Chung tay trả lại trung thu đúng nghĩa cho trẻ

"Tết Trung thu rước đèn đi chơi..." hình ảnh quen thuộc của những mùa Trung thu xưa dần trở nên hiếm hoi nơi phố thị

Cứ đến gần Trung thu là bé Kiều Thạch Anh, 5 tuổi, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội, lại hỏi mẹ: “Bao giờ trường tổ chức Trung thu hả mẹ?”. Bởi bố mẹ đều bận, nên rất nhiều em bé mẫu giáo như Thạch Anh chỉ chơi Trung thu tại trường. Cảm nhận về mùa trăng cổ tích của cô bé chỉ là: “Trung thu mẹ mua sẵn cho con đèn ông sao và bánh trung thu, nhưng con thích nhất được xem múa sư tử”.

Với những em bé lớn hơn, do lịch học dày đặc nên Trung thu diễn ra có phần vội vã hơn. Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 3, Q. Hà Đông, Hà Nội, ước ao: “Trung thu em thường ra nhà văn hóa xóm phá cỗ với các bạn. Đi một lúc rồi lại về học bài, chứ không chơi lâu được. Em ước Tết Trung thu được nghỉ hẳn một ngày để vui chơi thỏa thích”.

DƯ DẢ, HIỆN ĐẠI SINH NHẠT NHÒA

Nhớ lại Trung thu xưa, chị Lưu Vân (ngụ tại khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội) cho biết đó là những đêm trăng tụi trẻ con trong xóm tụ tập rước đèn, xâu hạt bưởi lại thành chiếc vòng cổ xinh xắn rồi ríu rít theo đoàn múa lân đi khắp xóm ca hát…

Vậy mà giờ đây, khi có điều kiện cùng các bà mẹ khác tổ chức tiệc Trung thu cho con tại trường mẫu giáo một cách hoành tráng, chị Vân lại cảm thấy không khí ngày này cứ nhàn nhạt. Ở ngay khu nhà chị, Trung thu đơn giản là phát cho mỗi cháu một hộp sữa, thuê người đến hát múa.

“Nhà nào biết nhà nấy, ai cũng bận nên hát xong xuôi tất cả lại về chứ không có cảnh trẻ con rồng rắn chơi các trò chơi. Tôi cho con đi dạo phố cho có không khí nhưng vẫn cảm giác Trung thu đến với con năm nào cũng theo một mô típ, chóng vánh và chẳng đọng lại chút dư âm”, chị Vân xót xa.
Trung thu năm nào vợ chồng chị Ngọc Dung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, cũng mua cho con gái hai chiếc đèn: một đèn ông sao và một đèn lồng chạy pin phát nhạc.

Chị Dung lý giải, chỉ mua một chiếc đèn lồng chạy pin là đủ cho con gái thích thú, nhưng như thế sẽ khiến con quên đi chiếc đèn dân gian. Sẽ oái oăm hơn nữa nếu anh chị chỉ mua chiếc đèn ông sao thôi vì con bé sẽ thèm muốn nhìn theo những chiếc đèn lộng lẫy. Giải pháp cuối cùng là mua cả hai chiếc đèn.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-07

Phố Hàng Mã năm nay thực sự vắng bóng hàng Trung Quốc. Thay vào đó, rất nhiều món đồ chơi trung thu truyền thống đã lên ngôi

Anh Lý, chồng chị Dung, kể thuở nhỏ, chiếc đèn ông sao đối với anh là món quà xa xỉ trong ngày Tết Trung thu. Bố anh phải đạp xe lên huyện hàng chục cây số mới có. Một tuần trước Trung thu, trẻ con trong xóm rủ nhau đi kiếm ống bơ đục lỗ làm đèn.

Chiếc đèn của anh là những hạt bưởi bóc vỏ, phơi khô rồi lấy dây thép nhỏ xâu từng hạt lại, châm lửa cháy lép bép. Bố mẹ nổ một tải bỏng, cả nhà lai rai cả tuần trước đêm rằm. Đêm trung thu, sau khi đi rước đèn với lũ trẻ trong xóm, anh trở về nhà đã có một rổ bỏng thơm giòn và bao trái cây trong vườn chờ sẵn. Trung thu xưa bình dị vậy thôi nhưng vui và dư âm đến cả tuần sau đó.

Giờ, mọi thứ thiếu thốn của ngày xưa đã đủ đầy, thế nhưng niềm vui Trung thu lại bị mai một dần. Hầu như phụ huynh nào cũng tự hỏi: “Trung thu xưa nay đâu?”.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-08

TRUNG THU CẦN CÓ SỰ ĐỒNG LÒNG HỢP SỨC

Có về với những khu vực ngoại thành mới thấy gia đình vẫn luôn là cái nôi ru trẻ vào miền Trung thu cổ tích. Facebook của em Phạm Thái Hà (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) những ngày này tràn ngập hình ảnh những mẻ bánh Trung thu handmade vàng ruộm. Mọi người không khỏi ấn tượng trước bức ảnh cả nhà Hà quây quần nặn bánh.

Hà tự hào: “Gia đình em vẫn giữ thói quen làm bánh Trung thu handmade bởi chất lượng thực phẩm hiện nay thực sự đáng lo ngại. Mọi người trong nhà đều nắm được kỹ thuật làm bánh Trung thu nên đều muốn tự làm bánh đón trăng”.

Công việc được phân chia theo kiểu dây chuyền, người nhào bột, người nặn bột, người đóng khuôn, người nướng bánh. Bánh gồm nhiều loại: bánh nướng, dẻo truyền thống, bánh nướng hình con vật ngộ nghĩnh và bánh dẻo da tuyết hiện đại. Trẻ con và người lớn đều bắt tay vào làm, riêng Hà được giao “trọng trách” làm nhân vì Hà giỏi nhất khoản nêm nếm cho nhân mềm và không bị ngọt quá. Tiếng cười rộn vang trong lúc cả nhà làm bánh.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-04
Hà bộc bạch: “Dù có bận rộn đến mấy gia đình em vẫn duy trì hoạt động phá cỗ Trung thu. Con cái lớn rồi nhưng bố em vẫn tự tay làm đèn ông sao cho các con chơi. Đèn cũng không quá kỳ công, chỉ cần vót tre, dán giấy màu rất vui. Tối hôm Trung thu, nhà em thường thắp hương từ sớm rồi cùng nhau phá cỗ. Cả nhà mang đèn ông sao lên sân thượng giăng đèn nhấp nháy, trải chiếu chơi cá ngựa, vừa chơi vừa nhâm nhi bánh trái và đón trăng lên.

Để níu giữ giữ hương vị Trung thu xưa, em nghĩ người lớn cần có trách nhiệm hơn nữa. Như ở Hàn Quốc, người dân rất coi trọng Trung thu, họ coi đây là lễ đoàn viên nên cả nước được nghỉ một ngày, con cái có thể sum họp bên bố mẹ. Việt Nam ta cũng có thể giảm tải việc học trên trường vào hôm Trung thu, cho trẻ về sớm để có thể chơi trung thu trọn vẹn”.

Hương vị Trung thu không chỉ đến từ sự đồng lòng của mỗi gia đình mà không khí lễ hội sẽ lan tỏa rộng khắp nếu có sự chung tay góp sức của cả khu xóm. Trước Trung thu một tuần, người dân ở xóm Độc Lập, phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội, đã vui náo nức vì Trung thu vẫn thực sự là ngày hội của cả trẻ con lẫn người dân nơi đây.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-10

Mặt nạ giấy bồi giá 30.000 đồng/chiếc là một trong những đồ chơi truyền thống được phụ huynh chọn mua cho con dịp Trung thu này

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chi hội trưởng Hội phụ nữ xóm, cười rạng rỡ khi kể về ngày này: “Trước Trung thu một tuần, tất cả các tổ trưởng, đoàn thể của xóm ngồi họp xem Trung thu tổ chức như thế nào cho vui vẻ, ý nghĩa rồi sau đó phân công nhau cùng làm. Thanh niên xóm lo tập văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian. Trẻ con tại xóm rất đông, cho nên các bà, các chị vén khéo làm sao chỉ trong vòng 5 triệu đồng trích từ quỹ xóm mà dàn được 30 mâm cỗ Trung thu tại hội trường. Có nhiều gia đình hảo tâm còn ủng hộ tiền, quà bánh để tổ chức Trung thu. Thành thông lệ, một gia đình trong xóm năm nào cũng tự làm chiếc đèn ông sao khổng lồ để rước ra nhà văn hóa xóm. Một nhà khác cho xóm mượn loa, đài. Chuẩn bị đến giờ biểu diễn văn nghệ, thanh niên mang trống to, trống nhỏ gõ tưng bừng. Nhà nào cũng ăn cơm chiều từ sớm để cùng con đi chơi Trung thu.

Khoảng 7 giờ 30 tối, chương trình biểu diễn văn nghệ bắt đầu. Tự các cháu làm MC, hát múa kiểu “cây nhà lá vườn” chứ không thuê người ngoài biểu diễn. Thậm chí, có lúc lũ trẻ ùa lên sân khấu hát chung một bài, người lớn ở dưới thấy các cháu hát vui quá cũng lên sâu khấu hát theo. Còn bên trong hội trường, các bà các mẹ cùng nhau dàn mâm cỗ Trung thu. Văn nghệ kết thúc là tất cả kéo nhau rước đèn, múa sư tử, đánh trống quanh làng, màn cuối cùng mới là phá cỗ đêm rằm.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-05
Vui Trung thu không phân biệt trẻ của xóm hay trẻ của những gia đình ở trọ. Tất cả đều bình đẳng, tham gia thoải mái như nhau. Như vậy, những đứa trẻ xa quê vẫn có thể vui Trung thu một cách trọn vẹn. Tôi nghĩ, Trung thu xưa đơn giản, thiếu thốn nên trẻ mới háo hức đến ngày Tết đó để được ăn bánh nướng, bánh dẻo, rước đèn. Với Trung thu thời hiện đại, nếu bà con xóm làng và các gia đình chung tay góp sức thì đây vẫn thực sự là ngày vui của các cháu thiếu nhi”.

TRẢ LẠI TRUNG THU ĐÚNG NGHĨA CHO TRẺ

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-06
Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội: “Người lớn tạo điều kiện nhưng hãy để trẻ được tự tay làm nên lễ hội của mình”

• Hãy cho trẻ tham gia vào các công tác chuẩn bị lễ hội. Khi được thực sự tham gia và làm được việc gì “có ích”, trẻ sẽ có được niềm vui háo hức mong chờ ngày lễ hội. Chẳng hạn, thay vì đi mua đèn lồng hoặc đồ chơi ngoại nhập, cha mẹ hãy mua nguyên liệu về và dạy con cùng làm đèn ông sao, đèn lồng… Chắc chắn con sẽ vô cùng vui sướng khi nhìn ngắm thành phẩm và mong chờ ngày Trung thu.

• Vui chơi trong ngày lễ hội mà không biết ý nghĩa của nó thì niềm vui sẽ trôi qua rất nhanh. Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu ý nghĩa lễ hội và ý nghĩa của từng món đồ trong lễ hội. Điều đó sẽ giúp trẻ vui vẻ và hào hứng hơn nhiều.

• Lễ hội bao giờ cũng cần có nhiều người tham gia. Nếu chỉ mua đồ cho con trưng bày và chơi một mình, con sẽ nhanh chóng chán nản. Nên tổ chức các lễ hội cho trẻ nhỏ ở cùng lớp, cùng khu phố hay một nhóm các gia đình thân thiết nhau. Mỗi người một việc, trẻ được cùng người lớn chuẩn bị, đi chợ mua đồ… một cách xôm tụ, náo nhiệt.

• Cùng trẻ xây dựng chương trình ngày lễ hội chu đáo và phong phú. Trẻ sẽ rất vui khi được mang niềm vui đến cho người khác. Vì thế, bạn nên để trẻ được tự tay làm ra chiếc bánh nướng, bánh dẻo rồi đem bánh biếu ông bà, bố mẹ.

• Sau lễ hội, tất cả cùng phải ở lại để chung tay dọn dẹp. Mỗi người một việc, chung tay không chỉ khiến công việc dọn dẹp được diễn ra nhanh gọn mà còn giúp trẻ học được kỹ năng chia sẻ.

Ý NGHĨA TẾT TRUNG THU

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-09

Trung thu vốn là lễ hội mừng ấm no, hạnh phúc, là dịp để tất cả mọi người chung vui

Từ xa xưa, Tết Trung thu là lễ hội mừng vụ mùa bội thu với ba ý nghĩa chính là đoàn viên, tạ ơn và cầu phúc. Tết Trung Thu còn được gọi là Tết trông trăng hay Tết đoàn viên, mọi nhà tổ chức bày cỗ, trông trăng. Mâm cỗ gồm có hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và rượu. Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn tượng trưng cho đất và trời hòa hợp.

Trẻ em thường được người lớn tặng đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân và bánh nướng, bánh dẻo. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ, múa lân… Vì thế, Tết Trung thu cũng được coi là Tết của trẻ em. Đây còn là dịp để mọi người gửi gắm niềm tin gia đình sẽ được hưởng niềm vui đoàn viên và phú quý.

ĐI HỌC CÁCH GIỮ MÙA TRĂNG

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-02

Các em nhỏ vui sướng khoe chiếc mặt nạ mình tự làm

Nhận thấy mặt nạ là đồ chơi không thể thiếu trong ngày rằm tháng tám, bà Nguyễn Thị Nhàn và các cô giáo tại Trung tâm nghệ thuật Hoa Tâm đã mở lớp hướng dẫn các em nhỏ tự tay cắt dán, vẽ mặt nạ cho chính mình. Chỉ với một tấm bìa, bút sáp, cọ, màu… những chiếc mặt nạ xinh xắn nhiều màu sắc đã hiện ra sau một tiếng rưỡi miệt mài, say mê.

Nhìn những đứa trẻ đang hóa thân thành cô tiên, mèo máy, thỏ con, siêu nhân… cô Kim Anh, giáo viên dạy vẽ tại trung tâm, mỉm cười nói: “Hầu hết các bé chưa bao giờ được tự tay làm mặt nạ chơi Trung thu nên rất thích thú với buổi học này. Các bé được tự tay vẽ, cắt dán tô màu, sáng tạo theo cách của mình, mỗi chiếc mặt nạ đều mang một dấu ấn riêng, khác hẳn với những chiếc mặt nạ vô hồn được sản xuất hàng loạt bán ngoài phố. Chúng tôi tổ chức buổi học này với mong muốn các bé biết rằng Trung thu truyền thống là có những món đồ chơi bình dị mà rất vui như thế”.

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-01
Theo cô Kim Anh, chỉ một hai buổi học như vậy thôi vẫn chưa đủ để làm con trẻ hiểu được giá trị, ý nghĩa của Tết Trung thu. “Con trẻ có yêu Tết Trung thu hay không một phần rất lớn chính là do sự quan tâm của gia đình”, cô Kim Anh nhấn mạnh.

ĐỊA CHỈ THAM KHẢO

20150918-tet-trung-thu-ky-niem-03

Lớp học vẽ mặt nạ chơi Trung thu tại Trung tâm nghệ thuật Hoa Tâm

Tại Hà Nội: Học nặn tò he, vẽ mặt nạ tại Trung tâm Nghệ thuật Hoa Tâm, website www.nghethuathoatam.com; Học làm bánh trung thu tại GATO Baking Space, website www.gato.com.vn.

Tại TP. HCM: Lớp dạy làm bánh Linh Anna, Facebook: linhannabakery; Nhà văn hóa Phụ nữ TP. HCM, website www.nvhphunu.vn.

THU HÀ

Mục Câu chuyện và Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua