Truyện ngắn: Chị Lan

Bao nhiêu năm nay, chị vẫn không hiểu sao cả gia đình chồng luôn đối đãi tử tế với chị Lan. Liệu có phải vì món nợ ân tình thuở còn hàn vi?... – Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hà

Tin cô Lan bán bánh ít đầu đường chết đến với gia đình chồng chị chẳng khác tin một người thân qua đời. Thời bao cấp, chị luôn thắc mắc sao gia đình chồng lại quá tốt với người phụ nữ bán bánh ít đầu đường đến thế. Các cô cậu em chồng là công nhân viên nhà nước được tiêu chuẩn gạo, thế nào mẹ cũng bảo chia cho cô Lan năm hay mười ký. Thi thoảng chiều xuống đậm, ba chồng chị ra đứng nhìn về đầu đường rồi vào thở dài:

– Giờ này con Lan còn nhiều bánh quá. Đào à, ra mua giúp chị vài cái đi.

Đào là em chồng chị, làm nghề giáo viên. Có lần chị hỏi anh quan hệ giữa cô Lan và gia đình, anh nói:

– Chỉ là người quen cũ.

Chị chỉ quanh quẩn trò chuyện cùng người nhà và biết cô Lan là hàng xóm cũ. Ngày trước, ba mẹ cô Lan khá giàu nên bố cô bỏ tiền đầu tư đường ống nước máy đầu tiên trong xóm, trong khi mọi người xài nước công cộng. Nhà chồng chị câu nhờ nước với giá chính thức cho đến khi gia đình cô Lan dọn đi, người chủ mới cắt nước, gia đình chị hùn với hàng xóm xin hệ thống nước riêng. Có phải vì vậy mà gia đình chị luôn cảm thông, giúp đỡ cô Lan?

Cô Lan lấy phải chồng nghèo, không biết lo, chỉ biết bám víu gia đình vợ. Ba cô Lan mất, mẹ cô tiếp tục gồng gánh nuôi cả nhà, nợ nần chồng chất phải bán căn nhà mặt tiền về con hẻm khu lao động thuộc Q. 3, TP. HCM, sinh sống. Sau năm 1975, mẹ cô Lan hoàn toàn kiệt quệ, chồng Lan vẫn nằm nhà và đàn con bảy miệng ăn chỉ dựa vào giỏ bánh ít của cô Lan.

Chồng chị là sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ, cải tạo tốt nên được về sum họp cùng chị và con gái. Không lâu sau, anh cùng vợ con xuất cảnh theo diện HO.

Sang Mỹ, những lá thư từ gia đình gửi cho anh cũng có nhắc cô Lan và anh cũng thường hỏi thăm người phụ nữ này. Nhờ vậy chị biết đất nước mở cửa, các con cô đã lớn, có việc làm ổn định, người ta không còn thấy cô Lan ngồi bán bánh ít nữa.

Thi thoảng anh về Việt Nam, chị cũng nghe nhắc cô Lan. Thật khổ! Lúc khó khăn cô gồng gánh nuôi chồng và các con. Hôm nay các con làm ra tiền, khá giả, cô lại mắc bệnh ung thư.

Chuyến về Việt Nam kỳ này của anh chị lại nghe tin buồn của cô Lan từ cô em chồng. Căn bệnh ung thư của cô Lan đã di căn sau năm năm chống chọi. Cô đã mất sau sáu tháng phát bệnh. Gia đình chồng chị thay nhau đi phúng điếu. Hai cô em chồng đi rồi đến cậu em chồng và chồng chị chở mẹ đến nhà cô Lan. Ba chị cứ thở dài vì ông quá yếu không thể đi điếu được đám tang người phụ nữ mà theo chị nhận xét dường như ông xem như con cháu trong nhà.

hoavan_truyen

Ngồi buồn trong căn phòng khách, thấy Đào từ trên lầu xuống bếp, chị hỏi:

– Cô Lan chắc có kỷ niệm gì sâu sắc với gia đình mình mà cả nhà ai cũng mến thương phải không cô?

Đào đi đến tủ lạnh, lấy chai nước lọc rồi cầm chiếc ly thủy tinh rót nước, uống thong thả. Đào nhỏ nhẹ:

– Cô Lan là con dâu hụt, chị ạ.

Tim chị như ngừng đập. Nhà chỉ có hai người con trai. Thảo là chồng chị, còn Lộc, cậu em chồng cứ một tiếng chị Lan, hai tiếng chị Lan… Chị chưa hết ngạc nhiên, Đào kéo ghế ngồi xuống và từ tốn kể:

– Anh Thảo và chị Lan vừa là hàng xóm, vừa là tình yêu của nhau. Chị Lan là bạn của chị Thu, còn tôi chơi với em gái chị ấy, anh Lộc chơi với em trai chị ấy. Mỗi mùa thi từ trung học đến tú tài một rồi tú tài hai, chị Lan đều dậy sớm cầu nguyện cho anh Thảo thi đậu. Rồi anh Thảo học luật, được miễn quân dịch, chỉ chờ anh tốt nghiệp, mở văn phòng luật sư là hai người cưới nhau. Thế nhưng, chị Lan là hoa khôi trong xóm, ỷ vào sắc đẹp của mình, thường đùa giỡn tình yêu cùng những chàng trai khác. Đùa với lửa có ngày phỏng tay. Chị bị một người đàn ông xâm phạm và mang bầu. Thuở đó chuyện phá thai bị cấm nên cuối cùng chị phải lấy gã đàn ông vô dụng và đưa cả gia đình vào bi kịch. Anh Thảo tự đăng lính và ra chiến trường, anh muốn tìm cái chết sau khi bị tình phụ. Là trưởng nam, anh buộc phải cưới vợ. Phần sau chắc chị không cần tôi kể nữa…

Tim chị bỗng nhói lên. Sao mà chị thấy ganh tỵ với cách họ quan tâm cô Lan quá. Nếu chị bị bệnh liệu họ có lo lắng, thăm hỏi như từng quan tâm cô Lan không? Nếu chị thất nghiệp hay làm ăn thất bại liệu ba anh có ra vào thở dài như khi cô Lan bị ế một mâm bánh?

Tiếng xe ngừng ngoài cổng. Anh và mẹ cùng vào. Đôi mắt mẹ anh đỏ hoe và vào phòng ngay. Chồng chị nhẹ nhàng hỏi chị ăn cơm chưa. Chị gắng gượng mỉm cười nói chưa ăn, chờ anh về cùng ăn với mọi người. Chị hâm thức ăn và thong thả dọn cơm ra bàn. Anh đã lên lầu từ lúc nào.

Chị là con một trong gia đình khá giả. Mẹ chị có sạp vải tại chợ An Đông. Là học sinh trường nữ trung học, cơ hội tiếp xúc cùng bạn nam hầu như không có cho đến khi chị đậu tú tài hai và ghi danh Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Một bạn hàng của mẹ đã mai mối chị cùng cháu của bà. Theo bà, thằng cháu là sĩ quan bộ binh, là con trưởng, gia đình muốn tìm một cô con dâu ngoan hiền để có cháu bồng bế.

Ngày anh ra mắt, cả gia đình chị đều hài lòng ở nét khôi ngô và cử chỉ lịch thiệp, lời nói lễ độ. Chị cũng không mong gì hơn và xem anh là mối tình đầu cũng là tình cuối của mình. Sau đám cưới, anh miệt mài ngoài chiến trường. Còn chị cũng kịp sinh cho anh đứa con gái xinh đẹp. Anh đúng là người cha gương mẫu, người chồng mẫu mực, không hút thuốc, không uống rượu, chăm lo gia đình chu đáo. Giờ đây chị đã hiểu những ánh mắt xa vắng hay tiếng thở dài đầy u uẩn của anh.

hoavan_truyen

Chị nhè nhẹ lên lầu, vào phòng. Quả nhiên, anh đang ngồi thừ người. Chị đến ngồi cạnh anh:

– Cô Đào có kể em nghe chị Lan là tình đầu của anh. Bây giờ em mới biết anh thường chở em từ nhà đi thẳng ra ngã tư. Sau này, anh luôn quẹo hẻm để ra đường. Anh sợ gặp chị Lan phải không?

– Đúng, anh sợ gặp Lan. Anh không muốn Lan thấy chúng ta hạnh phúc, thấy cảnh gia đình ta sung sướng ấm no và em có cuộc sống thảnh thơi hơn Lan rất nhiều. Em có bằng cấp, là công nhân viên nhà nước lại có gia đình hai bên khá giả. Nếu Lan bỏ anh mà có cuộc sống sung sướng, có lẽ anh không bận tâm gì. Đằng này cuộc sống của Lan quá cực khổ, một mình nuôi bầy con, dãi nắng dầm mưa. Quả thật, anh đau lòng lắm. Lòng anh sẽ đau hơn nếu bắt gặp đôi mắt đầy tự ti, đau đớn của Lan nhìn vợ chồng mình.

Nuốt nước bọt, anh tiếp:

– Ai cũng có một quá khứ. Có thể là đau buồn hay hạnh phúc. Quá khứ của anh thật đẹp với mối tình tuổi học trò, nhưng cũng đầy chua chát khi Lan bỏ anh lấy chồng. Tất cả đã là quá khứ rồi. Anh mong em tha thứ cho anh.

– Anh có làm gì khiến em buồn đâu mà phải tha thứ. Thực lòng, sống cùng anh, em thật hạnh phúc. Em cám ơn định mệnh đã mang anh đến với em.

Anh choàng tay qua vai chị:

– Em hãy bình thường như chưa từng biết chuyện của anh và Lan. Ba mẹ anh thương yêu Lan như con, nhưng em mới thực sự là con dâu của gia đình.

– Em không quan tâm đến dĩ vãng đâu. Em vẫn đang rất hạnh phúc mà. Những gì gia đình anh và nhất là anh đối xử với cô Lan, em thật cảm kích. Em hãnh diện vì có một người chồng tốt, đầy nhân cách và sự tế nhị cảm thông như anh.

Có người nói hạnh phúc của người này đôi khi là bất hạnh của kẻ khác. Lòng chị dâng lên một niềm thương cảm. Chắc chắn cuộc sống anh sẽ tươi vui hơn dù chị biết ở góc nào đó của tim anh vẫn còn hình ảnh của cô Lan thuở học trò. Chị chỉ cần biết hiện tại và tương lai vẫn có anh trong đời là đủ.

Mục Truyện ngắn/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua