Hướng dẫn con chơi 5 trò chơi dân gian trong Tết Trung thu

Bạn có muốn con trẻ trải nghiệm những trò chơi dân gian trong Tết Trung thu như mình thuở nhỏ?

Rinh tùng rinh! Tiếng trống cuốn lũ trẻ ra sân, hòa vào không khí hào hứng, mộc mạc của những trò chơi dân gian trong Tết Trung thu. Tuy mộc mạc, nhưng những hoạt động đầy ắp tiếng cười đó sẽ giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, khả năng tư duy và tính tập thể rất cao. Sau đây, Tiếp Thị Gia Đình sẽ giới thiệu với bạn một số trò chơi dân gian trong Tết Trung thu để cùng chơi với bé nhé.

MÚA LÂN

Bạn chuẩn bị 1 cái trống, vẽ mặt nạ lân, ông địa, thần tài (có thể đến đường Lương Nhữ Học, Q. 5, TP. HCM mua đầu lân, giá khoảng từ 200.000 đồng/cái). Bạn hướng dẫn trẻ vào vai và chạy vòng theo nhịp trống để tạo không khí sôi động trước khi bắt đầu các trò chơi khác.

HÓA TRANG

20150921-tro-choi-dan-gian-hoa-trang

Hóa trang là một trong số những trò chơi luôn được thiếu nhi yêu thích. Bạn cùng bé chuẩn bị dụng cụ để hóa thân thành các nhân vật truyền thống như chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc.

Bạn có thể tổ chức cuộc thi xem ai hóa trang giống nhất hoặc đố các bé những câu hỏi liên quan tới Tết Trung thu. Sau đó là tiết mục rước lồng đèn rồi cùng phá cỗ với bánh ngọt, trái cây.

CHUỘT–MÈO

Cách chơi: Khoảng 5 em trở lên. Một em làm chuột, còn lại là mèo ngồi thành vòng tròn. Chuột cầm khăn chạy ngoài vòng và lén thả sau lưng một mèo rồi chạy hết một vòng.

Nếu mèo kia không phát hiện thì mèo sẽ thua, phải bị chuột quất khăn vào tay và thành chuột. Nếu mèo phát hiện thì mèo sẽ rượt chuột để quất khăn. Chuột tránh đòn, chạy nhanh vào vị trí của mèo bỏ lại và mèo đó thành chuột. Nếu mèo chạy nhanh giành lại chỗ thì chuột vẫn là chuột và trò chơi tiếp diễn lại.

RỒNG RẮN LÊN MÂY

20150921-tro-choi-dan-gian-rong-ran-len-may

Cách chơi: Từ 5 em trở lên. Một trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại nối đuôi, vừa đi vừa đọc: “Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Có cái nhà điểm binh. Có ông chủ ở nhà không?” rồi dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ trả lời “có” hoặc “không”. Nếu nghe trả lời “không”, trẻ sẽ đi và tiếp tục đọc những câu trên. Nếu trả lời “có”, trẻ sẽ hỏi: Ông xin khúc nào? Ông chủ có thể nói: Cho xin khúc giữa? Cả nhóm: “Tha hồ mà đuổi”.

Sau câu trả lời đó, ông chủ chạy sao cho chạm được “khúc” (người) mà mình đã xin. Những người đứng đầu nhóm dang tay che cho người được xin không bị bắt. Nếu ông chủ bắt được, người đó sẽ làm ông chủ và chơi lại từ đầu.

ĐẶT TÊN CHO BẠN

Cách chơi: Từ hai người trở lên. Nói tên bạn và một đặc điểm nào đó theo chữ cái đầu của tên. Ví dụ quản trò nói: “Tôi thương, tôi thương”. Tập thể hỏi: “Thương ai? Thương ai?”. Quản trò nói:  “Lan lúc lắc”. Lan nói: “Tôi thương, tôi  thương”. Tập thể hỏi: “Thương ai? Thương ai?”. Lan nói: “Hải him híp”. Hải nói: “Tôi thương, tôi thương”. Tập thể hỏi: “Thương ai? Thương ai?”. Hải lại nói tiếp theo. Cứ thế trò chơi tiếp tục diễn ra.

Luật chơi: Phải nói được tên bạn và từ gồm hai tiếng có cùng chữ cái đầu của tên bạn. Ai ngập ngừng không nói hoặc chậm nhịp hoặc nói khác chữ cái đầu của tên bạn là phạm luật. Một bạn có thể nhắc đến nhiều lần nhưng không được nói lại từ mà bạn trước đã nói. Hai người có thể đối đáp tay đôi nhưng không được nhắc lại từ lần trước.

Chuyên đề đặc biệt Trung thu / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua