Cách phát hiện và chữa trị chứng đồng tử trắng ở trẻ

Khi mắt bé có ánh màu trắng ở đồng tử, đó có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm

Việc phát hiện đồng tử (con ngươi) màu trắng ở trẻ và chữa trị sớm sẽ tốt hơn cho bé. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là hầu hết trẻ đều không có triệu chứng rõ rệt như không đau nhức, đỏ mắt nên khó phát hiện, trong khi một số trường hợp lại là bệnh hiểm nghèo. Sau đây, PGS–TS–BS. Nguyễn Công Kiệt, khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh này.

PHÁT HIỆN ĐỒNG TỬ TRẮNG Ở TRẺ

Trẻ không bị đỏ, đau nhức mắt. Có thể bị mờ mắt nhưng nếu còn quá nhỏ, trẻ không thể hay không biết nói cho bố mẹ biết, nhất là khi chỉ bị một mắt, mắt còn lại giúp bé sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp chỉ thấy thoáng qua đồng tử trắng khi đồng tử giãn rộng trong bóng tối hay liếc mắt qua một hướng. Khi đó, bạn đưa con đi bác sỹ khám ngay.

Bác sỹ phải nhỏ giãn đồng tử và khám bằng dụng cụ chuyên khoa mới phát hiện được. Nếu đồng tử trắng được phát hiện bằng mắt thường, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Để dễ phát hiện đồng tử trắng ở trẻ, bạn hãy chụp ảnh cho con với đèn flash.

PHÁT HIỆN SỚM ĐỒNG TỬ TRẮNG Ở TRẺ QUA CHỤP HÌNH

20150908-benh-dong-tu-trang-o-tre-em-01
Ngày nay, bố mẹ chụp ảnh nhiều cho con sẽ giúp sớm phát hiện bất thường ở mắt của bé. Để phát hiện, bạn chụp ảnh cho bé như sau:

• Cho bé nhìn thẳng vào ống kính (không để máy ảnh quá gần bé).

• Bật đèn flash và khung cảnh (phía sau) tối, không đủ sáng.

• Tắt chế độ “giảm mắt đỏ” (red-eye reduction).

• Nếu bạn thật sự thấy mắt bé trong hình có sự phản xạ đèn khác lạ, hãy mang ảnh và bé đến gặp bác sỹ nhi khoa hay bác sỹ khoa mắt. Mắt có biểu hiện lạ là con ngươi có quầng màu trắng, vàng hay thậm chí không hắt lại ánh sáng (đen).

CÁC NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

20150908-benh-dong-tu-trang-o-tre-em-kham-mat
Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Bệnh có thể do virus rubella (mẹ mắc phải trong ba tháng đầu thai kỳ).

• Điều trị: Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Nếu để lâu, không mổ, có thể dẫn đến nhược thị.

• Ung thư nguyên bào võng mạc: Đây là bệnh lý ác tính, thường gặp ở trẻ 1 – 3 tuổi hoặc sơ sinh. Khoảng 40% có tính di truyền. Triệu chứng khác có thể là lé, mắt đau, đỏ.

• Điều trị: Tùy vào giai đoạn, nếu bệnh ở giai đoạn sớm, có thể điều trị bảo tồn laser, hóa trị hoặc xạ trị. Còn ở giai đoạn muộn (hầu hết trường hợp) phải cắt bỏ nhãn cầu. Nếu có xâm lấn ra ngoài nhãn cầu, bệnh nhi còn phải điều trị bổ sung bằng hóa trị và xạ trị để tránh di căn.

• Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Có thể gặp ở trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2kg hoặc tuổi thai dưới 34 tuần. Bệnh nguy hiểm, dễ gây mù lòa, xuất hiện hầu như ở hai mắt, do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc.

• Điều trị: Dùng laser quang đông hoặc lạnh đông. Nếu bệnh nhẹ, tỷ lệ điều trị thành công có thể đến 75%. Giai đoạn muộn dễ dẫn đến mù lòa do bong võng mạc toàn bộ. Biến chứng thường gặp là lé, nhược thị và tăng nhãn áp.

• Viêm mạch võng mạc (bệnh Coat’s): Thường xảy ra ở bé trai dưới 10 tuổi, đa số ở một mắt. Bệnh có thể tiến triển thành bong võng mạc, đục thủy tinh thể hoặc viêm màng bồ đào gây mù lòa.

• Điều trị: Chủ yếu kiểm soát biến chứng (bong võng mạc, tăng áp) để giữ nhãn cầu.

• Nhiễm giun đũa chó mèo (Toxocara): Xảy ra ở trẻ lớn, hay chơi với chó, mèo. Ngoài ra, trẻ còn có các u hạt ở sau mắt, viêm pha lê thể. Chẩn đoán bệnh bằng thử máu.

• Điều trị: Uống thuốc diệt giun sán và corticoid.

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị gia Đình

Đừng bỏ qua