Trẻ kém hấp thu, dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Dù cho con ăn uống đầy đủ, bạn vẫn thấy con bị suy dinh dưỡng. Có thể trẻ gặp hội chứng kém hấp thu

Kém hấp thu là tình trạng cơ thể không có khả năng hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa vào dòng máu. Bình thường, quá trình tiêu hóa biến đổi các chất dinh dưỡng từ bữa ăn thành các đơn vị nhỏ hơn để qua được thành ruột và vào dòng máu. Từ máu, các chất dinh dưỡng này được vận chuyển đến các tế bào khác trong cơ thể.

Khi ruột thiếu các men tiêu hóa cần thiết hoặc bề mặt thành ruột bị tổn thương do tác nhân vi sinh (vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng), khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất bị giảm. Các chất dinh dưỡng không được hấp thu này sẽ mất qua phân.

Để sớm nhận biết tình trạng trẻ kém hấp thu và cách giải quyết, bạn hãy tham khảo ý kiến của tiến sỹ, bác sỹ Lâm Vĩnh Niên, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM.

NHẬN BIẾT TRẺ KÉM HẤP THU DINH DƯỠNG

Các biểu hiện và hậu quả của tình trạng trẻ kém hấp thu kéo dài gồm: đau bụng, ói mửa kéo dài; phân lỏng hoặc sệt, đi nhiều lần, lượng nhiều, có mùi hôi thối; hay mắc các bệnh nhiễm trùng; giảm cân, giảm khối mỡ và cơ (trẻ gầy đi); dễ bị bầm da khi va chạm nhẹ; gãy xương; da khô, phát ban, nổi vảy; thay đổi tính khí, chậm lớn và chậm tăng cân.

TÌM NGUYÊN NHÂN ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP

Trẻ kém hấp thu là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng. Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể do chế độ nuôi dưỡng không đủ lượng thức ăn, không đủ/không đúng loại thức ăn hoặc trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa khiến quá trình tiêu hóa và hấp thu gặp khó khăn. Trước khi đưa ra chế độ điều trị, bạn cần đưa con đến bác sỹ để xác định nguyên nhân cụ thể.

20150901-dinh-duong-tre-kem-hap-thu-01

1. Trẻ nhiễm siêu vi đường ruột, nhất là trường hợp nặng, có thể gặp tình trạng kém hấp thu 1 – 2 ngày. Tình trạng này ít khi kéo dài lâu hơn do bề mặt niêm mạc ruột có khả năng hồi phục nhanh. Tuy nhiên, nếu tình trạng kém hấp thu kéo dài hơn hoặc có từ hai biểu hiện ở trên, bạn cần đưa bé đến bác sỹ khám.

2. Ruột của trẻ hoạt động quá mức, trẻ có thể được cho thuốc để hạn chế tình trạng này, giúp chất dinh dưỡng có đủ thời gian để được hấp thu.

3. Thừa hoặc thiếu một chất cũng dẫn đến bất thường chuyển hóa khiến quá trình hấp thu các chất thay đổi. Ví dụ, chế độ ăn thiếu kẽm có thể dẫn đến chậm tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón… Bạn lo con thấp bé nên nôn nóng bổ sung thừa can-xi cho trẻ dẫn đến kém hấp thu sắt (cần cho tạo máu), kẽm, gây táo bón và ăn kém.

20150901-dinh-duong-tre-kem-hap-thu-lactose

4. Trẻ bất dung nạp đường lactose không nên sử dụng các sản phẩm sữa chứa lactose. Hiện có nhiều sản phẩm dinh dưỡng phù hợp cho người bất dung nạp đường lactose, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ dinh dưỡng để chọn sản phẩm phù hợp.

20150901-dinh-duong-tre-kem-hap-thu-mother

5. Dị ứng thức ăn cũng là nguyên nhân của kém hấp thu. Có người cho rằng phụ nữ có bệnh dị ứng cần tránh ăn thực phẩm gây dị ứng để phòng con mắc bệnh này. Tuy nhiên, việc tránh các chất gây dị ứng lúc mang thai hoặc cho con bú không làm giảm nguy cơ trẻ bị dị ứng mà có thể gây hại vì trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng. Do đó, khi mang thai, bạn vẫn ăn uống cân bằng và đủ chất.

CÁCH PHÒNG NGỪA

Mother Feeding Her Baby

Để phòng ngừa tình trạng trẻ kém hấp thu, bạn cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất sáu tháng tuổi. Nếu trẻ phải cai sữa mẹ sớm, bạn nên cho trẻ dùng sữa công thức thủy phân một phần. Trong loại sữa này, protein đã được cắt thành những phân tử nhỏ hơn, giúp phòng ngừa dị ứng sau này ở trẻ có nguy cơ cao. Tuy nhiên, không nên dùng sữa này nếu trẻ dị ứng sữa bò mà nên đưa trẻ đến bác sỹ khám. Ngoài ra, cho trẻ ăn thức ăn cứng trước bốn tháng tuổi làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn sau này.

ĐỊA CHỈ CHO BẠN

Nếu con có các biểu hiện kém hấp thu, bạn có thể đưa con đến các địa chỉ sau để khám:

• Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 48B Tăng Bạt Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

• Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đà Nẵng, 124 Hải Phòng, Thạch Thang, Đà Nẵng

• Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, 215 Hồng Bàng, P. 11, Q. 5, TP. HCM.

Mục Mẹ và con – Dinh dưỡng/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua