Vi Lê Na: Người nâng niu từng mũi kim truyền thống

Nhờ niềm tin và tình yêu vào nghề thêu, Vi Lê Na mới có thể vượt qua những thăng trầm để duy trì sự phát triển của xưởng thêu Tâm hồn Việt và trở thành chủ thương hiệu thời trang thêu truyền thống Elissa nổi tiếng

Vi Lê Na mở đầu câu chuyện bằng kỷ niệm: “Khi theo chồng về thăm quê ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây, thấy người dân có nghề thêu khéo léo, nhưng không biết cách giới thiệu đến khách hàng, mình tiếc lắm. Từ đó, mình nung nấu ý định mang sản phẩm ở vùng quê đi thật xa”.

GIỮ NGHỀ CHA ÔNG

20150811-vi-le-na-mui-theu-truyen-thong-01

Vi Lê Na và những sản phẩm của xưởng thêu.

Được gia đình ủng hộ, năm 2005, Lê Na mở xưởng thêu tâm hồn Việt. Vợ chồng muốn làm nên những tác phẩm thêu đậm nét truyền thống, nhưng cách thể hiện mới lạ hơn. Rồi Lê Na mở cửa hàng Việt Soul, trưng bày sản phẩm thêu tại phố Hàng Mành và nhanh chóng được khách hàng ủng hộ. Đơn đặt hàng từ Nhật Bản và các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển…) liên tục đổ về. Hơn ba mươi nghệ nhân ngày đêm miệt mài bên khung thêu cũng không hết việc.

Rồi khó khăn ập đến, khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 nhấn chìm xưởng thêu nhỏ bé. Đơn hàng xuất khẩu ít dần rồi dừng hẳn. Hàng thêu trong nước không bán được. Thợ thêu xin nghỉ việc. Lê Na nghĩ đến phương án đóng cửa Tâm hồn Việt.

Kể đến đây, Lê Na không giấu được xúc động:”Khi xưởng thêu lao đao, cô thợ lớn tuổi nhất xưởng, phụ trách sản xuất đã họp mọi người lại. Cô vừa khóc vừa nói: “Dù thế nào tôi cũng không bỏ xưởng, nhất là trong lúc khó khăn này. Tôi chỉ có một mình, không dùng gì đến tiền. Tiền lương mấy năm qua, tôi vẫn gửi tiết kiệm, ai cần tôi sẽ rút cho”. Cuối cùng, những người thợ giàu kinh nghiệm vẫn trụ lại với xưởng”.

Trước tình cảnh đó, Lê Na biết rằng bằng mọi giá phải vực lại xưởng thêu. Lê Na cùng chồng lang thang khắp phố phường Hà Nội, ai giao gì cũng nhận, từ thêu khăn tay, áo, quần, thậm chí cả hàng chợ, miễn là có việc cho xưởng.

CƠ HỘI MỚI

20150811-vi-le-na-mui-theu-truyen-thong

Lê Na giới thiệu sản phẩm thời trang thêu cho khách.

Năm 2010, Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Dù xưởng thêu đang dở sống, dở chết, nhưng với tâm huyết của những người làm nghề, Lê Na và những nghệ nhân quyết định thêu một bức tranh ý nghĩa dành tặng cho ngày lễ lớn của thủ đô. Sau nhiều vòng kiểm duyệt gắt gao, bức tranh Long Đào mang hình con rồng thời Lý, nở ra hoa bích đào, được thêu cả hai mặt không một mối nối đã được trưng bày ở vị trí trang trọng tại Triển lãm Ngàn năm tinh hoa. Một du khách người Nhật đến xem triển lãm đã đặt xưởng thêu ba chiếc áo kimono mang về Nhật. Những cánh hoa phù dung rực rỡ thêu tay kỳ công đã làm hài lòng vị khách khó tính. Bà ký hợp đồng một năm với xưởng. Đơn hàng này như liều thuốc tiên giúp xưởng hồi sinh.

“Đây là bước đệm để mình chuyển sang thêu thời trang. Mình tự hỏi: Thị trường Nhật đã đáp ứng được, sao mình không sản xuất cho người Việt?”.

Nghĩ là làm, Lê Na bắt tay thử nghiệm một số mẫu mới. Những ngày đầu, sản phẩm làm ra không được đón nhận. Lê Na liên tục thay đổi mẫu mã. Cuối năm 2014, thương hiệu thời trang thêu Elissa ra đời với những sản phẩm thêu tay trên chất liệu lụa, linen, lụa cát mềm mại. Nhiều mẫu áo sơ-mi, váy đầm vừa trưng bày đã cháy hàng. Xưởng thêu trở thành xưởng thêu – may. Thời trang thêu Elissa bắt đầu có mặt khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận.

BÍ QUYẾT CỦA VI LÊ NA
Vi Lê Na, sinh năm 1982, là người quản lý xưởng thêu Tâm hồn Việt, chủ thương hiệu thời trang thêu truyền thống Elissa. Các sản phẩm thêu tay được bán tại 260 Đội Cấn, Hà Nội. Lê Na chia sẻ: “Vận may không tự đến, mình phải nỗ lực không ngừng để sáng tạo, tìm nguồn nguyên liệu mới, tìm khách hàng và biết cách quảng bá sản phẩm”.

Mục Câu chuyện và con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua