điện thoại 098 261 8518.

 Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua