Chọn trường cho con và những điều cần cân nhắc

Việc chọn trường cho con, đặc biệt là các năm đầu cấp đang là vấn đề của các bậc phụ huynh. Vậy cần xét theo tiêu chí nào khi chọn trường cho con: điều kiện kinh tế, môi trường học tập thoải mái hay áp lực hoặc khả năng, sở thích của con?

Còn một năm nữa, con gái mới vào lớp một nhưng vợ chồng chị Kim Thanh ở Q. Thủ Đức, TP. HCM, đã loay hoay đi tìm trường cho con. Chị tâm sự: “Trường học đúng tuyến chỉ cách nhà 300m, con có thể đi bộ đi học, nhưng mặt bằng dân trí ở đây thấp, ít có học sinh xuất sắc. Tôi muốn ngay từ lớp đầu cấp, con đã có môi trường học tập tốt nhất trong khả năng của hai vợ chồng”.

Chị Thanh mất nhiều ngày lên mạng tìm hiểu, hỏi thăm bạn bè có con học giỏi, nhưng đến giờ vẫn chưa chốt được phải cho con học trường nào trong các mô hình trường công, trường điểm, trường quốc tế…

TRƯỜNG CÔNG, TRƯỜNG THƯỜNG HAY TRƯỜNG ĐIỂM?

Với tổng thu nhập hơn 50 triệu đồng/ tháng, đủ khả năng “đua” cho con học ở những trường tư nhân, nhưng vợ chồng chị Trâm Loan, ở Q. 8, TP. HCM, vẫn chọn trường công bình thường cho hai con.

Chị lý giải: “Trước khi “chốt hạ” trường học cho con, tôi đã nghĩ đến trường quốc tế, vì nếu cố gắng, chúng tôi cũng có thể cho con theo học. Một người bạn của tôi nói rằng, môi trường học quốc tế lý tưởng ở chỗ thầy cô tôn trọng học trò, đối xử với các em như người lớn, các con được trang bị kỹ năng sống tốt, nhưng không đủ đòi hỏi và khắc nghiệt để buộc trẻ phải vươn lên, bước ra ngoài các giới hạn của mình. Con của người bạn ấy có vẻ không linh hoạt, lanh lợi bằng những bé học trường công phải cạnh tranh nhau khốc liệt. Ngoài ra, đâu phải cuộc sống lúc nào cũng trải hoa hồng. Tôi không chắc chắn sẽ luôn có kinh tế ổn định để chạy đua với mức học phí cao ngất ngưởng ở các trường quốc tế. Tôi rất sợ nếu phải chuyển con từ trường quốc tế về trường thường, con cảm thấy thất vọng, khó hòa nhập, dễ ảnh hưởng đến việc học tập”.

Nếu có điều kiện, không mấy phụ huynh chấp nhận cho con học trường công bình thường như chị Loan mà thường nhắm đến các trường điểm, trường đạt chuẩn cấp thành phố, cấp quốc gia.

Chị Hải Yến, ở Q. 3, TP. HCM, quyết tâm cho con vào học trường chuyên Trần Đại Nghĩa với quan điểm: “Muốn tăng khả năng học hỏi của con, nên đặt con vào môi trường có sự cạnh tranh. Học sinh vào được trường Trần Đại Nghĩa đều là học sinh giỏi, ham học, có ý chí. Giáo viên, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất như nguồn sách thư viện, trung tâm thể dục thể thao của nhà trường “ăn đứt” một số trường quốc tế. Khi chọn trường cho con, tôi không quan tâm là trường công hay trường quốc tế, mà chỉ chú ý đến những người thật việc thật đã bước ra từ ngôi trường ấy. Nói thật, đọc báo, bạn sẽ chẳng thấy có học trò nào trường quốc tế giành được học bổng danh giá, trong khi phần lớn các em giành được học bổng du học tại các trường danh tiếng thế giới đều học ở những trường chuyên như Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong… Mới đây, thấy tin một cựu học sinh chuyên văn ở Trần Đại Nghĩa giành được 13 học bổng của Mỹ, tôi càng thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình”.

VÌ HẠNH PHÚC CỦA CON

20150626-chon-truong-cho-con-2415-03

Các em nên có quyền tham gia vào quyết định chọn trường. Ảnh mang tính chất minh họa

Bỏ qua các yếu tố rèn luyện hay cạnh tranh, chị Ngọc Minh, ở Q. Tân Bình, TP. HCM, lại ưu tiên tiêu chí “hạnh phúc”.

Chị chia sẻ: “Con trai đầu của tôi học trường công đúng tuyến. Có lần đi thả diều cùng mẹ và em, thấy con vui cười, tôi hỏi: “Con có hạnh phúc không?”, con đáp: “Con không phải làm bài tập về nhà thì sẽ hạnh phúc”. Nghe mà thấy thương nhưng vì thằng bé vẫn học tốt, tính điềm đạm, chịu được áp lực nên tôi vẫn để con theo học.

Tính cách cậu con thứ hai sắp vào lớp một lại khác hẳn. Thằng bé là người của tự do, không quan tâm đến chuẩn mực, có vẻ rất cục, dễ gây hấn, hay đánh bạn. Nếu vào trường công, sớm muộn thằng bé sẽ thành học sinh cá biệt. Vì thế, tôi quyết định cho con học ở một trường mới áp dụng phương pháp Steiner.

Nhiều người bảo tôi liều, vì phương pháp này mới du nhập vào Việt Nam, chưa có chương trình xuyên suốt các cấp. Tôi thì nghĩ chỉ cần con được chơi cho đã thêm vài năm nữa, tập trung phát triển toàn bộ con người từ bàn tay, con tim đến khối óc thì quăng vào môi trường nào cũng sẽ thích ứng được. Mỗi bé phù hợp với một cách học khác nhau. Con tôi có tính cách khác biệt nên cần một môi trường phù hợp”.

THỬ NGHIỆM NHIỀU MÔ HÌNH KHÁC NHAU

Trường hợp của chị Nhã Uyên, ở Q. Bình Thạnh, TP. HCM, đặc biệt hơn cả. Các lớp 1–3, con chị Uyên học trường song ngữ, sau đó chuyển qua trường quốc tế học lớp 4 và 5. Đến khi con trai lớn vào lớp 6, xác định con sẽ thi vào Đại học Y Dược, chị lại chuyển con từ trường quốc tế về trường công để “bắt đầu hành trình “gò” cho con có đủ điều kiện thi vào đại học Việt Nam”.

Chị Nhã Uyên phân tích: “Ở Việt Nam hiện nay có ba loại trường. Thứ nhất là trường công, có hoặc không có tiếng Anh tăng cường, thi tốt nghiệp kiểu Việt Nam. Nếu học trường này, con thi đại học ở Việt Nam, cũng có thể đi du học nước ngoài nếu học thêm tiếng Anh bằng nhiều kiểu. Thứ hai là trường song ngữ, con trải qua 50% thời gian trong ngày tiếp xúc với tiếng Việt qua nhiều môn học theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và 50% thời gian còn lại sử dụng tiếng Anh. Con cũng thi tốt nghiệp kiểu Việt Nam nhưng có kèm với bằng cấp tiếng Anh, tùy theo mỗi trường. Bởi thế, nếu lựa chọn học song ngữ, con có thể thi đại học Việt Nam và có thể đi du học nước ngoài nếu thích. Tuy thế, học phí không hề rẻ.

Thứ ba là trường quốc tế, nơi thầy cô giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chương trình nhập khẩu 100%, đội ngũ giáo viên nước ngoài và bằng cấp cũng của nước ngoài. Con sẽ dễ hòa nhập vào các trường quốc tế, nhưng sẽ khó thi vào đại học ở Việt Nam.

Đã cho con trải qua đủ các loại hình trường, tôi nghĩ, không có hệ thống giáo dục nào vượt trội hơn hệ thống giáo dục nào. Mỗi loại hình đều có những mặt mạnh, điểm yếu khác nhau. Việc chọn ngôi trường phù hợp nhất phụ thuộc ở định hướng tương lai cho con và ngân sách dành cho giáo dục của gia đình”.

Khi nói về khả năng hòa nhập và tiếp thu của con, chị Uyên cười: “Con tôi vượt qua bài kiểm tra theo chương trình Việt Nam mới được vào trường công và giờ con vẫn học giỏi, hòa nhập tốt. Vì xác định mục tiêu từ đầu nên khi con đang học trường quốc tế ở cấp 1, tôi đã cho con học thêm chương trình toán và tiếng Việt”.

KHÔNG CÓ MỘT HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOÀN HẢO

20150626-chon-truong-cho-con-2415-02

Đồng tình với quan điểm không có hệ thống giáo dục nào vượt trội hơn cái nào, cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng trường tiểu học Hồng Ngọc, Q. Tân Phú, TP. HCM, phân tích: “Tôi đã từng làm quản lý ở hai trường: một trường công và giờ là trường tư dạy theo mô hình song ngữ. Đúng là mỗi môi trường đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Tuy nhiên, tiêu chí đầu tiên tôi xét đến khi chọn trường cho con không phải là mục tiêu mà là năng lực của con. Đã có không ít trường hợp phụ huynh tìm mọi cách cho con vào học trường điểm, trường chất lượng cao, nhưng rồi phải bỏ giữa đường vì con không thể theo kịp bạn. Càng bị thụt lùi, các em càng chán nản, căng thẳng, ghét việc đi học, thậm chí muốn bỏ học.

Hiện nay, phụ huynh thường là người quyết định chọn trường nào cho con theo học trong khi quyền quyết định đáng lẽ phải là chính các em. Theo tôi, cha mẹ nên khoanh vùng vài trường phù hợp với kinh tế gia đình rồi đưa các con đến tham quan cơ sở vật chất, việc học… Hãy hỏi con thích trường nào và cho con học theo sở thích. Khi được tự mình chọn, khi đã thích từ đầu, các em sẽ thích học và muốn học. Đó là điều kiện đầu tiên để các em đạt kết quả học tập tốt.

Cũng như thế giới, xu hướng giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang hướng đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, chứ không quan trọng điểm số, thành tích. Một số trường công ở Việt Nam đã bắt đầu đi theo hướng này, áp lực học tập giảm dần nhưng về đại trà vẫn chưa mạnh bằng các trường quốc tế, song ngữ. Để khắc phục điểm này, phụ huynh có thể cho con em học thêm kỹ năng sống và ngoại ngữ bên ngoài. Nếu không muốn học thêm và gia đình có điều kiện, môi trường song ngữ hoặc quốc tế là lựa chọn phù hợp”.

Có một số ý kiến cho rằng giáo dục cấp 1, cấp 2 nên bình đẳng cho mọi người. Từng nghiên cứu, so sánh về hệ thống giáo dục giữa nhiều nước, thạc sỹ tâm lý Đặng Phương, Giám đốc điều hành Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật (TP. HCM), cho biết: “Sự phân hóa thành nhiều loại hình trường ngay từ cấp 1, cấp 2 ở Việt Nam là điều hiển nhiên, tích cực, vì đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phụ huynh. Sự phân hóa này cũng tương tự ở các nước phát triển như Úc, Mỹ, Canada… nhưng lại khiến phụ huynh bối rối khi phải chọn trường cho con. Khi tư vấn qua tổng đài, chúng tôi gặp rất nhiều phụ huynh không tìm hiểu kỹ trường học mà chỉ chọn theo thương hiệu, theo lời đồn, thậm chí vì nghĩ “học phí càng đắt chất lượng càng cao” nên có nhiều trường hợp đổi trường cho con sau khi con học một thời gian. Chính quan điểm thiếu nhất quán, chọn trường thiếu cân nhắc và chưa đúng cách đã tạo cho con cái nhiều áp lực học tập và gặp những bất lợi không đáng có trong quá trình thay đổi môi trường học.

Quan trọng hơn, dù là trường nào đi nữa, cha mẹ không thể phó mặc cho nhà trường mà trẻ rất cần có sự theo dõi sát sao từ cha mẹ. Từ đó, cha mẹ sẽ nhận ra những điểm mạnh cũng như mặt hạn chế của con mình và tìm cách hỗ trợ kịp thời. Chúng ta không nên đặt nặng việc con học trường công hay tư mà hãy cân nhắc các điều kiện chọn trường sao cho phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn phát triển của con, những điều kiện học tập cơ bản của chương trình và cân nhắc những vấn đề đặc biệt của con nếu có. Việc rèn luyện kỹ năng sống cho con là vấn đề cần thiết. Các em có thể học thông qua thầy cô, bạn bè, cha mẹ hoặc phụ huynh tạo cơ hội cho các em tìm hiểu khám phá như nghỉ hè về thăm quê, cùng chơi với các bạn trong thôn xóm, tham gia những chương trình dã ngoại với gia đình…”.

ƯU TIÊN THEO TỪNG CẤP HỌC

20150626_Cauchuyen_Chontruongchocon_2015_01
♦ Mầm non: Là lúc ngôn ngữ phát triển mạnh, phương pháp học tốt cho con phải có tương tác hai chiều giáo viên và học sinh, học sinh với bạn bè. Bởi thế, trường mầm non phải có sân chơi rộng rãi, an toàn và giáo dục dựa trên nguyên tắc yêu thương.

♦ Cấp 1: Là tuổi sáng tạo, năng động, nên có nhiều hoạt động ngoại khóa, giúp các em khám phá, phát triển tự do.

♦ Cấp 2: Là lúc con bắt đầu có những tương tác bên ngoài xã hội một cách mạnh mẽ và những thay đổi trong tâm sinh lý nên bắt đầu trở nên ưu tư hay ngang ngạnh khó hiểu, thể hiện cái tôi một cách rõ ràng, trường học cần phải là nơi an toàn cho con và có tương tác giữa giáo viên và phụ huynh tốt để cùng uốn nắn các em.

♦ Cấp 3: Là giai đoạn quan trọng để con bắt đầu có những định hướng chọn nghề nghiệp theo đúng năng lực, sở thích và đam mê của mình. Cha mẹ nên cho con có quyền quyết định chọn trường phù hợp với năng khiếu hoặc theo môi trường phù hợp nhất.

Xem thêm: Những tiêu chí chung khi chọn trường cho con

Mục Câu chuyện & con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua