Em bé Napalm ngày ấy, bây giờ

Phan Thị Kim Phúc – em bé Napalm ngày ấy trong bức ảnh nổi tiếng đoạt giải Pulitzer của Nick Út năm 1972, bây giờ đang định định cư tại Canada và tích cực hoạt động vì cộng đồng

Bức ảnh em bé Napalm nổi tiếng đoạt giải Pulitzer 

Với bức ảnh bé gái 9 tuổi trần truồng chạy bán sống bán chết sau cuộc đánh bom ở Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8−6−1972, phóng viên ảnh Nick Út đã đoạt giải Pulitzer còn cô bé Napalm trong bức ảnh – Phan Thị Kim Phúc, trở thành nạn nhân chiến tranh nổi tiếng.

Kim Phúc cho biết: “Ban đầu, cô ghét bức ảnh. Nó làm cô xấu hổ. Và công chúng quan tâm quá nhiều. Lúc đó, với cô, bức ảnh là chuyện cá nhân: Nó ghi lại một khoảnh khắc khủng khiếp – gương mặt cô như đóng băng lại vì đau đớn khi bị bom napalm làm cháy và làm biến dạng mình trong suốt cuộc đời”.

Rõ ràng không ai có thể đổ lỗi cho Phúc nếu cô cố gắng tránh xa bức ảnh. Tuy nhiên, cô không làm vậy.

TÔI CÓ THỂ SONG HÀNH VỚI BỨC ẢNH ẤY VÌ HÒA BÌNH

Sau cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng, Phúc nhận ra rằng nếu nỗi đau và sự sợ hãi của cô không được lưu lại vào cuộn phim ngày hôm ấy, thì việc ném bom cũng như nhiều hình thức tra tấn kinh dị khác của chiến tranh – có thể sẽ còn rất nhiều trong lịch sử.

Cô bắt đầu nghĩ về những gì bức ảnh có thể mang đến hơn là những gì nó có thể lấy đi.

Cuối cùng, bức ảnh em bé Napalm vượt ra ngoài một khoảnh khắc – nó trở thành cái mà cô gọi là đường đến hòa bình.

“Tôi nhận ra rằng nếu tôi không thể thoát khỏi bức ảnh ấy thì tôi muốn đồng hành với nó vì hòa bình. Và đó là lựa chọn của tôi”, Kim Phúc tâm sự.

20150628_TieuDiem_EmbeNapalm_002

Bà Phan Thị Kim Phúc – em bé Napalm trong bức ảnh nổi tiếng năm 1972 là người sáng lập Quỹ từ thiện Kim Foundation International

 

Sau 43 năm, Kim Phúc giờ đã định cư ở Ajax, Ontario, Canada cùng chồng và hai con trai hai mươi năm nay. Có thể bạn khó mà nhận ra nỗi thống khổ và kinh hãi ngày nào trên gương mặt ấm áp, thoải mái và thu hút của Kim Phúc thì hiện tại. Phúc cho biết cô rất hạnh phúc trong ngôi nhà thứ hai này và may mắn là cha mẹ cô cũng đã đến Canada với gia đình nhỏ của cô.

Bên cạnh việc là một người mẹ, người vợ, cô còn là một cố vấn, đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc. Mỗi năm, cô đi đến nhiều nơi trên thế giới để thuật lại câu chuyện sống còn ấy để nâng cao nhận thức của mọi người về sự tàn khốc của chiến tranh.

Không chỉ làm việc với Liên Hợp Quốc, Kim Phúc còn thành lập Quỹ Kim Foundation International để cứu giúp những trẻ em là nạn nhân chiến tranh, cũng giống như cô cách đây nhiều năm. Tổ chức này giúp xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở cho trẻ em – những đứa trẻ mồ côi. Kim Phúc cho biết cô đã lên kế hoạch cống hiến cả đời vì sứ mệnh đó.

“Đó là lý do tôi biết ơn vì đã được xuất hiện trong bức ảnh và tôi sẽ song hành với bức ảnh ấy vì hòa bình”, Kim Phúc cho biết.

HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM SỰ BÌNH YÊN VÀ THA THỨ

Giờ thì Kim Phúc đã tìm thấy sự bình yên, tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng.

Năm 1972, Phúc sống ở một ngôi làng ở Trảng Bàng, Tây Ninh, phía Bắc Sài Gòn. Cô và gia đình mình đang trú ẩn trong một thánh thất thì nghe tiếng máy bay bay ngang qua. Sợ bị đánh bom, họ đã chạy ra ngoài tìm chỗ trú ẩn. Khi ấy, bom đã làm nổ toàn bộ thánh thất. Những trái bom đó rải đầy napalm, một chất lỏng dễ cháy bám chặt vào da người, là nguyên nhân gây nên những vết cháy khủng khiếp khi nó bắt lửa.

Phúc nhớ lại sức nóng và cơn đau vô cùng tận xảy đến với mình. Cô xé bỏ quần áo đang cháy ra khỏi cơ thể và cứ thế chạy.

Vài giây sau đó, phóng viên ảnh của tờ AP − Nick Út đã chụp được bức ảnh để đời. Khi ấy, Nick Út chỉ mới 21 tuổi và đang là phóng viên ảnh chiến tranh làm việc thời vụ.

“Tôi nhìn xuyên qua đám khói và tôi thấy cô gái, trần truồng… chạy”, Nick Út chia sẻ.

Bản năng mách bảo, anh bắt đầu chụp ảnh khi Phúc và những đứa trẻ khác chạy thẳng vào anh.

Khi Kim Phúc đến gần, Nick Út thấy nhiều mảng da của cô bé bắt đầu rơi ra. Cô đã xé quần áo để dập lửa. Chất napalm đã làm cháy xém phần cổ, hầu hết phần lưng và cánh tay trái của cô.

“Tôi nói: “Chúa ơi, con không tin là cô ấy bị cháy dữ như vậy”, Út nhớ lại. Tôi đặt máy ảnh xuống đường cao tốc và cố gắng giúp cô ấy”.

Nick Út đã dội nước lên vết thương và băng bó cho cô bằng chiếc áo khoác của mình. Anh đón Kim và những đứa trẻ khác lên xe tải đến bệnh viện.

Trên xe, cô ấy nói: “Cháu sắp chết, cháu sắp chết”. Tôi liên tục canh chừng cô bé. Tôi nói: Chú cháu mình sắp đến nơi rồi”.

Phúc điều trị hơn cả năm trong bệnh viện. Gia đình lo sợ là cô không sống được. Cô chịu quá nhiều vết thương sâu và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Cuối cùng, những vết thương trên cơ thể cũng dần hồi phục nhưng vết thương tâm hồn thì cứ dai dẳng. Phúc muốn biến mất. Thậm chí cô từng ước mình chết đi. Cô nghĩ nếu chết, cô sẽ không phải chịu đau về cả tinh thần, thể chất và cảm xúc.

Mang trong mình nỗi đau, em bé Napalm Kim Phúc ngày ấy bắt đầu đi tìm kiếm câu trả lời, tìm đến với nhiều cuốn Kinh thánh khác. Ở tuổi 19, cô trở thành tín đồ Cơ Đốc giáo và tìm được sự cứu rỗi. Cô muốn bước tiếp, muốn có con. “Và từ quan điểm đó, tôi học cách tha thứ”, Kim Phúc chia sẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua