Wikipedia có nguy cơ bị phá hoại thông tin

Khi sử dụng Wikipedia để tra cứu thông tin, bạn nên cân nhắc vì đây là trang mà ai cũng có thể chỉnh sửa nội dung, do đó tiềm ẩn nguy cơ phá hoại

Wikipedia là bách khoa toàn thư cung cấp thông tin trực tuyến – Ảnh: Internet

Được biết đến như một nguồn bách khoa toàn thư trực tuyến đáng tin cậy, Wikipedia là kết quả cộng tác của bạn đọc trên khắp thế giới. Người tham gia cộng tác có thể biên tập nội dung ở bất kỳ trang nào bằng cách sử dụng chức năng sửa đổi thông tin.

Để khảo sát mức độ chỉnh sửa trên Wikipedia, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu hệ sinh thái Cary, Mỹ, đã tiến hành kiểm tra thông tin và so sánh những nội dung mang tính trung lập với những nội dung dễ gây tranh cãi. Kết quả công bố ngày 14–8–2015 trên tạp chí PLoS ONE cho thấy, những nội dung dễ gây tranh cãi như quá trình tiến hóa, sự nóng lên toàn cầu… có mức độ chỉnh sửa thường xuyên hơn so với các nội dung mang tính trung lập đã được công nhận.

Theo dõi chủ đề mưa a-xít ở Bắc Mỹ trên Wikipedia từ năm 2003, Gene E. Likens, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nội dung này bị chỉnh sửa hàng ngày dù đã có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí một số chỉnh sửa còn xuyên tạc kiến thức khoa học gây ra những lỗi nghiêm trọng.

Để ngăn chặn nguy cơ nội dung thông tin bị phá hoại, Quỹ hỗ trợ Wikimedia đang đầu tư cho các nghiên cứu học thuật. Đồng thời, mức độ chuẩn xác khi kiểm tra thông tin cũng trở thành yêu cầu khắt khe đối với các biên tập viên. Phần lớn những nội dung không đáng tin cậy sẽ bị loại bỏ nhanh chóng nhờ mô hình quản lý ngày càng chặt chẽ của Wikipedia.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua