Truyện ngắn: Mùa lá me non

Ngày trở về Sài Gòn, tâm trí tôi ngập tràn ký ức tươi đẹp về những hàng me ven đường. Những chiếc lá me non ngon lành, những quả me chua chua là cầu nối cho mối tình thật đẹp của tôi và em... – Truyện ngắn của Nam Giao

Tôi về từ chiều hôm qua. Sài Gòn đón tôi bằng cái nắng chiều rợp màu ngũ sắc. Hình như đâu đó vừa có cơn mưa ghé qua. Con nắng chiều dịu lại, nằm ngoan ngoãn như đứa trẻ con vừa được tắm. Cảm giác thoải mái đến kỳ lạ. Tôi bước ra cổng. Gọi một chiếc taxi để đi loanh quanh thành phố trước khi về nhà. Giờ này chưa đến giờ tan tầm, về nhà chắc gì đã có ai. Nghĩ vậy, nên khi người tài xế taxi quay lại hỏi:

– Anh muốn đi đâu?

Tôi trả lời:

– Cho tôi loanh quanh Sài Gòn.

Anh chàng lái taxi mỉm cười, xoay vô lăng cho xe chạy đi.

Trước mắt tôi, những tòa nhà chọc trời hiện ra. Tôi mở lời với anh chàng lái xe:

– Sài Gòn bây giờ lạ quá hén.

– Dạ, thay đổi nhiều lắm anh.

Tôi đề nghị anh lái xe mở giúp cửa kính để nhìn ra bên ngoài, để hít hà cái mùi quê hương quen thuộc mà tôi đã từng gắn bó suốt gần hai mươi năm.

– Anh có nhớ đường Lê Lợi không? – Người lái xe chợt hỏi tôi.

– Có.

– Hàng cây cổ thụ ở đó đã bị đốn để quy hoạch và trồng cây mới. Thương xá Tax đóng cửa. Vòng xoay Trần Nguyên Hãn cũng di dời rồi anh ạ.

Tôi cố mường tượng về nơi anh tài xế vừa nói. Chiếc xe vẫn bon bon trên đường, dẫn tôi đi tham quan thành phố của mình. Còn tôi như đang lang thang ở một xứ khác, một Sài Gòn còn vẹn nguyên trong ký ức.

hoavan_truyen

Hồi đó, nhà tôi trên đường Nguyễn Trung Trực, chạy cái vèo là tới chợ Bến Thành. Con đường đó có hai hàng me xanh ngắt, rợp trời. Buổi sáng, mùi cà-phê thơm lừng xộc lên mũi, nếu cứ ngồi ở đó cả ngày cũng không biết chán. Tôi thích ngồi nhìn những gốc me sần sùi bám đầy rong rêu của thời gian, những chùm hoa me màu vàng chanh pha xanh đua nhau ùa xuống phố. Tôi đợi đến mùa thay lá, đợi những cơn mưa lá me rớt lao xao xuống mặt đường. Lá me mùa thay lá lạ lắm. Cứ gặp cơn mưa là thi nhau rơi xuống, đường ươn ướt, lá bết dính, chỉ khổ cho người công nhân lao công, lát chổi quét phải thật mạnh tay may ra đám lá mới chịu rời khỏi vỉa hè.

Tôi nhớ hồi xưa, cũng nhờ cái tài trèo cây hái me mà tôi có người yêu. Nhà cô bé ấy ở cuối đường. Chúng tôi học cùng trường, nhưng em nhỏ hơn tôi hai tuổi. Rồi thì cũng là trò viết thư đặt ở ngăn bàn mà chúng tôi quen nhau. Cứ đến mùa me chín, năm ba bữa tôi lại tót lên ngọn cây trước nhà, hái một bịch to tướng. Mang đi học, sợ bạn giành hết chẳng có phần em, lúc nào tôi cũng chia thành hai bịch, một bịch mang cho mấy đứa con gái trong lớp tôi xách tòng teng trên tay. Những trái me dài, ngon lành, không “sứt đầu mẻ trán”, tôi để dành riêng trong cặp. Cuối buổi học tôi nấn ná ở lại, đặt gọn gàng trong ngăn bàn với hy vọng buổi chiều, khi em thò tay vào ngăn bàn tìm thư, sẽ thấy quà của tôi gửi.

Cuối cùng, tôi và em cũng thành “đôi bạn”. Tôi thường đến nhà phụ em bán hàng. Thỉnh thoảng bày em bài toán khó. Cũng kể từ đó, những bịch me chín dưới ngăn bàn không còn nữa, mấy cô con gái trong lớp tôi chẳng còn được ăn quả nào. Cứ mùa me chín, tôi hái mang sang chỗ mẹ em để em bày ra bán. Có lần tôi hỏi sao em không ăn đi mà để dành cho mẹ bán. Em rụt rè trả lời em đã ăn chán rồi. Không biết em nói thật hay đùa, nhưng tôi thấy lòng vui lắm. Rồi có lần. Tôi trèo cây me bị té gãy tay. Ba má mắng tôi quá trời quá đất. Em rủ thêm thằng em trai đến thăm tôi. Thấy tôi cười cười mà nước mắt em lăn dài. Nghĩ mà thương chi lạ.

hoavan_truyen

Tôi nói người tài xế dừng xe ở một vỉa hè. Trên vỉa hè có đôi vợ chồng ngồi bán me dạo. Thấy tôi bước tới, người phụ nữ gần sáu mươi tuổi, khuôn mặt hiền lành, sạm đen vì nắng mỉm cười.

– Cháu mua giúp cô một ít về cho vợ nhé. Phụ nữ ai cũng thích món này hết.

Người đàn ông gầy gò, đôi bàn tay trơ xương đang lấy me từ trong cái bao nhỏ ra cho vợ phân loại. Tôi ngồi xuống bên cạnh, trên khuôn mặt người đàn ông, lá me còn bết dính trên trán ướt mồ hôi. Trên lưng áo, màu rêu nhuộm một mảng dài.

Sau khi lựa những quả me ngon, người phụ nữ cho vào bịch và đặt lên chiếc cân đồng hồ để nửa vời trong chiếc túi nilông màu đỏ. Tôi thử bẻ một quả đưa lên miệng ăn ngon lành.

– Mày cũng mê món này à?

– Ngày xưa cháu cũng hay trèo me hái cho người yêu lắm đó bác. Rồi có lần sơ sẩy té gãy tay. Từ đó ba má cháu cấm tiệt.

Người đàn ông châm điếu thuốc, nhìn ra đường, khuôn mặt ông giãn ra:

– Tao làm nghề này gần ba mươi năm rồi. Me ở quận này, cây nào ngọt, cây nào chua tao biết hết. May trời cũng thương, chưa sơ sẩy lần nào.

Tôi về nhà. Vợ chồng đứa em đã về từ bao giờ. Phố đã lên đèn. Sài Gòn lại rực rỡ với đèn màu xanh đỏ. Bữa cơm gia đình ấm cúng sau những ngày dài xa cách. Thằng em út vừa ngồi ăn tráng miệng vừa nhìn tôi.

– Anh còn nhớ anh Tư con bà Né bạn anh không? Ảnh hỏi thăm anh hoài đó. Còn gửi cho em số điện thoại, bảo lúc nào anh về thì nhắn cho ảnh một tiếng.

Thằng út vừa dứt lời cầm ngay điện thoại tìm số. Sau bữa ăn, tôi trở về phòng mình, bấm số điện thoại gọi. Đầu dây bên kia, giọng thằng Tư chừng đã ngà ngà say.

– Mày đi lâu quá vậy mày. Quên hết bạn bè rồi chứ gì. Cái khỉ mốc. Sài Gòn bao nhiêu mùa thay lá me non rồi biết không?

Tôi chẳng biết nói gì, cứ thấy nỗi nhớ cuộn tròn lại, ném tôi về với ngày cũ.

20150723-Truyen-ngan-2715-mua-la-me-non-02

Hai thằng tôi ngồi nhâm nhi cà-phê, nhìn lá me bay lả tả. Thằng Tư trầm ngâm:

– Mày còn nhớ vụ tụi mình rủ nhau đi hái lá me non không? Lần đó mày trèo tít ngọn cây, hái cho em Lan phải gần cả ký lá me non về nấu canh cá cơm trắng. Hôm đó, ăn bữa cơm ở nhà nhỏ Lan đúng là giá trị thật. Tao nhớ mãi.

Tôi rít thuốc, lắc lắc ly cà-phê đá đưa lên nhấp một ngụm. Thằng Tư hỏi:

– Qua bên đó em Lan có nấu canh lá me non cho mày ăn nữa không?

Tôi cười khà khà, nhìn nó.

– Làm gì có lá me non mà nấu canh mày. Mày nhắc làm tao thèm muốn chết.

– Ờ ha, tao cũng nghĩ lâu rồi mày chẳng được ăn đâu.

Nó nói rồi đứng dậy bảo:

– Mày tính tiền rồi đi với tao.

Thằng Tư chở tôi lòng vòng qua mấy cái chợ. Chẳng tìm thấy mớ lá me non nào. Mùa này, cũng là mùa lá me non, sao người ta không bán nhỉ? Tôi chợt nghĩ rồi tự trả lời chắc ít người biết ăn món này. Cuối cùng hai thằng tôi cũng tìm được một mớ. Cô bé bán hàng có má lúm đồng tiền cười rất duyên, nhìn chúng tôi:

– Cái này trông vậy chứ đắt lắm hai anh. Đặc sản đó nha.

Nói rồi, cô bé gói cho chúng tôi nửa ký lá me non với giá ba mươi nghìn đồng. Thằng Tư ra đến chỗ gửi xe. Nó gọi điện về cho vợ. Trưa đó, chúng tôi có một bữa cơm rất ngon với thật nhiều ký ức. Trong bữa ăn, thằng Tư còn bảo:

– Khi nào mày đi, tao gói theo cho một ký, qua đó nói vợ mày nấu một bữa mà ăn. Chắc nó cũng thèm lắm chứ chẳng chơi.

– Ừ, chắc chắn rồi. Vợ tao vẫn thường nhắc về những hàng me Sài Gòn, về những bịch me trong ngăn bàn, về cả nồi canh lá me non một thời mày ạ.

Tôi trả lời mà thấy như nghẹn đắng ở cổ. Ừ, thì là vị của quê hương. Dường như, mọi thứ mới vừa gần đây thôi thì phải.

Mục Truyện ngắn/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua