Cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng 6–2015, chị Xuân Ánh (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) không khỏi giật mình. Cũng với ngần ấy thiết bị điện mà tháng trước nhà chị trả hơn 900.000 đồng tiền điện, còn tháng này phi mã lên gần 1.600.000 đồng. Vì sao tiền điện đột ngột tăng vọt như thế và làm thế nào để cắt giảm hóa đơn tiền điện? Sau đây là vài điều bạn cần biết.
TIỀN ĐIỆN TÍNH THEO BẬC THANG LŨY TIẾN
Từ ngày 16–3–2015, giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% và được tính theo bậc thang lũy tiến. Cụ thể là có 6 bậc đối với điện dành cho sinh hoạt.
Ví dụ: Nếu nhà bạn dùng 250kWh thì số tiền được tính như sau:
(50 x 1.484) + (50 x 1.533) + (100 x 1.786) + (50 x 2.242) = 74.200 + 76.650 + 178.600 + 112.100 = 441.550 đồng (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng VAT).
Theo kết quả trên, có thể thấy số tiền bạn phải trả cho 50kWh sau cùng cao gấp rưỡi 50kWh đầu tiên. Do đó, nếu bạn tiết kiệm được 50kWh sau cùng thì sẽ giảm hóa đơn tiền điện đáng kể. Sau đây là một số cách giảm hóa đơn tiền điện đơn giản mà bạn có thể áp dụng.
1. Kiểm tra định kỳ các thiết bị điện và ngắt nguồn điện khi không sử dụng
Khi được bảo dưỡng thường xuyên hoặc thay mới, các thiết bị sẽ đạt hiệu quả tối ưu và không tiêu tốn nhiều điện. Cần lưu ý, nếu bạn chỉ tắt công tắc mà không ngắt nguồn thì thiết bị ấy vẫn còn tiêu tốn điện.
2. Sử dụng máy điều hòa đúng cách
Bạn nên chọn máy có công suất phù hợp với diện tích phòng. Mở máy ở nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là từ 25ºC trở lên, có thể bổ sung thêm một chiếc quạt gió. Máy điều hòa ngốn đến 1/2 hóa đơn tiền điện hàng tháng nên cần được vệ sinh thường xuyên (cách 3–4 tháng).
3. Dùng bóng đèn tiết kiệm điện cho thiết bị chiếu sáng
Trước tiên, bạn nên thay các bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact hoặc đèn LED. Tắt bớt đèn khi không cần dùng đến, dù chỉ trong một vài phút, và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, bạn không nên dùng chung một công tắc cho nhiều bóng đèn để tránh lãng phí.
4. Chọn dụng cụ nhà bếp đa năng
Khi chế biến thức ăn với bếp điện, không nên dùng nồi, chảo quá to so với lượng thức ăn cần nấu. Nồi hơi nhiều tầng là một cách chế biến thông minh, giúp bạn nấu nhiều món ăn cùng lúc. Có thể tắt bếp trước vài phút và đậy kín vung để giữ nhiệt khi cần thức ăn chín kỹ.
5. Tối ưu hóa công năng của máy giặt
Bạn nên gom nhiều quần áo cùng loại để giặt ở mức trọng lượng tối đa máy cho phép. Sử dụng lượng bột giặt và nước phù hợp cho từng chương trình giặt cũng giảm bớt lượng điện tiêu thụ. Nên vệ sinh máy giặt mỗi tháng một lần, giúp nước chảy dễ dàng và giảm hao phí điện năng.
6. Vệ sinh tủ lạnh
Nếu tủ lạnh nhà bạn không có chức năng tự xả đá, bạn hãy thường xuyên làm việc này để đảm bảo cho việc làm lạnh hiệu quả. Cửa tủ lạnh cần đóng kín, nếu không hơi lạnh sẽ thoát ra ngoài, tiêu tốn nhiều điện hơn. Hạn chế mở cửa tủ lạnh lâu và quá thường xuyên.
Mục Gia đình – Tài chính/Tiếp Thị Gia Đình