Trận mưa sao băng Perseids xuất hiện vào năm 2010 ở Chile
Đêm nay (11–8), rạng sáng ngày 12–8 (theo giờ Việt Nam), bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một trận mưa sao băng có tên Perseids với mật độ lên tới 60 – 100 vệt/giờ. Trận mưa sao băng Perseids có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle (sao chổi này có chu kỳ quay quanh mặt trời là 135 năm). Khi trái đất đi qua sao chổi Swift-Tuttle, các mảnh thiên thạch từ sao chổi này sẽ lao vào khí quyển trái đất. Chúng sẽ cọ xát với không khí và bốc cháy tạo thành các vệt sáng được gọi là sao băng. Các nghiên cứu cho thấy, những mảnh vụn thiên thạch lao vào khí quyển trái đất với vận tốc từ 30 – 60km/s và bốc cháy ở độ cao 60 – 100km tính từ mặt đất lên.
Muốn xem mưa sao băng, bạn hãy quay mặt về hướng Đông Bắc. Thời điểm xem sao băng tốt nhất sẽ là một vài giờ trước bình minh của ngày 12–8 (1 – 4 giờ sáng). Mọi nơi ở Việt Nam đều có thể quan sát mưa sao băng. Tuy nhiên, thời tiết ở mỗi nơi khác nhau nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quan sát được các sao băng nhiều hay ít. Ngoài ra, bạn cần chú ý một số điều sau đây:
– Tránh xa ánh đèn thành phố vì ánh sáng đèn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng.
– Bầu trời nơi bạn ở phải quang mây mới có thể thấy được sao băng.
– Cần kiên trì, nhẫn nại, nếu không bạn sẽ nhanh chán vì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ yên lặng một lúc lâu rồi mới xuất hiện tiếp 2 – 3 vệt sáng.
– Việc đứng hay ngồi quan sát sẽ khiến cổ bạn rất mỏi. Do đó, bạn cần chuẩn bị sẵn ghế bố, võng để nằm ngắm thoải mái hơn.
– Bạn cũng chú ý giữ ấm, tránh sương. Nếu chuẩn bị thức ăn và thức uống nóng tại chỗ sẽ tăng thêm phần thú vị.
Trận mưa sao băng lớn thứ hai trong năm có tên là Geminids, sẽ diễn ra vào giữa tháng 12. Mưa sao băng Geminids có tâm điểm là chòm sao Gemini với mật độ có thể đạt tới 120 sao băng/giờ.
Tiếp Thị Gia Đình