Khoảng 1/3 dân số Việt Nam bị bệnh suy tĩnh mạch chân

Suy tĩnh mạch chân thường gặp ở phụ nữ mang thai nhiều lần, người làm việc trong môi trường nóng, phải đứng, ngồi lâu, ít vận động

Đây là số liệu ước tính từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Suy tĩnh mạch chân thường gặp ở phụ nữ mang thai nhiều lần, người làm việc trong môi trường nóng, phải đứng, ngồi lâu, ít vận động. Biểu hiện của bệnh là bị chuột rút, phù quanh mắt cá, mỏi chân, căng tức bắp chân. Biến chứng của bệnh là hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, có thể gây tắc mạch máu. Nếu tắc mạch phổi, có thể suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, khi thấy chi dưới có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, bạn cần đi khám sớm.

Các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân

− Chỗ làm việc của bệnh nhân cần được thiết kế đặc biệt để bàn chân được nghỉ ngơi khi ngồi. Nên có ghế bành giúp thư giãn tại nhà hay trong vườn.

− Vận động: Ít vận động là một yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy tĩnh mạch. Ngược lại, việc vận động làm giảm nhiều triệu chứng ở người mắc bệnh này. Bệnh nhân cần đi bộ càng nhiều càng tốt (đi đến sở làm, đi mua sắm, đi cầu thang bộ thay vì thang máy…). Việc đi bộ tạo một áp lực lên các tĩnh mạch góp ở gan bàn chân, giúp đẩy máu về tim. Tuy nhiên, sự hạ thấp của vòm gan bàn chân sẽ làm hạn chế hiệu quả này; vì vậy, bệnh nhân cần mang thêm miếng lót bên trong giày.

− Việc cử động duỗi và gấp bàn chân, luân phiên đứng trên đầu ngón chân và nghỉ trên gót chân cũng giúp tăng hồi lưu tĩnh mạch. Cần thực hiện những động tác trên trong khoảng thời gian bất động kéo dài.

− Chọn quần áo và tất: Quần áo phải rộng rãi, không có chỗ siết chặt, phù hợp với nhiệt độ môi trường xung quanh, không gây trở ngại về cử động cũng như về hô hấp. Mang giày thoải mái, thích hợp với cấu trúc của chân, có tấm lót bên trong nếu gan bàn chân sa xuống và gót thấp.

− Mang vớ Y khoa: Vớ y khoa có tác dụng phòng ngừa việc hình thành mới các tĩnh mạch dãn và giữ cho bệnh tĩnh mạch hiện có không tiến triển thêm.

Mục Sức khỏe/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua