Cách thức tổ chức lớp học mới nhằm giúp học sinh rèn kỹ năng lãnh đạo, tham gia và hợp tác trong các hoạt động
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam, hay còn gọi là Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva, khởi nguồn từ Columbia. Theo đó, vào những năm 1995–2000, Columbia ứng dụng mô hình trường học mới này trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…
Điểm nổi bật của mô hình trường học mới này là đổi mới về các hoạt động sư phạm. Một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Chịu trách nhiệm quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, trong đó bao gồm các ban trong lớp do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm bầu chọn.
Qua đó, học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Cụ thể, các học sinh sẽ tổ chức bầu cử tự do để bầu ra Bộ máy Hội đồng tự quản học sinh, bao gồm: một Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh, hai phó Chủ tịch Hội đồng tự quản và các ban tham gia Hội đồng tự quản như Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khỏe, vệ sinh; Ban văn nghệ, thể dục; Ban thư viện; Ban đối ngoại…
Có thể nói, quá trình thành lập Hội đồng tự quản học sinh giúp các em hiểu được quá trình bầu cử tự do, công bằng và dân chủ của đất nước, của địa phương; giúp học sinh có thể nảy sinh đề xuất những ý tưởng mới của chính các em. Thông qua hoạt động này, học sinh tự giác hơn, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quản lý và chỉ đạo những công việc được giao.
Tiếp Thị Gia Đình