Hy Lạp trên bờ vực vỡ nợ

Nhiều ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đầy ắp thông tin Hy Lạp có khả năng bị vỡ nợ. Vậy khi một quốc gia sắp vỡ nợ, những diễn biến gì sẽ xảy ra?

Người dân Hy Lạp xếp hàng trước thùng ATM để rút tiền 

Một chính phủ được xem là vỡ nợ khi không thể trả tiền vay đúng hạn, bị hạn chế khả năng vay vốn quốc tế và sẽ phải tái cấu trúc nợ nếu muốn quay lại thị trường. Vỡ nợ có thể là thời kỳ rất đau đớn với các quốc gia. Người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo nội tệ mất giá nên sẽ đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển chúng ra nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này và chống nội tệ mất giá, chính phủ sẽ đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.

Như trong trường hợp của Hy Lạp, người dân nước này đã liên tục rút tiền gửi trước hạn khỏi hệ thống ngân hàng nước này chỉ tính trong ngày thứ Sáu (19–6) là 1,2 tỷ euro, đưa con số rút từ đầu tuần lên 4,2 tỷ euro. Vì vậy, chính phủ Hy Lạp đã đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong một tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày và các giao dịch thanh toán với nước ngoài.

Bộ ba chủ nợ của Hy Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) từ chối bản kế hoạch gia hạn gói cứu trợ thêm một tháng mà Hy Lạp đề xuất, đẩy Hy Lạp tới gần hơn nguy cơ vỡ nợ.

Nếu tình hình xấu xảy ra, bị vỡ nợ, Hy Lạp sẽ khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Các doanh nghiệp và cá nhân cũng khó vay vốn nước ngoài. Khi một nền kinh tế vỡ nợ, tức là họ đã đóng cửa và phải dựa vào bản thân. Bên cạnh đó, nếu vỡ nợ, Hy Lạp có thể phải rời eurozone gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế châu Âu và thế giới.

Tại cuộc gặp với các chủ nợ tại Brussels (Bỉ), các chủ nợ đưa ra đề nghị kéo dài thời gian cứu trợ cho Hy Lạp thêm năm tháng. Đề nghị này cũng bao gồm việc giải phóng khoản vay trị giá 15 tỷ euro cho nước này, trong đó có khoảng 1,8 tỷ có thể sử dụng ngay. Ngược lại, phía Hy Lạp phải chấp nhận tái cơ cấu, với các điều khoản sẽ được thảo luận trong cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính châu Âu. Tuy nhiên, việc thương lượng giữa hai bên hiện vẫn bế tắc khi Hy Lạp cương quyết từ chối việc điều chỉnh quỹ hưu trí và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Vì vậy, Hy Lạp sẽ thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 5–7 sắp tới.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua