Ra nhiều mồ hôi, nguyên nhân và cách chữa trị

Ra nhiều mồ hôi hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi khiến bạn khổ sở vì cầm vật gì đều bị ướt do lòng bàn tay tiết nhiều mồ hôi hay “hách nôi”? Hãy tìm giải pháp để lấy lại tự tin trong giao tiếp

Chị Thanh Xuân, 35 tuổi, ngụ tại TP. HCM, ra nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay, chân và nách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của chị. Chị cầm vật dụng gì một lát là tất cả đều bị ướt do mồ hôi ở tay ra nhiều. Mồ hôi dưới cánh tay cũng tiết ra không kém, hôm nào quên dùng lăn nách, chị rất ngại đứng gần hay tiếp xúc với ai. Đây là tình trạng tiết quá nhiều mồ hôi so với sinh lý bình thường. Có hai loại tăng tiết mồ hôi.

MỒ HÔI KHỞI NGUỒN TỪ ĐÂU?

Mồ hôi được sản xuất từ các tuyến nằm ở lớp hạ bì của da, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Dù được tìm thấy trên khắp cơ thể, nhưng tuyến mồ hôi lại tập trung rất nhiều quanh trán, nách, lòng bàn tay và chân.

Bình thường bạn có thể đổ mồ hôi vào những lúc vận động nhiều hay trời quá nóng. Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt, có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc.

TĂNG TIẾT MỒ HÔI NGUYÊN PHÁT

20150826-tang-tiet-mo-hoi-06
Khi một người ra mồ hôi quá nhiều mà không do bệnh lý trong cơ thể, họ đã bị hội chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi người, nhất là người có tiền sử gia đình bị tăng tiết mồ hôi. Mồ hôi thường tiết ra trong lòng bàn chân, tay, nách… làm giảm tự tin trong giao tiếp và làm việc.

ĐỂ ĐIỀU TRỊ, CÓ HAI CÁCH:

Nội khoa: dùng thuốc giảm tiết mồ hôi, bôi bột hút ẩm nhưng ít hiệu quả, thời gian tác dụng ít.

Ngoại khoa: cắt đốt hạch giao cảm nội soi trong 30 – 60 phút, tỷ lệ thành công cao (95%), hiệu quả lâu dài (ít bị tái phát). Điều trị đổ mồ hôi tay và nách.

TĂNG TIẾT MỒ HÔI THỨ PHÁT

20150826-tang-tiet-mo-hoi-04
Người bệnh cường giáp cũng thường tiết nhiều mồ hôi. Cường giáp là tình trạng tăng quá mức lượng hormone tuyến giáp lưu hành trong máu do tăng hoạt động tuyến giáp. Chúng có thể đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều.

Biểu hiện của cường giáp như cảm giác nóng trong người, hay cáu gắt, khó chịu, tăng thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và khó ngủ.

Có thể điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp, nếu tái phát có thể phẫu thuật.

THUỐC VÀ SỨC KHỎE

Thuốc giảm tiết mồ hôi

• Hiệu quả đến đâu?

Thuốc có thành phần probanthine viên 15mg, chỉ có tác dụng trong 6 giờ, không làm khô toàn bộ cơ thể hoặc nách hoàn toàn.

• Cách dùng và dùng khi nào?

Uống thuốc 3 lần/ngày hoặc 30 phút trước lúc cần cơ thể khô. Dùng thuốc khi muốn cơ thể khô khẩn cấp (trước một cuộc họp quan trọng) và không có bệnh lý đại tràng, cơ khớp, táo bón.

20150826-tang-tiet-mo-hoi-03
Tác dụng phụ là gì?

• Thuốc gây ra chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, gây khô miệng, khó nhai, khó nuốt.

• Thuốc làm nặng thêm tình trạng táo bón, bệnh phình giãn đại tràng, nhược cơ.

Chú ý: Không tự mua và tự dùng thuốc này vì chúng tác động vào hệ thần kinh tự động (hệ thần kinh liên quan đến cơ quan nội tạng).

20150826-tang-tiet-mo-hoi-07

ĐỊA CHỈ CHO BẠN

Nếu bị đổ mồ hôi nhiều, ảnh hưởng giao tiếp, bạn đến các địa chỉ sau để khám:

• Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức, 40 Phủ Doãn, Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm.

• Đà Nẵng: Bệnh viện Đà Nẵng, 124 Hải Phòng, Thạch Thang, Q. Hải Châu.

• TP. HCM: Khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, 60–60A Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận.

Bài viết: BS. CAO MINH THÔNG, khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua