Cuối tuần, chị Ngọc Linh, ở Q. 2, TP. HCM, đi mua sắm với bà chị họ. Trong khi chị còn loay hoay lấy ví tiền để thanh toán, bà chị họ đã nhanh tay cà thẻ cái xoẹt, cười lớn: “Thời buổi bây giờ ai còn dùng tiền mặt nữa. Đi siêu thị, đóng học phí cho con… tất tần tật bằng thẻ hết em ạ”.
Quả thật không thể phủ nhận tiện ích và sự phổ biến của thẻ tín dụng (credit card). Tuy nhiên, xung quanh chiếc thẻ này còn có rất nhiều điều mà không phải ai cũng biết. Bạn biết cách dùng thẻ tín dụng chưa?
THANH TOÁN 90% = CHƯA THANH TOÁN
Chị Thu Hương, nhân viên văn phòng, nhà ở quận 10, TP. HCM, sử dụng thẻ tín dụng chi tiêu cho những việc trong gia đình. Đến hạn thanh toán, chị tranh thủ đến nộp tiền lại cho ngân hàng. Do tháng đó chi tiêu hơi vượt mức nên chị chỉ thanh toán 90% số nợ và yên tâm là mình sẽ không bị phạt trễ hạn.
Tuy nhiên, khi nhận được bảng thông tin giao dịch của ngân hàng, chị mới “tá hỏa”. Ngân hàng vẫn tính lãi trên toàn bộ khoản nợ trong đồng nào. Bức xúc quá, chị Thu Hương đến ngân hàng để hỏi thì nhận được câu trả lời: “Đó là quy định”.
KHÔNG THỂ LƠ LÀ VỚI “VÍ TIỀN DI ĐỘNG”
Chị Mai Anh, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, lại gặp vấn đề liên quan đến việc bảo mật thông tin của chủ thẻ. Chị có em gái đang du học tại Nhật nên nhắn tin nhờ cô em mua hộ một ít mỹ phẩm gửi về. Vài ngày sau, chị bỗng nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo rằng chị đã thực hiện một số giao dịch với số tiền lên đến chục triệu đồng.
Đoán là có vấn đề, chị Mai Anh lập tức gọi đến ngân hàng xác nhận thông tin chủ thẻ và yêu cầu khóa thẻ. Qua rà soát, chị Mai Anh nhận ra lỗ hổng xuất phát từ thông tin tài khoản chị cung cấp cho em gái qua Facebook đã bị kẻ gian đánh cắp.
MỘT CHIẾC THẺ “CÕNG” RẤT NHIỀU KHOẢN PHÍ
Trường hợp thứ ba là của anh Minh Dũng nhà ở quận Tân Phú, TP. HCM. Anh và vợ con đi du lịch Thái Lan. Trong những ngày cuối, vì đã dùng hết số tiền mặt mang theo nên anh chuyển sang dùng thẻ tín dụng để mua một số hàng hóa. Để kiểm soát chi tiêu, anh đã giữ rất kỹ hóa đơn thanh toán của các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam và nhận được hóa đơn của ngân hàng, anh đã rất bất ngờ vì số tiền cao hơn số tiền anh đã mua sắm. Nghĩ rằng ngân hàng có sai sót trong việc thu thập thông tin, anh mang tất cả hóa đơn đến ngân hàng yêu cầu được giải thích thì được biết đó là do phí chuyển đổi ngoại tệ.
Giao dịch bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài còn có thể xảy ra tình huống như của chị Kim Châu, ở quận Gò Vấp, TP. HCM. Chị đi công tác ở Philippines, do tiền mặt mang theo đã hết nên trong ngày đi mua sắm cuối trước khi về nước, chị ghé vào một buồng ATM để rút tiền bằng thẻ tín dụng. Không hiểu chị bấm nhầm thế nào mà giao dịch không được thực hiện và thẻ của chị bị máy giữ lại. Thế là chị phải ở lại thêm một ngày để nhận lại thẻ. May là chị có vốn tiếng Anh lưu loát và đã liên hệ ngay với ngân hàng quản lý ATM đó qua số hotline trên máy để trình bày vấn đề của mình.
Ý KIẾN CỦA CHUYÊN GIA
Nói về các tình huống nêu trên, một cán bộ ngân hàng ở TP. HCM lý giải:
Trường hợp 1: Tính chất của thẻ tín dụng là một hình thức ứng trước cho khách hàng. Bạn đã có khoảng thời gian 45 ngày không bị tính lãi suất. Vì thế, yêu cầu tiên quyết của ngân hàng là bạn phải thanh toán toàn bộ số tiền đã nợ. Nếu bạn không thanh toán đúng hạn hoặc chưa thanh toán hết, ngân hàng sẽ phạt trễ hạn và tính lãi trên tổng số nợ như ngân hàng đã thông báo.
Trường hợp 2: Thẻ tín dụng có thể xem là “ví tiền” di động với nhiều tiện ích. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ khi người sử dụng không cẩn thận, nhất là đối với những giao dịch qua mạng.
Bạn cần hạn chế cho người khác mượn thẻ, cẩn trọng khi thanh toán và không để nhân viên cầm thẻ của mình đi tính tiền. Nhân viên đó có thể chụp lại thẻ, sau đó sử dụng thông tin trên thẻ để giao dịch qua mạng và bạn sẽ bị mất tiền oan.
Trường hợp 3: Khi giao dịch bằng thẻ ở nước ngoài, ngoài các khoản phí thông thường, bạn sẽ phải chịu thêm khoảng 3–4% phí chuyển đổi ngoại tệ tùy theo ngân hàng cho cả hai loại giao dịch mua hàng và rút tiền mặt.
Trường hợp của chị Kim Châu là một kinh nghiệm cho nhiều người khi du lịch nước ngoài. Với sự cố bị nuốt thẻ, một số ngân hàng hướng dẫn khách hàng liên lạc về trung tâm phát hành thẻ của ngân hàng đã cấp thẻ cho mình ở trong nước.
Tuy nhiên, cách tiện nhất vẫn là khách hàng liên lạc với đường dây nóng của ngân hàng quản lý máy rút tiền tại nước sở tại để được hỗ trợ. Tùy vào từng ngân hàng, thời gian trả thẻ có thể là 1–3 ngày. Khách hàng mang hộ chiếu, giấy tờ khác có hình ảnh của chủ thẻ để ngân hàng kiểm tra và giao lại thẻ.
Ngoài ra, khách hàng dùng thẻ tín dụng cần lưu ý: Rút tiền tại máy ATM ngay ở trong nước cũng bị tính phí rất cao từ 40.000 đồng hoặc 3–4% (tùy ngân hàng). Lãi suất này được tính ngay khi bạn thực hiện giao dịch. Chưa kể phí có thể cao hơn nếu khách hàng giao dịch tại máy ATM khác hệ thống với ngân hàng phát hành thẻ.
Thêm một trường hợp khác có liên quan đến thẻ tín dụng đó là việc giao dịch qua mạng. Để tránh tình trạng bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, bạn cần kiểm tra xem website mình muốn giao dịch có đáng tin cậy hay không. Vì hiện tại có một số website được dựng nên với mục đích chính là đánh cắp thông tin của khách hàng.
Một lưu ý nữa là một số website trên thế giới từ chối thanh toán với khách hàng cư trú tại Việt Nam. Do đó, bạn cần kiểm tra vấn đề này trước khi quyết định giao dịch và cung cấp thông tin thẻ tín dụng. Cuối cùng, để không gặp phải trường hợp bị từ chối thanh toán do những lý do khách quan như bề mặt thẻ từ trầy xước, bám bẩn, dính keo… người dùng cần bảo quản thẻ cẩn thận.
Mục Gia Đình – Tài chính