Cảnh sát Bangkok đang thu thập chứng cứ điều tra tại hiện trường vụ đánh bom
Theo Bangkok Post, người đàn ông tình nghi đánh bom ở Bangkok này mặc áo vàng, đeo ba-lô màu tối và không đeo ba-lô ở hai thời điểm khác nhau.
Cụ thể, hình ảnh từ camera an ninh cho thấy người đàn ông ngồi trên một băng ghế bên trong khu vực đền Erawan rồi mới để lại ba-lô trên băng ghế. Một lúc sau, nghi phạm đánh bom đứng lên, gọi điện thoại và đi rất nhanh ra khỏi khu vực đền thờ.
Giới chức Thái Lan cho biết, nghi phạm đánh bom có vẻ là thành viên “một nhóm chống chính phủ tại khu vực Đông Bắc Thái Lan” – trung tâm quyền lực của phong trào Áo Đỏ, vốn chống lại chính quyền quân sự. Phong trào này gồm mạng lưới những người dân nghèo tại các vùng nông thôn và đô thị Thái Lan ủng hộ cựu thủ tướng Yingluck và anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra.
Trước đó, quân đội Thái Lan đã loại trừ khả năng lực lượng phiến quân Hồi giáo tại miền Nam đứng đằng sau vụ tấn công, căn cứ vào loại chất nổ được sử dụng và tính chất vụ đánh bom.
Trong khi đó, tờ Nation của Thái Lan dẫn một nguồn tin cảnh sát cho biết, một nam giới có ngoại hình giống người Ả rập đang là nghi phạm bị truy tìm.
Hiện có sự bất cập về thông tin số người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại đền thờ Erawan. Trong buổi họp báo sáng hôm qua, 18–8, người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Thái Lan cho biết số người thiệt mạng hiện là 21 và 123 người bị thương.
Cũng sáng hôm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết đang xác nhận thông tin một công dân Việt Nam tên Trương Mai Văn (hộ chiếu số B8759) đã bị thương nhẹ sau vụ đánh bom và đang được điều trị tại bệnh viện Klang, Bangkok.
Erawan là đền thờ nổi tiếng, thờ thần Brahma của đạo Hindu nhưng cũng có hàng ngàn Phật tử đến viếng đền mỗi ngày. Đền Erawan tọa lạc gần cầu vượt Ratchaprasong, trên một con đường chính đi qua khu trung tâm thương mại của Bangkok và xung quanh là ba trung tâm mua sắm lớn.
Tiếp Thị Gia Đình