Khát vọng biến con thành “sao”

Những sân chơi tài năng dành cho trẻ em dường như thổi bùng khao khát của phụ huynh mong tìm kiếm danh vọng cho con

Rất nhiều phóng viên đang tất bật tác nghiệp tại buổi ra mắt của một hãng thời trang thì bất ngờ, một phụ huynh chạy ra hỏi han: “Em là phóng viên bên báo phải không? Con chị là… Sắp tới cháu sẽ đóng phim… Em có thể viết bài về bé không?”. Sau vài câu trao đổi, bà mẹ không quên nhắc nhở con gái tạo dáng cho chuẩn khi chụp ảnh tại khu vực backdrop.
Có thể thấy, sớm tìm kiếm danh vọng cho con đang là nhu cầu có thực của một số phụ huynh.

CHẠY THEO KỲ VỌNG CỦA MẸ

20150807-khat-vong-bien-con-thanh-sao-02

Một lớp học mẫu nhí ở Hà Nội

18 giờ, phố xá lên đèn cũng là lúc lớp học mẫu nhí Model Club tại Cung Văn hóa – Thể thao Thanh niên, Hà Nội, bắt đầu giờ học. Nhạc nổi lên xập xình, các cô bé cậu bé ăn mặc đẹp rời vòng tay mẹ để tập bài khởi động. Nhiều em rất bạo dạn, nhưng cũng chẳng thiếu những gương mặt phụng phịu, mắt ngấn nước, dùng dằng nắm tay mẹ.

Khi được hỏi lý do cho con theo học lớp mẫu nhí, nhiều phụ huynh bảo rằng họ muốn con tự tin biểu diễn trước đám đông và biết cách lựa chọn trang phục. Tuy nhiên, có ngồi lại trò chuyện mới thấy kỳ vọng con sẽ có “thành công nào đó” luôn ẩn chứa trong mỗi câu chuyện của các bậc phụ huynh.

Chị Trần Ánh Hồng, chủ nhiệm lớp mẫu nhí Model Club, nhận định kỳ vọng đó là phổ biến trong giới phụ huynh khi cho con theo lớp học này. Ban đầu, họ chỉ mong muốn con có dáng đi đẹp. Song, khi lớp học người mẫu đã đi vào quy mô, nhiều nhãn hàng thời trang trẻ em, sữa hay vật dụng gia đình muốn chọn những bé “ăn hình” cho chương trình biểu diễn hoặc quay quảng cáo sản phẩm thì bắt đầu “có chuyện”.
“Không ít phụ huynh nhào nặn con theo ý muốn của mình và luôn muốn con ở vị trí trung tâm. Rồi khi con đã ở vị trí trung tâm, phụ huynh lại tạo khoảng cách giữa con với các bạn chưa nổi tiếng bằng nhiều chiêu khác nhau. Chẳng hạn như bất ngờ báo bận, không đi diễn khi lịch biểu diễn đã sát nút”, chị Ánh Hồng cho biết.

Theo chị Hồng, trong số các phụ huynh đưa con đến học, có tới 50% nuôi khát vọng biến con thành “sao”.

LÀM “SAO” CÓ SƯỚNG?

Girl putting dress on in front of mirror

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Hà Thiên Trang là cái tên được nhắc đến rất nhiều trong làng mẫu nhí Hà thành. Mới chỉ 7 tuổi nhưng cô bé đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn thời trang, nghệ thuật cho các nhãn hàng, thương hiệu lớn, đóng TVC quảng cáo, phim ngắn và xuất hiện trong các MV ca nhạc.

Chị Phương Linh, mẹ của Trang, cho biết, cái duyên dẫn dắt Trang đến nghiệp diễn là khi có một nhóm làm phim trẻ ở Hà Nội tham gia cuộc thi khá lớn về làm phim đi tìm diễn viên nhí và muốn Trang thử vai.
“Lúc đó, tôi cũng băn khoăn không biết con có làm được không. Sau khi gặp đạo diễn và em ấy quả quyết Trang làm được thì tôi mới cho con đi và kết quả bộ phim đó đã giành giải nhất, Trang thì được đề cử diễn viên xuất sắc”, chị nói.
Chị Linh cũng mừng khi thấy con thành công, nhưng đến khi con nổi tiếng thì chị bắt đầu phải suy nghĩ nhiều về cơ hội tỏa sáng của con. Chị Linh chia sẻ rằng nhiều lúc chị thấy phiền lòng vì sự nổi tiếng của con.

“Con nổi tiếng từ rất sớm, chắc chắn không nhiều thì ít sẽ có thái độ “chảnh”. Có những lúc tôi không giữ được bình tĩnh, đã nóng nảy quát mắng con. Gần đây, khi đưa Trang đi thi, tôi có dịp chứng kiến những câu chuyện đáng suy nghĩ. Thay vì động viên con, một bà mẹ lại nói: “Con đã được giải ở một cuộc thi lớn. Nếu cuộc thi nhỏ hơn này không được giải thì mọi người sẽ coi thường, mẹ không còn gì để nói với con”. Khi đó, sức ép từ cuộc thi có lẽ không lớn bằng sức ép mà người mẹ đặt lên vai con. Điều đó không phải hiếm. Trong một buổi chụp hình thời trang, khi con tạo dáng kém hơn bạn, bố mẹ đứng ngoài liền hô hào con phải thế này, thế kia khiến đứa trẻ càng cuống và càng không biết làm thế nào mới đúng.

Tôi không dám đưa ra lời khuyên mà chỉ mong các ông bố, bà mẹ hãy chậm lại và đứng ở vị trí của con mình để nhìn nhận và định hướng cho con”, chị Linh bộc bạch.
Con đường nghệ thuật thênh thang của “sao nhí” Duy Khánh, đang học lớp 5, cũng khiến mẹ em lo ngại. Ban đầu, chị Thu, mẹ Khánh, cho con đi học dancesport để Khánh bớt ham mê điện tử. Từ học dancesport, Khánh lấn sang học MC, diễn xuất. Chỉ trong kỳ nghỉ hè năm nay, cậu bé đã tham gia bốn bộ phim.
Chị Thu thừa nhận mình từng kỳ vọng rất nhiều khi cho con đi học nghệ thuật, chị không tiếc tiền đầu tư cho con học và tham gia nhiều cuộc thi trong năm năm qua. Tuy nhiên, từ sau cuộc thi Nhí tài năng 2014, chị quyết định cho con dừng hết mọi cuộc chơi.

Chị luôn sợ con sẽ bị ánh hào quang sân khấu làm hỏng. “Cái con được là chiêm nghiệm phim trường, cùng diễn xuất với những diễn viên có tiếng trong nghề, được giải thưởng, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, cái mất cũng không hề ít. Con phải làm việc gấp đôi, gấp ba lần so với bạn bè để có thể cân bằng giữa lịch học và lịch tập, lịch quay phim dày đặc, điều đó thực sự vất vả và thiệt thòi cho con.
Điều khiến tôi lo sợ nhất là những chiêu trò người ta sử dụng để phục vụ lợi ích cá nhân trong giới hoạt động nghệ thuật. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chèn ép nhau, nói xấu các bé khác để nâng con mình lên…
Cuộc thi của trẻ nhưng lại biến thành cuộc “ăn thua” của người lớn. Tôi nhận ra, giải thưởng chỉ có giá trị trong thời điểm nhận giải. Còn những trải nghiệm, cả tốt lẫn xấu, trong suốt hành trình vươn tới giải thưởng ấy mới là thứ theo con mãi mãi.
Tôi muốn con hiểu năng khiếu hay giải thưởng chỉ là cầu nối cho con sống tốt, làm việc tốt chứ không phải là cái đích để con tìm mọi cách đạt được”, chị Thu chia sẻ.

CHUYÊN GIA NÓI GÌ?

20150807-khat-vong-bien-con-thanh-sao-01
TIẾN SỸ VŨ THU HƯƠNG, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội: PHỤ HUYNH NÊN CÂN NHẮC! Mong muốn con học giỏi đã là mơ ước quá phổ thông của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều người có khao khát lớn hơn đó là hướng con mình học, tham gia hoạt động nghệ thuật từ sớm và nổi tiếng. Khao khát đó xuất phát từ tâm lý con cái là tài sản và bố mẹ đầu tư tốt nhất làm sao cho “tài sản” đó được tỏa sáng, bộc lộ hết năng khiếu của mình, nhưng thiết nghĩ, phụ huynh nên cân nhắc thật kỹ.

Học các môn nghệ thuật là có lợi cho con trong trường hợp con có năng khiếu và thực sự thích môn học đó. Phụ huynh nên tự mình trả lời câu hỏi cho con phát triển năng khiếu để làm gì? Nếu như đấy là mơ ước của con, con có không gian và thời gian để sáng tạo, thực sự say mê học thì phát triển năng khiếu là việc nên làm. Còn nếu học nhồi nhét do bố mẹ thích thì chỉ khiến trẻ sợ, chống đối. Tôi từng gặp nhiều trường hợp, trẻ khóc bên phím đàn piano, học nhiều mà không đàn được bản nhạc nào vì phụ huynh ép con học.

Con tham gia giới nghệ thuật từ sớm, trở thành gương mặt “hot” thì cái được đầu tiên là niềm tự hào, sự nổi tiếng và sau đó là tiền bạc. Tuy nhiên, con cũng phải đánh đổi rất nhiều. Một ngày có 24 giờ, đứa trẻ bình thường ngoài việc học ở trường còn cần thời gian để ăn ngủ, đi chơi, gặp gỡ bạn bè… Song, với những đứa trẻ đặc biệt kia, ngoài lịch diễn, lịch học nghệ thuật dày đặc, trẻ vẫn phải đảm đương việc học (vốn đã quá nặng) ở trường. Vậy thì có quá sức với con không? Chưa kể việc con dễ trở thành đối tượng bị mọi người “GATO”, soi mói.

Nếu con nổi tiếng khi con đã thực sự chín chắn, tài năng chín muồi và con có thể chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình thì sự nổi tiếng là bệ phóng cho con thành công. Ngược lại, khi đứa trẻ chưa kịp tích lũy kinh nghiệm, chưa có đủ độ chín về tài năng mà tài năng bị đem ra “tiêu dùng” thì đến lúc nào đó, trẻ chỉ còn là cái vỏ rỗng, hậu quả sẽ là mãi mãi. Là một người mẹ từng trải qua các cung bậc cảm xúc trong việc học nghệ thuật của con, tôi nghĩ, trong cuộc sống bon chen ngày nay, con được là một đứa trẻ bình thường, hồn nhiên, hạnh phúc và sống có ước mơ, như vậy là quá đủ!

THẤY GÌ TỪ NHỮNG CUỘC THI CHO TRẺ?

Có thể kiểm chứng thực tế kỳ vọng biến con thành sao qua một số game show truyền hình dưới hình thức một cuộc thi, từ Đồ Rê Mí, The Voice Kids đến Vietnam’s Got Talent… Cuộc chơi nào cũng thu hút nhiều bậc phụ huynh từ khắp các vùng miền mặc dù cuộc thi nào cũng chịu không ít lời ra tiếng vào. Ngay cả Đồ Rê Mí, một cuộc thi chiếm nhiều tình cảm của khán giả, sau vài mùa giải cũng bị công chúng phê bình vì thí sinh nhí bị “già hóa”, bị tạo áp lực tỏa sáng bằng những vũ đạo, cách thể hiện quá khó.

Mục Câu chuyện và Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua