9 bí quyết tiết kiệm chi tiêu hàng tháng

Tiết kiệm chi tiêu không phải là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta phải thật sự thay đổi lối sống về nhiều mặt. Vậy làm thế nào để có khoản tích lũy đáng kể? Mời bạn tham khảo 9 bí quyết sau

Có nhiều mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải tiết kiệm trong từng giai đoạn cuộc sống như tích lũy khoản dự phòng rủi ro (đủ chi tiêu cho 6 tháng trở lên), sửa nhà, lo tiền học sau này cho con, để có vốn đầu tư… Để tích lũy từ hôm nay, 9 bí quyết tiết kiệm chi tiêu sau hy vọng có thể làm kim chỉ nam cho bạn.

DẸP LÒNG KIÊU HÃNH ĐỂ SỐNG MỨC TỐI THIỂU

Bạn hãy xác định là mình phải bỏ đi ham muốn đối với những thứ xa xỉ. Thay vì vay mượn để tậu một chiếc xe hạng sang, bạn nên sử dụng chiếc xe cũ vẫn còn chạy tốt. Trang phục tươm tất là được chứ không cần hàng hiệu. Còn du lịch ư? Cần hạn chế hết mức.

QUYẾT ĐỊNH PHẢI ĐỂ DÀNH BAO NHIÊU

Chúng ta cần đặt ra mục tiêu rõ ràng và khả thi, tùy theo thu nhập, chi tiêu và “ý chí” tiết kiệm. Không có con số hoàn hảo, nhưng ít nhất phải chiếm khoảng 10–15% thu nhập thực lãnh. Tiền lương mỗi tháng, bạn nên trích phần để dành ra trước, còn lại mới dùng cho chi tiêu.

CHI TIÊU VỚI SỐ TIỀN CÒN LẠI

Chị Mỹ Hạnh, ở Q. 3, TP. HCM, chia sẻ: “Thu nhập của vợ chồng tôi là 30 triệu đồng/tháng. Chúng tôi muốn để dành 180 triệu đồng/năm để sau vài năm sẽ mua nhà nên mỗi tháng để riêng 15 triệu đồng. Vợ chồng bảo nhau xem như mình chỉ kiếm được 15 triệu đồng/ tháng và chi tiêu trong phạm vi đó thôi”.

TĂNG 50% THU NHẬP BẰNG CÁCH GIẢM MỘT NỬA CHI PHÍ

Trước tiên, bạn cần liệt kê tất cả các khoản chi tiêu trong nhà để xác định có thể cắt hẳn những khoản nào không thật sự cần thiết và những khoản nào thì tìm cách giảm bớt chi phí. Chẳng hạn, chọn gói dịch vụ truyền hình và Internet ít tiền hơn, ăn sáng tại nhà và mang cơm theo lên cơ quan để ăn trưa…

TIỀN NHÀ KHÔNG VƯỢT QUÁ 25% TỔNG CHI

Nếu xét theo trường hợp vợ chồng chị Mỹ Hạnh thì tiền thuê nhà mỗi tháng không được vượt quá 3.750.000 đồng (25% của 15 triệu đồng). Thực tế, hai vợ chồng chị và đứa con nhỏ sống trong một căn hộ thuê diện tích chỉ có 30m 2 với giá 3 triệu đồng/tháng.

CÓ THỂ MẤT VÀI NGƯỜI BẠN

Sẽ có một vài người bạn có thể không hiểu những cam kết tài chính bạn đang đặt ra cho mình để đảm bảo tương lai. Họ sẽ thắc mắc hoặc nói ra, nói vào, bạn đừng bận tâm. Biết đâu sau này, họ lại nhờ bạn chia sẻ bí quyết đấy.

20150630_taichinh_9-bi-quyet-tiet-kiem-chi-tieu-hang-thang

CHỌN MỘT NGƯỜI GIÁM SÁT

Chị Thanh Vân, ở Q. Gò Vấp, TP. HCM, đã để dành được 360 triệu đồng trong ba năm. Mỗi cuối tháng, chị Vân đều cho người chị ruột xem tiền mình đã để dành. Nếu cuối tháng 1 là 10 triệu đồng thì cuối tháng 2 phải là 20 triệu. Việc có người giám sát buộc chị phải kiên định với cam kết đã đưa ra.

ĐỪNG ĐUA ĐÒI

Sự hào nhoáng của một số người có thể chỉ là khoe mẽ bề ngoài. Biết đâu họ đang nợ nần chồng chất hoặc lương tháng nào “xào” tháng ấy. Khi gặp gỡ những đối tượng này, bạn đừng bị áp lực phải tiêu xài như họ nhé.

TỰ THƯỞNG CHO MÌNH

Tiết kiệm không có nghĩa là hoàn toàn ép xác. Khoảng đôi ba tháng, bạn nên tự thưởng cho mình một khoản tiêu xài nho nhỏ. Việc này có thể xem như một liệu pháp thư giãn tinh thần.

Mục Gia đình − Tài chính/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua