Một thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở các nước châu Á ngày càng tăng. Trong đó, ở Việt Nam, theo số liệu của ngành tòa án TP. HCM, hiện có khoảng 40% hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, tăng gấp đôi so với năm 1998.
Trước những báo động đáng kể về hôn nhân có nguy cơ tan vỡ, chúng ta hãy cùng tham khảo những câu chuyện của những người từng tan vỡ chia sẻ để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
DẤU HIỆU RẠN NỨT
1. Mọi dự định về tương lai đều không có sự hiện diện của anh ấy: Đó là trường hợp của chị Kiều Trinh (Q. 3, TP. HCM). Chị nhớ lại: “Khi tôi mang thai đứa thứ hai, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc làm mẹ của hai đứa trẻ sẽ như thế nào. Vào thời điểm đó, chồng tôi thường xuyên bận rộn với những cuộc họp, gặp gỡ khách hàng và đi công tác. Sau một thời gian dài, cuộc sống của cả hai dường như không còn kết nối và kết quả là ai lo việc nấy. Cuối cùng, chúng tôi đã chia tay”.
2. Ngừng chia sẻ: “Chúng tôi quá đam mê sự nghiệp mà bỏ bê việc vun đắp tình cảm. Chuyện bắt đầu khi công việc của tôi trở nên thuận lợi và được thăng chức. Từ đó, tôi nỗ lực phấn đấu và cống hiến. Chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi dần dần không còn thời gian cho nhau. Những cuộc nói chuyện ngày càng thưa thớt, vì chúng tôi không còn điểm chung. Khi tôi nhận ra điều này thì chúng tôi đã sống hai cuộc sống khác”, chị Nguyên Hồng, Q. Bình Tân, TP. HCM, chia sẻ.
3. Con cái hỏi về việc chia tay: “Bỗng một ngày, con gái 10 tuổi của tôi nói: “Nếu ba mẹ chia tay thì con sống với mẹ nhé!”. Tôi lập tức trấn an con rằng không có chuyện đó đâu. Tuy nhiên, đây lại là dự báo về kết quả của một cuộc hôn nhân luôn căng thẳng và tranh cãi. Con bé đã thấy được những bất ổn trong cuộc sống của vợ chồng tôi”, chị Minh Ngọc, Hà Nội, nói.
4. Tôi luôn không hài lòng về anh ấy: “Tôi và anh ấy đã trải qua cuộc sống nhiều căng thẳng và bất đồng. Tôi luôn luôn tìm được lý do để chỉ trích anh ấy. Tuy nhiên, khi tôi cảm thấy không còn giận dữ và nhìn chồng chẳng khác những người ngoài, đó là lúc tôi biết chúng tôi đã không thể bước đi chung một đường”, chị Bích Liên, Hải Phòng, thổ lộ.
5. Tôi muốn chồng biết mình có người khác: “Có khoảng thời gian tôi gặp gỡ và nói chuyện tình cảm với những người đàn ông khác. Tôi không giấu diếm mà cố để bằng chứng cho chồng phát hiện như để điện thoại trên bàn, mở sẵn Facebook… Tôi biết mình đang chán nản và chán chồng. Đó là lúc tôi biết mình cần xem xét lại cuộc hôn nhân này”, chị Túy Lan, Q. Thủ Đức, kể.
CÁC CHUYÊN GIA VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH NÓI GÌ?
Sự chán nản là cảm xúc của cá nhân nên điều đó không có nghĩa là hôn nhân của bạn có vấn đề khi chẳng may một trong hai người có những cảm xúc bất ổn. Tuy nhiên, những cảm xúc hay suy nghĩ khác thường sẽ là dấu hiệu cảnh báo để cả hai xem xét một cách nghiêm túc tình cảm vợ chồng. Dưới đây là năm bước mà những nhà tâm lý tập hợp để bạn cân nhắc về chuyện tương lai.
1. Nói chuyện với chồng: Khi có những cảm xúc bất ổn về đối phương, bạn thường muốn tâm sự, song bạn sẽ không nhận được lời khuyên khách quan từ bạn bè và người thân. Vì vậy, tốt nhất bạn tâm sự với chồng về những cảm xúc không vui ấy. Khi đó, bạn sẽ có được cuộc trò chuyện chân thật về cả cảm xúc, mong muốn của bản thân và của chồng để có hướng đi tiếp theo.
2. Cần thêm thời gian: Theo tiến sỹ tâm lý Deborah Hecker, tác giải cuốn Who Am I Without My Partner? thì quyết định ly hôn thường xảy ra vào những giai đoạn có sự thay đổi lớn của đời sống vợ chồng như có con, thay đổi công việc, chuyển nhà… Nếu bạn và chồng cũng đang gặp vướng mắc vì những thay đổi ấy, hãy cho bản thân và gia đình thời gian để thích nghi và thay đổi.
3. Đi tìm lời khuyên: Gặp chuyên gia tư vấn hay một người trung gian thứ ba có thể có ích cho bạn. Ly hôn là chuyện không ai muốn, nhưng đôi khi chuyện chia tay là cách giải quyết tốt nhất cho cả hai. Vì vậy, người tư vấn bạn cần không phải là người để giải hòa mà là người có thể thấu hiểu cảm xúc và vấn đề của vợ chồng bạn và cho lời khuyên hợp lý nhất.
4. Thực tế: Ly hôn thực là một giải pháp bất khả kháng. Nhưng một khi chọn giải pháp này, bạn phải chắc rằng mình có những lý lẽ thuyết phục cho quyết định này. Một khi bạn đã chọn lựa giải pháp này, hãy nhìn vào thực tế. Vấn đề bạn cần chính là tài chính và bạn nên nghĩ đến những thỏa thuận này.
5. Cởi mở với cảm xúc: Sẽ có lúc, bạn thấy ly hôn là một chọn lựa khó khăn. Đôi lúc, bạn thấy mọi chuyện ổn. Sự mâu thuẫn trong suy nghĩ này là bình thường. Vì thế, bạn cần một người thứ ba để lắng nghe, chia sẻ. Sau khi có những tác động tâm lý từ một người thứ ba, rất có thể bạn sẽ sắp xếp được cảm xúc và đi đến quyết định tốt nhất. Hôn nhân mong manh nên đòi hỏi sự yêu thương và trân trọng từ hai phía Con trẻ cảm nhận được sự bất ổn trong tình cảm của bố mẹ Khi đã lựa chọn giaỉ pháp ly hôn, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần vững vàng.
Đọc thêm: 7 điều bạn cần thực hiện trước khi ly hôn
Mục Gia đình – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình