Trong những câu chuyện cổ tích của mẹ, cung trăng là một thiên đường cách xa mặt đất, nơi có chú Cuội, chị Hằng và đàn thỏ ngọc. Vậy các bé biết gì về mặt trăng? Chú Cuội và chị Hằng có thực sự sống trên ấy? Vì sao các bé lại thấy trăng lúc tròn lúc khuyết? Cùng tìm hiểu về vệ tinh này nhé!
CÂU CHUYỆN CỦA MẶT TRĂNG
Mặt trăng thua trái đất khoảng 30 – 50 triệu năm tuổi và được hình thành từ nhiều mảnh vỡ của trái đất khi một vật thể lạ va chạm vào hành tinh của chúng ta cách đây gần 4,5 tỷ năm trước. Thật kỳ diệu, những mảnh vỡ này tan chảy rồi kết lại với nhau, sau đó chúng nguội dần và hình thành nên mặt trăng. Trong khoảng thời gian 500 triệu năm sau đó, nhiều tảng thiên thạch còn sót lại vẫn tiếp tục va đập vào bề mặt vệ tinh này, để lại vô số những vết lồi lõm và các hố sâu. Mặt trăng không có không khí và nước, do đó không thể duy trì sự sống.
NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐẾN MẶT TRĂNG
Phi thuyền không gian đầu tiên đến gần mặt trăng là Luna 1 của Liên bang Xô Viết (cũ) phóng vào đầu năm 1959. Tuy không hạ cánh được nhưng Luna 1 chỉ còn cách bề mặt mặt trăng khoảng 5.995km.
Ngày 21–7–1969, module mang tên Eagle, thuộc chuyến bay Apollo 11 của NASA, Mỹ, đã đưa phi hành gia nổi tiếng Neil Armstrong đến mặt trăng và ông là người đầu tiên đặt chân lên vệ tinh này.
TÊN GỌI “MẶT TRĂNG” ĐẾN TỪ ĐÂU?
Từ “moon” (mặt trăng) trong tiếng Anh liên quan đến từ “mensis” trong tiếng Latin. Từ “mensis” lại xuất phát từ gốc “me-” trong ngôn ngữ Ấn–Âu nguyên thủy và xuất hiện trong từ “measure” (đo lường thời gian).
Từ “moon” trong tiếng Anh chỉ có nghĩa là mặt trăng cho đến năm 1665, nó cũng chỉ những vệ tinh tự nhiên mới được khám phá của các hành tinh khác. Vì thế, thỉnh thoảng mặt trăng cũng được gọi theo tên tiếng Latin: Luna.
PHÍA BÊN KIA MẶT TRĂNG
Có một bí mật thú vị đó là bé chỉ thấy được một nửa mặt trăng mà thôi. Lý do là mặt trăng xoay quanh trục của nó cùng khoảng thời gian với hành trình xoay quanh trái đất. Mặt trăng hầu như giữ nguyên một mặt hướng về trái đất. Vì thế, chúng ta chỉ thấy được khoảng 60% bề mặt của nó và lúc bé thấy trăng tròn chỉ là một mặt của trăng thôi.
NHỮNG HIỆN TƯỢNG KỲ THÚ
Nhật thực: Xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời và vì thế che khuất một phần hay toàn phần mặt trời. Bóng mặt trăng sẽ phủ lên trái đất trong vài phút, khiến trời đất tối đen vào lúc đó.
Nguyệt thực: Hay còn được gọi là mặt trăng máu. Hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng đi vào hình chóp bóng của trái đất, ở vị trí đối diện mặt trời. Có thể xảy ra trong khoảng vài giờ, mặt trăng khi ấy có màu cam hoặc đỏ thẫm.
Siêu trăng: Khi mặt trăng tròn nhất và ở vị trí cận điểm nhất với trái đất trên quỹ đạo. Lúc này, mặt trăng sẽ vô cùng lớn và sáng rõ. Lần xảy ra siêu trăng gần nhất là ngày 20–3–2015.
NHỮNG CON SỐ VỀ MẶT TRĂNG
• 1 Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất và là vệ tinh có kích thước lớn thứ 5 trong hệ mặt trời.• 17% Lực hấp dẫn trên bề mặt vệ tinh này chỉ bằng 17% so với trái đất và con người sẽ nhẹ đi gần 6 lần.
• 384.403 km là khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Nếu đi với tốc độ 100km/giờ, phải mất 3.674 giờ (153 ngày) mới tới mặt trăng.
• 27,3 ngày là khoảng thời gian mặt trăng quay một vòng quanh trái đất.
• 3.476 km là đường kính của mặt trăng. Đường kính của trái đất là 12.742km. Mặt trăng nhỏ hơn trái đất gần 4 lần.
• 107°C là nhiệt độ trung bình của mặt trăng vào ban ngày. Ban đêm nhiệt độ trên mặt trăng hạ xuống cực thấp: –153ºC.
Mục Mẹ và con – Khoa học vui / Tiếp Thị Gia Đình