Người đứng sau những con thú nhồi bông của trẻ khiếm thính

Hơn hai năm nay, bằng việc thành lập Công ty Kym Việt, chị Nguyễn Thị Đính đã tạo dựng được một mái nhà cho các em khiếm thính, giúp các em tự lập tạo dựng cuộc sống

Xưởng sản xuất thú nhồi bông handmade của Công ty Kym Việt nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ tại tổ 6, P. Mỗ Lao, Q. Hà Đông, Hà Nội. Trong công ty ấy, chỉ có một phụ nữ duy nhất lành lặn là chị Nguyễn Thị Đính vừa là bảo mẫu, phiên dịch, vừa là người mua từng xấp vải nguyên liệu về cho các em. Công việc không kiếm được nhiều tiền, nhưng chị Đính bảo, chị “giàu” theo cách khác.

DUYÊN TRỜI ĐỊNH

20150824-nguyen-thi-dinh-cong-ty-kym-viet

Chị Đính hướng dẫn các em khiếm thính may vá

Chị Đính kể: “Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm 1, tôi được cử sang Nga học tập. Bốn năm sau, tôi về Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi đã 27 tuổi, thương bố mẹ già mong mỏi có cháu bồng bế, tôi vội lên xe hoa.

Một lần bế con ra quán trà đá ở gần trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, tôi không nén nổi tò mò trước hình ảnh các em khiếm thính khua chân múa tay để “nói chuyện”. Tôi tới phòng trọ của các em để học “nói”. Sẵn nghề may, tôi dạy cho các em kỹ năng may vá. Từ những buổi tán gẫu, ý tưởng làm đồ thủ công kiếm sống đã ra đời. Chúng tôi tập hợp lại thành một nhóm nhỏ để làm thú nhồi bông. Suốt mười ba năm, tôi đã ở cùng các em, cho đến một ngày, chỉ còn vài thành viên mong muốn duy trì công việc này.

Năm 2013, gom góp mỗi người một ít, chúng tôi thành lập Công ty Kym Việt với vốn chỉ 20 triệu đồng. Tôi dành hơn nửa số tiền đó để sắm hai chiếc máy may, một máy vắt sổ, còn lại mua kim chỉ, vải vóc. Hoài bão mà cả nhóm ấp ủ là Kym Việt sẽ trở thành thương hiệu của các sản phẩm thủ công do người khuyết tật làm ra. Công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là mái nhà của các em. Với phương châm đó, tôi nhận ba em khiếm thính vào làm việc.

THÚ BÔNG TỎA HƯƠNG

20150824-nguyen-thi-dinh-cong-ty-kym-viet-03
“Luôn luôn sáng tạo” chính là mục tiêu tôi hướng đến khi thành lập Kym Việt. Tôi tìm kiếm cát sạch để làm nguyên liệu nhồi thay cho bông thông thường. Một người bạn đã tới biển Nhật Lệ, Quảng Bình, lấy cát và chuyển ra Hà Nội theo đường xe khách giúp tôi. Giây phút những hạt cát trắng mịn màng chảy qua kẽ tay khiến tôi mừng ứa nước mắt.

Trong một lần đi lấy hàng, mệt mỏi, tôi lạc vào hàng bán quế, hồi. Mùi thơm của thứ thảo mộc này đã nhanh chóng khiến tôi tỉnh táo. Tôi chợt nghĩ: “Đập giập quế hồi ra, hòa trộn với cát rồi nhồi vào thú bông thì sao nhỉ? Cát sẽ giúp giữ lại tinh dầu trong quế, hồi và nhờ đó, sản phẩm sẽ tỏa ra mùi thơm dễ chịu”. Thích thú với phát hiện này, tôi mua vài lạng quế hồi về làm thử.

Sản phẩm thú bông tỏa hương của chúng tôi được nhiều khách hàng yêu thích. Kym Việt dần phát triển, tôi nhận thêm các em khiếm thính về dạy nghề. Em nào khó khăn, công ty hỗ trợ ăn, ở miễn phí. Chúng tôi mua thêm nguyên liệu và ra mắt nhiều bộ sản phẩm mới.

Các em khiếm thính khi tập trung lắng nghe thì tiếp thu rất nhanh, nhưng khi nóng giận bùng phát thì không gì có thể ngăn được, các em có thể tự ý bỏ đi. Bởi thế, để hướng dẫn các em, dạy các em biết cách ứng xử phải có lòng kiên nhẫn. Địa điểm quen thuộc để mọi người làm lành là ở quán chè thập cẩm đầu ngõ. Dần dà, các em yêu thương nhau và thông cảm với nhau nhiều hơn.

Giờ đây, Kym Việt là ngôi nhà thứ hai của các em, tất cả dựa vào nhau để vươn lên, bản lĩnh hơn và tự tin hơn. Đó chính là niềm hạnh phúc mỗi ngày của tôi.

BÍ QUYẾT KINH DOANH

20150824-nguyen-thi-dinh-cong-ty-kym-viet-01
Chị Đính là một trong bốn thành viên sáng lập Kym Việt. Ba người còn lại đều là người khuyết tật. Công ty bán hàng thông qua các hội chợ, triển lãm, bán lẻ. Sáu em khiếm thính làm việc ở đây được bao ăn, ở và vật dụng sinh hoạt cộng thêm gần ba triệu tiền lương hàng tháng.

Bạn có thể mua hàng ủng hộ Kym Việt tại tổ 6, P. Mỗ Lao, Q. Hà Đông, Hà Nội hoặc qua website www.kymviet.net; Fanpage: www.facebook. com/kymviet, hotline 091 557 3755 – 091 257 3876.

Mục Câu chuyện & Con người /Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua