Ảnh chỉ nhằm mục đích minh họa
100 đô thị này là các thành phố lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đóng góp phần quan trọng vào GDP toàn cầu, lèo lái tăng trưởng kinh tế thế giới.
Cụ thể Brookings cho biết căn cứ vào chỉ số tăng trưởng thị trường lao động, GDP bình quân đầu người, chỉ số phân tích cho thấy 100 thành phố lớn nhất ở châu Á – Thái Bình Dương có tổng GDP năm 2014 đạt gần 22.000 tỷ đô-la Mỹ, đóng góp 20% GDP toàn cầu. Nếu các thành phố này hợp lại thành một quốc gia, nước này sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong số 100 thành phố này, có 7 thành phố thuộc Đông Nam Á gồm Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và TP. HCM (Việt Nam). Trung Quốc có tới 49 thành phố. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có 19 thành phố. Bắc Mỹ và Mỹ La-tinh có 12 thành phố. Úc và New Zealand có 6 thành phố.
Báo cáo theo dõi các đô thị châu Á Thái Bình Dương một lần nữa khẳng định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông và Nam, khi châu Á tiếp tục con đường phát triển thông qua đô thị hóa và công nghiệp hóa. Trung Quốc tiếp tục mở cửa và tăng trưởng. Bắc Mỹ tăng trưởng theo thế mạnh ngành công nghệ. Những lực đẩy này cùng với nỗ lực thúc đẩy quan hệ xuyên Thái Bình Dương của các chính phủ hình thành tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng ở các thành phố của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Được biết, vào tháng 5–2015, trong bảng xếp hạng của Oxford Economics, TP. HCM cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm đô thị có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Theo đó, TP. HCM đứng thứ 4 trên tổng số 10 thành phố. Trong bảng xếp hạng này, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia chiếm tới 9 vị trí.
Tiếp Thị Gia Đình