Vì sao cô dâu muốn huỷ hôn trước đám cưới?

Cô dâu chạy trốn khỏi đám cưới không phải vì quá căng thẳng mà bởi nàng bắt đầu trở nên tỉnh táo và chín chắn hơn

Ba lần trước khi bước vào lễ đường là cả ba lần cô nàng xinh đẹp Maggie Carpenter (phim Runaway Bride – Cô dâu chạy trốn) bỏ rơi chú rể. Có lẽ phút trước khi cưới là lúc Maggie tỉnh táo nhất để nhận ra cảm xúc thật của mình cũng như con người thật của người chồng tương lai mà trước đó trong đầu cô vẫn còn đầy những ảo tưởng đẹp đẽ và hoàn hảo.

Vậy ngoài đời có những chuyện tương tự như trong phim không? Nhiều bạn trải qua ngày trọng đại nhất của đời mình đã chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình từng rơi vào trạng thái chán nản, cảm thấy hết yêu, hết say mê và chỉ muốn… chạy trốn khỏi đám cưới ngay.

BẠN CƯỚI Ở GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM CỦA TÌNH YÊU

 20150915-co-dau-bo-tron-tra-nhan
Phương Anh và Hoàng Tuấn yêu nhau gần ba năm trước khi quyết định kết hôn. Tiệc đã đặt xong. Thiệp mời cũng gửi được phân nửa thì khoảng 10 ngày trước lễ cưới, Phương Anh đòi hủy hôn.

Không ai chịu thông cảm với lý do Phương Anh đưa ra: “Con cảm thấy chúng con không thể sống hạnh phúc khi trở thành vợ chồng. Anh ấy không hợp với con”.

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân thôi thúc “cô dâu chạy trốn” đến từ những căng thẳng tận bên trong, vốn là kết quả diễn biến tâm lý bình thường trong quá trình trưởng thành của tình yêu. Các nhà khoa học cho biết, bạn sẽ trải qua 9 giai đoạn, lần lượt:

1–Say mê, 2–Tìm hiểu, 3–Xáo động, 4–Bất đồng, 5–Uốn nắn, 6–Hạnh phúc, 7–Nghi ngờ, 8– Đổ vỡ và cuối cùng là 9–Tin tưởng. Thông thường, các cặp đôi quyết định kết hôn ở giai đoạn hạnh phúc: cả hai đang rất yêu nhau.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giai đoạn cuối cùng của một tình yêu trưởng thành. Khi bạn tất bật chuẩn bị cho đám cưới, tình yêu mới bắt đầu bước vào giai đoạn nghi ngờ. Lúc này, bạn bỗng dưng nghĩ về người yêu cũ và cả những đối tác tiềm năng có thể tốt hơn người bạn sắp cưới làm
chồng.

Đặc biệt, trong đầu bạn cũng có sự so sánh tình yêu của mình với các cặp đôi khác. Nếu vượt qua được giai đoạn này, bạn chạm đến giai đoạn hoàn toàn tin tưởng để trở thành cô dâu hạnh phúc rong ngày cưới. Tuy nhiên, nếu bạn không vượt qua được nỗi sợ hãi về cuộc sống tương lai đang “nổi loạn” trong đầu thì sẽ rất dễ rơi vào chán nản, mệt mỏi để rồi trở thành một phiên bản “cô dâu chạy trốn” giống như Maggie Carpenter.

BẠN NÊN ĐI TIẾP HAY DỪNG LẠI?

20150915-co-dau-bo-tron-couple

Khi cảm xúc chán nản, thất vọng bỗng nhiên ập đến trước ngày cưới, bạn cứ dằn vặt bản thân với ý nghĩ “cô dâu chạy trốn”. Để tìm ra câu trả lời nên đi tiếp hay không, bạn hãy ngồi tĩnh lặng một mình, gạt bỏ mọi lo lắng, nhìn lại chặng đường tình yêu đã đi qua và trả lời những câu hỏi sau đây:

• Khi có mâu thuẫn, bất đồng, anh có nhường nhịn bạn không?

• Ở bên anh, bạn có cảm giác an toàn và ấm áp?

• Bạn có tự hào về anh, người bạn sắp lấy làm chồng hay không?

• Nếu chẳng may anh bị khuyết tật, bạn có thể chăm sóc anh suốt đời?

• Bạn có sẵn sàng hy sinh một vài dự định của mình để giúp anh hoàn thành mục tiêu?

• Bạn có muốn sinh ra những đứa con giống anh hay không?

• Bạn có chấp nhận được người bạn đời tương lai của mình với tất cả những nhược điểm mà bạn nhận thấy từ khi yêu nhau đến nay?

• Bạn có cảm thấy thật sự thoải mái khi ở bên cạnh anh, gia đình và cả bạn bè của anh?

Nếu tất cả câu trả lời của bạn đều là có, thì cảm giác muốn “chạy trốn” khỏi đám cưới là nhất thời do áp lực “làm cô dâu” quá căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu hầu hết câu trả lời là không, bản năng đang kêu gọi bạn “Hãy dừng Lại”. Anh không phải là người đàn ông mang đến hạnh phúc cho bạn và tình yêu của bạn chưa đủ chín chắn để có thể chấp nhận con người thật của anh.

Bạn có thể hoãn đám cưới hoặc chấm dứt để đi tìm người đàn ông thực sự phù hợp với mình.

XOA NGUYỄN

 Mục Gia đình / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua