Kepler-452b, hành tinh giống trái đất, quay quanh sao mẹ với quỹ đạo tương đương trái đất quay quanh mặt trời. Ảnh: universetoday.com
Tàu không gian Kepler đã phát hiện một hành tinh giống trái đất nằm ngoài hệ mặt trời và có nhiều khả năng hỗ trợ sự sống. NASA đặt tên cho nó là Kepler-452b. Có thể nói nó là chị em với trái đất vì có nhiều điểm tương đồng. Về kích thước, nó lớn hơn trái đất khoảng 60%. Nó cũng quay quanh một ngôi sao mẹ giống như trái đất quay quanh mặt trời. Đáng kể nữa là nó đã tồn tại khoảng 6 tỷ năm và ở mức nhiệt độ phù hợp để đảm bảo có nước.
“Nó mất 385 ngày để quay quanh sao mẹ, tương tự như trái đất mất 365 ngày để quay quanh mặt trời. Vì nó đã trải qua đến 6 tỷ năm để quay theo quỹ đạo này nên nó đã có nhiều thời gian để hình thành sự sống. Nếu chúng ta có thể gửi cây xanh tới hành tinh này, chúng có thể quang hợp”, Jon Jenkins, một nhà nghiên cứu của NASA, cho biết.
Kepler-452b ở cách xa ngôi sao mẹ hơn so với khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, nhưng ngôi sao ấy sáng hơn mặt trời nên hành tinh giống trái đất này vẫn nhận được nhiều ánh nắng như trái đất. Theo nhà khoa học Jon Jenkins, Kepler-452b “hầu như chắc chắn có bầu khí quyển” nhưng chưa thể xác định nó bao gồm những thành phần gì. Về trọng lực, hành tinh này có sức hút gấp hai lần trái đất, nghĩa là một vật thể ở trái đất nặng 2kg mang lên Kepler-452b sẽ nặng đến 4kg.
Để đến được miền đất hứa Kepler-452b, chúng ta phải đi mất 1.400 năm ánh sáng. Trước đây, NASA từng phát hiện một hành tinh giống trái đất, được gọi là Kepler-186f, cách chúng ta 500 năm ánh sáng. Song, năng lượng mà hành tinh này nhận được từ ngôi sao của nó chỉ bằng 1/3 so với mức năng lượng trái đất nhận được từ mặt trời, tức buổi trưa ở đó sẽ giống như chiều tối ở trái đất.
Tiếp Thị Gia Đình