Những năm trước, thí sinh phải trải qua nhiều kỳ thi gồm tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng… thì nay tất cả có thể gộp làm một. Các cụm thi được giãn về các tỉnh chứ không còn tập trung ở thành phố lớn. Vì thế, ở Hà Nội và TP. HCM trong những ngày diễn ra kỳ thi chung, từ 1–7 đến 4–7, đã không còn cảnh đông đúc, hỗn loạn. Ghi nhận tại các cụm thi đã thấy bớt đi cảnh phụ huynh và thí sinh vất vả tay xách nách mang, nhiều nụ cười thoải mái đã nở trên môi. Bức tranh có phần tươi sáng hơn nhưng không phản ánh tất cả.
NHIỀU THÍ SINH VẪN PHẢI ĐI XA
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ những thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT (không dự tuyển vào đại học) tham gia thi ngay ở cụm thi địa phương, còn các thí sinh muốn dự tuyển vào đại học phải đi thi ở cụm thi liên tỉnh. Vì vậy, không ít thí sinh vẫn phải đổ đường lên thành phố hoặc tỉnh lân cận.
Tại điểm thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình gặp chị Trần Thị Hồng, quê ở Nam Định, ngồi thêu tranh trong lúc đợi con làm bài thi. Chị Hồng cho biết, để tránh cảnh tắc đường, mẹ con chị đã lên Hà Nội từ ngày 26–6.
“Tám gia đình trong xóm tôi đã chung nhau thuê một chuyến xe ô-tô hết 1,5 triệu đồng đưa các con lên Hà Nội thi. Lên đây, hai mẹ con thuê nhà nghỉ có điều hòa cho mát mẻ, giá 200.000 đồng/2 người/ ngày vì sợ nhà trọ nóng bức. Bố mẹ nghèo, đường xá xa xôi nhưng vẫn phải đảm bảo con đi thi một cách thoải mái, an toàn nhất có thể. Tối hôm trước, cháu nói với tôi “Con run lắm” vì thi tốt nghiệp gộp chung với thi đại học chứ không tách ra như mọi năm. Tôi dự định cháu thi xong hai mẹ con sẽ bắt xe khách về luôn để khỏi tốn tiền ăn ở”, chị Hồng giãi bày.
Cũng chung cảnh đường xá xa xôi, nhưng em Phạm Thị Nhung không có người thân đi cùng. Một mình Nhung bắt xe khách từ Trực Ninh (Nam Định) lên Hà Nội từ sáng sớm ngày 30–6 làm thủ tục dự thi. Em lo lắng vô cùng vì không biết nơi ăn chốn ở ra sao. Cô học trò nhỏ lên Hà Nội với hơn 600.000 đồng là tiền dành dụm nhiều tháng trời từ tiền công rửa xe máy.
Nhung kể rằng, khi em học lớp 11, mẹ em bị bệnh nặng bỏ nhà đi cả năm trời. Thế rồi mẹ cũng trở về, nhưng người tiều tụy, gầy rộc. Ba năm sau ngày mẹ mắc bệnh, bố Nhung cũng bỏ nhà ra đi, đến giờ vẫn bặt vô âm tín. Gánh nặng mưu sinh dồn cả lên đôi vai gầy của Nhung. Nhiều người khuyên Nhung nên bỏ học để đi làm kiếm sống. “Nhưng em vẫn muốn đi thi để khẳng định 12 năm đèn sách của mình và biết đâu, có thể thay đổi cuộc sống nghèo khó”, Nhung hy vọng.
Ngay từ bến xe Giáp Bát, Nhung được các tình nguyện viên đưa về ký túc xá Đại học Mỏ – Địa chất ổn định chỗ ăn ở. Mùa thi này, Nhung đăng ký dự thi bốn môn toán, văn, tiếng Anh, hóa. Để tiết kiệm chi phí, em xác định thi xong sẽ về quê luôn.
Chị Mộng Lành, ở Bình Dương, thay anh trai đưa đón, chăm sóc cho cô cháu gái từ Vũng Tàu lên TP. HCM dự kỳ thi THPT quốc gia. Chị kể: “Bốn hôm trước ngày thi đầu tiên, Yến Nhi đã từ Vũng Tàu lên Sài Gòn. Hai ngày trước kỳ thi, cô cháu tôi mới vào ở trong ký túc xá Đại học Sư phạm. Sáng nay, dù gần điểm thi nhưng khoảng 6 giờ, hai cô cháu đã có mặt ở trường thi”.
Một thí sinh ở Đức Hòa, Long An, lên thi ở điểm thi trường Trần Bội Cơ, TP. HCM, nhận xét: “Tính ra, khi tổ chức thi THPT quốc gia, các bạn ở thành phố được lợi còn thí sinh ở tỉnh như tụi em vẫn phải đi lại vất vả chẳng khác gì mấy anh chị trong các kỳ thi đại học những năm trước. Tụi em đâu được thi ở tỉnh nhà mà có người phải sang Đồng Tháp, có người lên thi trên thành phố”.
LO NGẠI KHÔNG CÔNG BẰNG
Kết thúc các môn thi, phần lớn thí sinh đều cho rằng các đề thi năm nay có tính phân loại cao. Có nhóm câu hỏi để đảm bảo học sinh trung bình đậu tốt nghiệp nhưng cũng có cả câu hỏi khó để tuyển thí sinh vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, do điểm xét tốt nghiệp và tuyển vào đại học có tính cả điểm trung bình lớp 12 hoặc 5 học kỳ cấp ba nên nhiều thí sinh và phụ huynh lo ngại kết quả đánh giá không có sự công bằng.
Một phụ huynh, vốn là giáo viên cấp hai, nhận xét: “Nếu so sánh việc thi đại học với việc xét tuyển, tôi thấy xét tuyển như năm nay giúp các em đỡ phải thi nhiều lần nhưng sẽ khó tìm được nhân tài thực sự giỏi giống như thi đại học các năm trước đây. Điều này cũng dễ tạo ra sự không công bằng với tất cả thí sinh. Là cô giáo tôi biết, điểm trung bình cả năm cao không khó vì các thầy cô địa phương thường muốn tạo cơ hội cho học sinh, rất dễ cho điểm cao. Cũng một bài văn, giáo viên ở địa phương có thể chấm 9 điểm nhưng với những trường khắt khe như trường chuyên, học thật, điểm thật, bài văn đó có thể chỉ đạt 6–7 điểm thôi. Kết quả những bài kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến điểm trung bình cả năm. Vậy thì chẳng phải không công bằng với các em hay sao? Tôi cũng đang băn khoăn, có em thi bốn môn, có em thi tám môn, vậy việc xét tuyển thủ khoa năm nay nên căn cứ như thế nào để chọn ra các em xuất sắc nhất?”
Một thí sinh ở Vũng Tàu bày tỏ: “Với các môn thi, em đã làm hết sức mình và cảm thấy mình làm tốt. Tuy nhiên, em chỉ sợ, khi chia ra nhiều cụm thi như năm nay, liệu việc coi thi và chấm thi có đảm bảo chặt chẽ, công bằng không? Em chỉ sợ khi có lỏng lẻo, những bạn nỗ lực hết mức như em cũng không có kết quả tốt bằng các bạn giỏi gian lận”.
CÁCH LÀM NHIỀU BẤT CẬP
Theo dõi cuộc thi THPT quốc gia năm nay, thầy Trần Hoàng, giảng viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm TP. HCM, bày tỏ bức xúc trên trang Facebook cá nhân: “Học thì phải có thi cử, đánh giá, đó là sự bình thường. Nhưng có lẽ chẳng ở đâu mà việc thi cử nó nhiêu khê, tốn kém như ở nước ta. Đành rằng năm nay có cải tiến là giảm bớt một kỳ thi tốt nghiệp vô bổ, nhưng cách làm nó vẫn… thế nào ấy! Thi tốt nghiệp THPT mà huy động cả hệ thống đại học vào cuộc, y như một kỳ thi đại học toàn quốc nhưng quy mô thì lớn hơn nhiều vì học sinh lớp 12 nào cũng phải đi thi, tập trung theo các cụm”.
Trao đổi với Tiếp Thị Gia Đình, thầy Hoàng phân tích: “Tôi nghĩ, kỳ thi THPT quốc gia này chỉ là giải pháp tạm thời trong giai đoạn chuyển giao chứ không thể diễn ra lâu dài vì nó… nhiều bất cập quá. Trước hết, hình thức thi tập trung theo quy mô cụm năm nay cũng là kiểu thi tuyển sinh đại học năm rồi với quy mô có phần hẹp hơn do tăng thêm điểm thi mà thôi. Các em ở tỉnh vẫn phải tay xách nách mang đi sang tỉnh lân cận để thi. Bao nhiêu là vấn nạn xung quanh chuyện “tha phương ứng thí” này!
Thứ hai, khi xét tuyển, ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học sẽ căn cứ thêm vào hạnh kiểm, điểm trung bình học kỳ suốt ba năm cấp THPT. Như vậy, ta có thể đã gián tiếp tiếp tay cho sự thiên vị, mất công bằng ở trường THPT và cho cả việc dạy thêm, học thêm ở cấp THPT mà ta đang muốn “khai tử”.
Thứ ba, kể cả khi gộp cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thành một kỳ thi chung, theo tiêu chí xét tuyển của một số trường đại học (mà có lẽ không ít trường sẽ có thêm “rào cản” nhằm nâng tầm “thương hiệu” này!), thí sinh vẫn phải tham gia một cuộc thi thứ hai dưới những cái tên khác nhau như thi năng khiếu, khảo sát năng lực tư duy… Như vậy, chẳng phải các em vẫn phải thêm một lần thi vào đại học đấy sao?
Điển hình như trường Đại học quốc gia Hà Nội sẽ yêu cầu thí sinh làm một bài đánh giá năng lực 195 phút với nội dung tổng hợp. Theo tôi, việc “khảo sát năng lực” bổ sung sau kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông này chỉ nên áp dụng đối với một số chuyên ngành đặc thù, cần kén chọn người học, bằng không, nó cũng giống như các loại “giấy phép con” đang bị xã hội lên án hiện nay!
Nói tóm lại, tôi cho rằng học sinh học xong THPT nên được tổ chức thi cử bình thường theo địa bàn, ai đủ điều kiện sẽ được cấp bằng tốt nghiệp tú tài giống như cái bằng lái xe để họ có quyền “tham gia giao thông”! Ở đại học, nên giao cho các trường đại học tự chủ theo đúng Luật Giáo dục và các quy định của nhà nước. Trường nào thấy cần thi tuyển cứ tổ chức thi tuyển, trường nào không cần thì xét tuyển, thậm chí cho ghi danh học tự do để nâng cao dân trí nhưng phải siết chặt đầu ra, đảm bảo chuẩn trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Việc đổi mới giáo dục phải thay đổi từ gốc, từ việc dạy – học và đánh giá chứ không nên chỉ thay đổi phần ngọn như hiện nay…”.
VẪN SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾP SỨC MÙA THI
Những ngày diễn ra kỳ thi trùng với đợt nắng nóng đỉnh điểm, lên tới 40°C. Đường phố thủ đô Hà Nội nóng ran không khác gì một cái “lò nướng”. Dưới cái nắng chói chang, gay gắt ấy, những chiến sỹ áo xanh tình nguyện vẫn căng mình hỗ trợ sỹ tử và phụ huynh. Họ nắm tay nhau kết thành một “dải phân cách sống” để phân luồng, tránh ùn tắc trên mọi nẻo đường. Những suất cơm thiện nguyện, cốc trà đá mát lạnh, những chiếc quạt nhựa, tấm bản đồ chỉ đường được đưa tận tay phụ huynh.
Chỉ cao 1,3m vì bị đột biến gen, nhưng bạn Nguyễn Lê Quang (sinh viên năm 2, trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) vẫn hăng hái dẫn đường cho nhiều phụ huynh và sỹ tử. Mấy năm trước, khi từ Thái Bình đến Hà Nội thi đại học, Quang đã được các anh chị sinh viên tình nguyện giúp đỡ rất nhiều và sau khi trở thành sinh viên, Quang rất muốn mang niềm vui, sự an tâm đó đến với các sỹ tử.
Trước cổng trường Trần Bội Cơ, TP. HCM, có hai thùng sinh tố đậu xanh, đậu đỏ Madam Bean của Công ty Nhật Lan Hoa phát miễn phí cho sỹ tử. Anh Hùng, nhân viên công ty, chia sẻ: “Công ty tôi đã tặng 40.000 hộp thức uống ngũ cốc Madam Bean cho sỹ tử của 24 điểm thi khu vực TP. HCM. Đây là món quà nhỏ thay cho lời chúc các em “thi đâu đậu đó” để bõ công đèn sách suốt 12 năm”.
THÔNG TIN THÊM
♦ Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia cụm thi THPT Quốc gia gồm hai loại gồm: 38 cụm thi liên tỉnh dành cho thí sinh có mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học và 65 cụm thi địa phương trên cả nước để phục vụ những thí sinh chỉ có mục đích xét tốt nghiệp. Học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi tại cụm thi gần nơi đang theo học; thí sinh tự do có thể đăng ký dự thi tại cụm thi THPT quốc gia thuận tiện cho việc di chuyển của mình theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
♦ Hà Nội có 8 cụm thi liên tỉnh, dành cho thí sinh các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam (gần 120.000 thí sinh). TP. HCM có 8 cụm thi liên tỉnh, dành cho thí sinh các tỉnh thành TP. HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (hơn 200.000 thí sinh).
♦ Hầu hết các trường đại học, cao đẳng (trừ Đại học Quốc gia Hà Nội) xét tuyển đầu vào theo điểm số các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia (chỉ lấy ba môn thuộc khối thi) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Như trường Đại học Quốc gia TP. HCM yêu cầu thí sinh phải đạt điểm trung bình lớp 12 từ 6,5 và hạnh kiểm khá.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình