Kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 có nhiều vấn đề khiến thí sinh và phụ huynh vô cùng lo lắng
Ở đợt 1, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng phải nộp phiếu đăng ký xét tuyển và bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi cùng điểm của tất cả các môn thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi.
Ở đợt 2, bắt đầu từ ngày 25–8, thí sinh chỉ cần sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất và gửi phiếu đăng ký xét tuyển bằng một trong những cách sau:
– Nộp trực tiếp tại sở giáo dục – đào tạo địa phương hoặc trường trung học phổ thông do sở giáo dục – đào tạo của địa phương quy định.
– Chuyển phát nhanh qua bưu điện đến sở giáo dục – đào tạo của địa phương.
– Nộp tại trường đại học, cao đẳng mà thí sinh muốn đăng ký xét tuyển.
Với ba giấy chứng nhận kết quả thi cho đợt xét tuyển đại học, cao đẳng bổ sung với ba mã vạch khác nhau, thí sinh có thể đăng ký tối đa ba trường, mỗi trường đăng ký tối đa 4 ngành. Nếu đợt 2 không trúng tuyển, thí sinh không phải rút giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký đợt tiếp theo. Chỉ đến khi trúng tuyển, thí sinh mới mang theo giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường.
Lẽ ra cách thức đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sử dụng số mã vạch của giấy chứng nhận kết quả thi này phải được áp dụng ngay từ đợt 1 để tránh việc xếp hàng tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, gây căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh suốt nhiều ngày vừa qua. 20 ngày đăng ký xét tuyển đợt 1 là 20 ngày tràn ngập lo lắng, hoang mang của cả thí sinh lẫn phụ huynh với bao nhiêu vấn đề: nên nộp hồ sơ vào đâu, nộp rồi thì lại thắc thỏm theo dõi xem mình đang ở nhóm an toàn hay đã lọt sang nhóm nguy cơ (do có thêm những thí sinh điểm cao nộp vào trường mình đăng ký), nên đổi nguyện vọng hay chuyển sang trường khác…
Kỳ thi được tổ chức với mục đích tiết kiệm cho xã hội nhưng trong đợt 1, thí sinh và phụ huynh khắp nơi đổ về vào các trường đại học nhiều lần, gây tốn kém rất lớn.
Có ý kiến cho rằng tỷ lệ trúng tuyển năm nay có thể cao hơn nhưng chắc chắn có một tỷ lệ thí sinh không vào được những ngành mình yêu thích. Vì có thể thay đổi nguyện vọng và rút hồ sơ nên các thí sinh chạy lòng vòng khắp nơi miễn là đậu đại học mà không cần biết ngành đó có phù hợp với mình không. Như vậy, việc học sau này sẽ khó khăn, họ có thể sẽ không theo đuổi đến cùng, thậm chí có tốt nghiệp cũng không làm được.
Tiếp Thị Gia Đình