Câu lạc bộ tình nguyện Rubic thành lập năm 2013 với hai “thủ lĩnh” là Lê Hương Giang vừa tốt nghiệp ngành tâm lý tại Mỹ và Hoàng Nhật Linh cũng vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục đặc biệt. Rubic hướng tới hỗ trợ cộng đồng người tự kỷ Việt Nam, đặc biệt là trẻ tự kỷ.
Thông qua một số hình thức sinh hoạt với trẻ tự kỷ tại nhà, dịch tài liệu về tự kỷ, đăng miễn phí lên website www.clbrubic.com, Rubic giúp các gia đình có tài liệu để chữa bệnh cho con ngay tại nhà một cách tốt nhất.
BẠN ĐỒNG HÀNH
Chia sẻ về một số khó khăn khi tham gia tình nguyện tại gia đình, thành viên Nguyễn Thanh Thủy kể: “Năm 2014, khi tham gia dự án Yêu thương vô điều kiện, em trở thành bạn của một bé trai hai tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi có chuyên gia đánh giá bé mắc chứng tự kỷ nhẹ, chậm nói, Rubic lên một chương trình hướng dẫn riêng theo đúng tình trạng của bé.
Đầu tiên, em và các bạn phải tìm cách hòa vào thế giới riêng của bé, như thế bé mới có thể chấp nhận mà hợp tác với mình. Lần đầu em và một bạn đến nhà, bé liền chạy trốn rồi ôm chặt lấy ông nội, nhất định không chơi cùng các cô. Phải hai tuần sau, mỗi tuần hai buổi gặp gỡ, cảm thấy hai cô không phải là “mối đe dọa” của mình, bé mới chịu theo chúng em. Chúng em bắt đầu dắt bé ra ngoài chơi trong chốc lát rồi lại vào phòng bé, chơi trò chơi vận động, phân biệt màu sắc, đồ vật và học phát âm.
Với sự dịu dàng, kiên nhẫn, làm theo những gì trẻ đang làm, sau ba tháng, từ chỗ chỉ nói những âm lẻ rời rạc như “a”, “o”, bé đã phát âm được nhiều từ như “gà”, “cá”, “có”, biết “dạ” khi người lớn gọi tên và tỏ ra quyến luyến khi cô ra về”.
Các thành viên của Rubic cho biết, dù đã quen biết rồi, nhưng việc tiếp cận với bé về sau cũng chưa chắc “thuận buồm xuôi gió”. Khi ốm, các bé có sức khỏe bình thường cũng đã rất khó chịu. Với các bé tự kỷ, trong những ngày này mức độ cáu kỉnh, khóc lóc, “nổi cơn tam bành” càng nhiều và rất khó tương tác. Do vậy, nếu không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, các bạn cũng không nản. Lý do vì với trẻ tự kỷ, chúng ta không thể ép buộc, vội vàng mà phải nương theo sở thích, tâm trạng và sức khỏe của bé.
NGUỒN TÀI LIỆU RUBIC
Cùng với hoạt động đến nhà chơi cùng trẻ tự kỷ, chia sẻ khó khăn cùng cha mẹ, tổ chức các buổi sinh hoạt chung cho các gia đình có trẻ tự kỷ, hoạt động thường xuyên của Rubic là dịch tài liệu tự kỷ từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Hoàng Nhật Linh, trưởng ban dịch thuật của Rubic, khoe: “Rubic hiện đã có ba bộ tài liệu cùng nhiều tài liệu sưu tầm từ nguồn đáng tin cậy, giúp phụ huynh có thêm kiến thức, niềm tin, hy vọng để giúp con ra khỏi thế giới tự kỷ, hòa nhập cộng đồng”.
Không chỉ với một Rubic, các gia đình còn mong nhận được nhiều sự chia sẻ từ chính bạn. Hãy ân cần hơn và đừng tỏ vẻ xa cách với trẻ mắc chứng tự kỷ.
Tìm hiểu thêm về Câu lạc bộ Rubic
• Dự án hiện tại: Hè năm nay, Rubic đang thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thông tin Rubic. Hiện tại, các thành viên trong nhóm đã có những cuốn sách ủng hộ đầu tiên từ các giáo sư ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Rubic cũng sẽ tổ chức quyên góp các đầu sách bằng tiếng Việt và tập hợp lại để những người quan tâm có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
• Để tìm hiểu thêm thông tin về Rubic và tự kỷ, bạn có thể tham khảo tại www.clbrubic.com, www.facebook.com/tretuky.rubic.co hoặc Hoàng Nhật Linh 097 595 5545 và Lê Hương Giang: 097 520 5814. Email: tretuky.rubic@gmail.com.
• Rubic luôn cân nhắc rất kỹ trước khi thực hiện dự án.
Mục Chuyên đề đặc biệt – Tự kỷ/Tiếp Thị Gia Đình