Các loại thịt cũng nằm trong số những mặt hàng từ châu Âu được miễn giảm thuế. Ảnh minh họa
Giao thương hàng năm giữa EU và Việt Nam đạt giá trị khoảng 28 tỷ euro. Theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam, hầu hết các sản phẩm EU vào Việt Nam và ngược lại sẽ được miễn giảm thuế.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực, từ cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dỡ bỏ 65% hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm từ EU, số còn lại sẽ được miễn dần trong thời gian 10 năm.
Cụ thể là:
1- Hầu hết các sản phẩm máy móc và thiết bị từ EU nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được miễn giảm thuế trong 5 năm.
2- Rượu vang và rượu mạnh sẽ được miễn giảm thuế sau 7 năm.
3- Thịt bò được miễn thuế sau 3 năm, thịt lợn sau 7 năm, thịt gà sau 10 năm. Các sản phẩm chế biến từ sữa trong vòng 5 năm và nguyên liệu thức ăn tối đa 7 năm.
4- Xe máy với động cơ dung tích trên 150cc sẽ được miễn thuế sau 7 năm và ô-tô sau 10 năm, trừ một số dòng xe có dung tích lớn sẽ được miễn thuế sớm hơn 1 năm.
5- Khoảng một nửa dòng hàng dược phẩm của EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay giai đoạn đầu của hiệp định, phần còn lại sẽ miễn giảm sau 7 năm.
6- Gần 70% các mặt hàng hóa chất mà EU xuất khẩu vào Việt Nam được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sau 3,5 năm và 7 năm.
7- Toàn bộ nguyên liệu dệt may và vải vóc từ EU vào Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Ngược lại, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu hơn với mức thuế suất ưu đãi. Hiệp định còn quy định nghiêm ngặt về xuất xứ của sản phẩm may mặc Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, yêu cầu là vải vóc phải sản xuất tại Việt Nam nhằm tránh tình trạng sản phẩm Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để tràn vào thị trường châu Âu.
Tiếp Thị Gia Đình