Có nên nói xấu chồng với mẹ chồng?

Trong những lần tán gẫu, nhiều mẹ chồng thích phàn nàn về con trai với cô dâu mới. Phải chăng bạn cũng rất háo hức nói xấu chồng với mẹ của anh ấy?

Bạn là con dâu mới, làm sao để có thể trò chuyện thân thiết, kéo gần khoảng cách với mẹ chồng?”. Đó cũng là một trong những băn khoăn mà chị Lan Chi, TP. HCM, rôm rả chia sẻ với hội bạn công sở trong buổi ăn trưa.

Chị nói: “Hai người phụ nữ như con dâu và mẹ chồng đều có mối quan tâm chung là chồng mình, cũng là con trai của mẹ. Mỗi khi nhắc tới chồng mình, là đề tài cuộc nói chuyện thường đỡ nhạt hơn. Song thỉnh thoảng, mẹ chồng cũng kể xấu chồng mình, mình nên có thái độ thế nào?”. Nhiều nàng dâu trẻ cho rằng: “Hãy cùng hùa theo mẹ chồng để kể xấu chồng”, mẹ sẽ rất vui và nói chuyện nhiều. Điều này có đúng hay không?

NÓI XẤU – TÁC DỤNG NGƯỢC

Mỹ Uyên lấy chồng là con một nên cô sống chung cùng bố mẹ chồng. Về làm dâu vài ngày, cô thấy mẹ hay than phiền con trai “ở dơ dáy”, “chuyên quên khóa cửa nhà” hay “cả tin quá mức”. Cứ mỗi lần nói về thói xấu của con trai, bà tỏ vẻ hào hứng và trút hết sự bực bội, lo lắng cùng con dâu.

Nghĩ đây là chủ đề giao tiếp thú vị có thể giúp mẹ chồng nàng dâu sát lại gần nhau, để mẹ chồng thương và thông cảm cho mình hơn, cô hùa theo, rỉ rả kể xấu chồng với mẹ chồng. Uyên lập luận rằng: “Khi con trai lấy vợ, mẹ thường mất quyền kiểm soát với con. Song mẹ nào cũng muốn theo sát, hướng dẫn con cách làm đúng như lúc con còn bé tí. Nếu trở thành đồng minh, tạo điều kiện để mẹ khuyên răn con trai, mẹ không chỉ quý mến mình mà còn có thể giúp người đàn ông cả hai cùng yêu thương trở nên tốt hơn”.

Chiêu “hùa” theo của Uyên chỉ hiệu quả với những thói xấu mà mẹ chồng chị đã thừa nhận. Lạ thay, khi Uyên phát hiện và chủ động nói xấu chồng, bà lại tỏ ra không muốn nghe. Có lần, Uyên kể chuyện: “Chồng con dạo này lười kinh khủng, chẳng chịu giúp con việc nhà gì cả. Đã vậy, anh ấy còn ăn đâu, vứt đấy”. Mẹ chồng bỗng giận lẫy: “Con biết nó như thế, cưới làm gì?” rồi đứng lên bỏ đi.

Uyên nhớ lại: “Nhìn vẻ mặt bực bội, tự ái của mẹ chồng lúc đó giống như mẹ đang giang đôi cánh, che chở con trước bọn xấu vây quanh con mình, tôi rất hụt hẫng và thất vọng. Tôi thấy dù mình có cố gắng lấy lòng mẹ chồng thế nào, trong lòng bà, con trai vẫn là số một. Chỉ thoạt nghe tôi mở lời kể xấu chồng mình, mẹ chồng lập tức nổi đóa lên và quên hết những điều tử tế tôi đã làm cho bà lẫn cho con trai của bà”.

BẢN NĂNG BẢO VỆ CON CỦA NGƯỜI LÀM MẸ

Thật ra, thái độ giận dữ của mẹ chồng Uyên hoàn toàn bình thường. Đó là phản ứng bảo vệ con mà tự nhiên đã ban cho những người làm mẹ. Các loài động vật trong tự nhiên cũng hành động tương tự.

Với bản năng bảo vệ, dù đó là một bà mẹ nhút nhát cũng trở nên sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, phi lý để che chở cho con mình. Các nhà khoa học cho rằng Corticotropin Releasing Hormone (CRH), một hoạt chất trong não của con người, đã tác động đến việc này. CRH là hormone phản ứng với nỗi nguy hiểm, sợ hãi và lo âu. CRH cao hay thấp sẽ quyết định đến việc người mẹ bỏ bê con cái hay sẽ bảo vệ con, bất chấp mọi thứ.

Nhà nghiên cứu Stephen Gammie, Mỹ, đã thử thay đổi mức độ CRH ở chuột cái đang nuôi con và theo dõi hành vi của chúng. Theo đó, chuột mẹ không được tiêm hoặc tiêm liều CRH thấp cư xử như cách thông thường là tấn công chuột đực vì cho rằng đó là mối đe dọa với con mình. Trong khi đó, những con chuột có CRH cao đã không làm gì để bảo vệ con mình.

Thật vậy, khi CRH thấp, bản năng làm mẹ mới được khơi dậy. CRH có liên quan đến trầm cảm sau sinh, đó cũng là lý do một số bà mẹ bị trầm cảm sau sinh có nồng độ CRH trong não rất cao đã bỏ bê con, thậm chí còn có thể lạm dụng chính con của mình.
Do đó, trong hầu hết những bà mẹ thông thường, lượng hormone CRH không cao nên họ luôn có tâm lý bảo vệ con. Vì vậy, bạn đừng lăm le nói xấu chồng với mẹ của anh ấy.

TÂM LÝ CỦA MẸ

20150916-noi-xau-chong-voi-me-chong-family
Xét về mặt tâm lý, hầu như không có người mẹ nào thích nghe người khác nói xấu và chỉ trích con mình. Thỉnh thoảng, người mẹ có kể xấu con trai, song đó chỉ là việc kể xấu yêu, bạn có thể “dạ, vâng, đúng vậy”, nhưng đừng nên chủ động nói xấu anh ấy với mẹ.

Cũng giống như mẹ sinh ra bạn, xem bạn là vàng, là ngọc thì với mẹ chồng, anh xã của bạn là tuyệt tác vĩ đại của bà. Mẹ đã sinh ra, dạy dỗ anh nên một người như thế. Vì vậy, đối với mẹ, việc bạn nói xấu chồng chẳng khác gì bạn đang nói xấu chính bà.
Với bản tính suy diễn trời phú cho phụ nữ, mẹ bạn có thể nghĩ xa hơn bạn tưởng.

Tiếp Thị Gia Đình trò chuyện với năm mẹ chồng với cùng câu hỏi: “Nếu con dâu kể xấu con trai với mẹ chồng, cô nghĩ gì?”. Cả năm bà mẹ đều nói rằng mình cảm thấy khó chịu. Ba bà mẹ cho rằng “nói xấu chồng có khác gì “chửi” mẹ chồng không biết dạy con, để con trai thành kẻ đầy thói hư tật xấu”. Có người mẹ suy diễn, đó là lời nhắc khéo: “Bà dạy lại con đi” và người mẹ còn lại trong số này bảo: “Tôi nghĩ ý đồ thật sự của con dâu là muốn khoe khoang, kể công và tỏ thái độ khinh nhà chồng”.

KHEN CHỒNG ĐỂ NHÀ VUI

Bạn thấy đấy, nói xấu chồng với ý đồ lấy lòng mẹ chồng thường gây “tác dụng phụ” nhiều hơn là giúp bạn đạt được mục đích hòa đồng, sống vui vẻ cùng mẹ chồng. Nếu lạm dụng cách này, bạn dễ biến mình thành “mối đe dọa” mà mẹ sẵn sàng chống lại để bảo vệ con trai yêu dấu do mình sinh ra.

Do đó, thay vì nói xấu chồng, sao bạn không tìm những ưu điểm của chồng và khen anh chân thành với mẹ? Hầu hết mọi người đều vui khi được khen đúng mức, đúng chỗ. William James, nhà tâm lý học và triết gia người Mỹ, đã giải thích: “Bản chất sâu xa nhất của con người là sự khao khát được tán thưởng”. Khen chân thành là cách thể hiện thái độ trân trọng những điều tốt đẹp ở người khác. Đối với một người có nhã ý như thế, mẹ chồng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và thích gần gũi hơn. Vậy còn chần chừ gì mà bạn không trở thành một người như thế!

Mục Gia đình / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua