Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016

Hôm nay (3–9), diễn ra phiên họp thứ ba, có 14/15 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia bỏ phiếu cho mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%

Lương tối thiểu sẽ tăng từ 250.000 – 400.000 đồng

Phiên họp hôm nay bàn lần cuối mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sau hai phiên thất bại trước đó vì đại diện người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất tăng trên 16% (tương đương từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng cho bốn vùng) nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện giới chủ sử dụng lạo động muốn bảo lưu mức tăng 9 – 10% (khoảng 250.000 đồng đến 350.000 đồng cho bốn vùng).

Tại cuộc họp phiên thứ ba này, mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động và VCCI tiếp tục thất bại do mức chênh quá lớn. Song, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải dùng quyền quyết định của chủ tịch để quyết chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 để trình Chính phủ và được sự đồng ý của 14/15 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia ủng hộ. Cụ thể, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ theo các vùng là:

Vùng I: 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng so với năm 2015.

Vùng II: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng so với năm 2015.

Vùng III: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng so với năm 2015.

Vùng IV: 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2015.

Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Sau cuộc họp, đại diện người lao động và cũng như giới chủ sử dụng lao động đều tỏ ra không hài lòng, nhưng vẫn chấp nhận kết quả. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động, theo Điều 91, Bộ luật Lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Luật có hiệu lực vài năm mà lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ngoài ra, năm nay tình hình kinh tế khá hơn thì mức lương tối thiểu vùng phải cao hơn.

Ngược lại, phía VCCI cho rằng, hiện có tới 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Mức tăng lương không hợp lý sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động rơi vào tình huống mất việc.

Một số chuyên gia khác phân tích, ngoài quan điểm riêng của mỗi bên thì cả hai cần tính toán lương tối thiểu dựa trên tương quan với GDP bình quân đầu người, có phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động không. Theo thống kê của những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất lao động thấp mà tốc độ tăng tiền lương cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đang suy giảm. Nếu năng suất lao động tăng chậm trong khi mặt bằng lương nói chung tăng nhanh, nhất là lương tối thiểu vùng còn tăng nhanh hơn nữa thì nền kinh tế khó có thể duy trì bền vững.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua