Tình nghĩa vợ chồng: Điểm tựa thời khủng hoảng

Khó khăn, sóng gió có thể đe dọa hạnh phúc, nhưng nếu đủ yêu thương, tất cả lại là chất xúc tác giúp nghĩa vợ chồng thêm bền chặt

Vợ chồng chị Biên Thùy và con gái cưng nay đã được một tuổi rưỡi

LỜI TÒA SOẠN: 18−6 là ngày Gia đình Việt Nam, nhắc nhở mỗi người biết nâng niu, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Chủ đề năm 2015: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, đề cao trách nhiệm, văn hóa ứng xử của mỗi thành viên gia đình. Trong đó, tình nghĩa vợ chồng chính là trách nhiệm cũng là động lực để mỗi người vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Vợ mang thai khó hoặc mới sinh con, vợ có vấn đề về sức khỏe, áp lực công việc… đó là những thời điểm khó khăn mà gia đình nào cũng có thể gặp. Chính vì vậy, trong nghi thức cử hành hôn lễ ở nhà thờ, đôi uyên ương phải hứa “sẽ giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày”.

NỢ CHỒNG MỘT LỜI CẢM ƠN SÂU SẮC

Cơn mưa rào mùa hạ bất chợt ghé thăm khiến chị Biên Thùy (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nóng lòng như có lửa đốt. Rời công sở sớm hơn thường lệ, chị ngược làn mưa để về với con gái bé bỏng đang nhớ sữa mẹ ở nhà. Hóa ra cơn mưa chiều khiến cả hai vợ chồng “bỏ việc” để về sớm với nhau hơn bình thường. Cơm nước xong xuôi, bố gấp quần áo, con ngồi giũ đống quần áo bố vừa gấp, còn mẹ thì… ngồi ngắm. Khung cảnh đáng yêu, ấm áp đó khiến chị mỉm cười hạnh phúc.

Chưa bao giờ chị Thùy quên được 9 tháng 10 ngày nhọc nhằn chiến đấu để công chúa đáng yêu chào đời. Chị bị động thai, ra máu liên tiếp ở tuần thứ 7, thứ 12 của thai kỳ. Bác sỹ yêu cầu chị dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế tối đa việc đi lại để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.

Chị Thùy buộc phải lựa chọn công việc hay là sự an toàn của con. “Lúc đó, anh xã cũng đang có một số thay đổi trong công việc. Cả hai thực sự rất lo, nếu tôi nghỉ việc thì chi tiêu gia đình sẽ eo hẹp, nhưng anh ấy vẫn kiên quyết thuyết phục vợ ở nhà nghỉ ngơi để an toàn nhất cho cả hai mẹ con”, chị nhớ lại.

Mọi gánh nặng chi tiêu và việc nhà dồn cả lên vai anh Đức, chồng chị. Tuy vậy, chưa lúc nào anh tỏ ra áp lực. Anh dành đến phân nửa lương mua thức ăn tẩm bổ cho vợ, số tiền còn lại để chi trả điện, nước và những khoản lặt vặt khác. Cơ quan cách nhà 10 cây số, nhưng đều đặn trưa nào anh cũng phóng xe máy dưới cái nắng như đổ lửa để về nhà nấu cơm cho vợ rồi lại tất tả đi làm, nhiều bữa chẳng kịp ăn. Tan ca buổi chiều, anh len lỏi giữa dòng xe cộ cốt sao về nhà nhanh nhất có thể.

Càng về sau, việc giữ gìn em bé càng khó khăn hơn. Cơ thể chị Thùy lúc nào cũng đau nhức đến mức chị không thể đi lại hay tự chủ sinh hoạt. Những lúc vợ đi khám thai, anh Đức phải hì hục nhấc chân vợ lết từng bước một. Xuống 5 tầng cầu thang mà hai vợ chồng mất tới bốn lăm phút và trèo lên ngót nghét một tiếng rưỡi.

Rất nhiều lần chị Thùy chạnh lòng vì mình “đánh cắp hết cả thời gian nghỉ ngơi của chồng”. Anh Đức xóa tan tâm trạng tiêu cực đó bằng cách bày biện những bữa ăn ngon, thậm chí anh còn gọi bạn bè của chị Thùy đến “tám” để tinh thần vợ phấn chấn. Những lúc chị Thùy “tự kỷ”, cho rằng mình thật “ăn hại”, anh Đức cứ cười toe rằng: “Tiền không kiếm lúc này thì kiếm lúc khác, việc sau này sinh con xong có thể kiếm lại. Con cái vẫn là món quà quan trọng, quý giá nhất”. “Cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy mình nợ chồng và gia đình một lời cảm ơn sâu sắc. Những ngày mang thai với đủ nỗi lo lắng, nếu không có sự trợ giúp của gia đình thì hai mẹ con không thể vượt cạn thành công”, chị Thùy tâm sự.

NẮM TAY NHAU ĐỂ CÙNG VƯỢT DỐC

20150622_giadinh_tinhnghiavochong

Chồng chị Thanh Hoa (Q. Đống Đa, Hà Nội) bước vào nghề bất động sản đúng lúc đang “sốt” nhà đất. Thu nhập của anh không lúc nào dưới 30 triệu đồng/tháng. Chị Hoa làm nhân viên văn phòng với mức lương cũng khá. Hai vợ chồng ăn tiêu thoải mái và không mảy may nghĩ đến chuyện tích cóp.

Đùng một cái, nhà đất chững lại, tê liệt. Văn phòng anh cắt giảm nhân sự, anh phải ra ngoài làm tự do với khoản nợ to đùng do đầu tư làm ăn không hiệu quả. Éo le thay, chỉ một tháng sau, chị Hoa cũng nhận được tin sét đánh: Công ty cắt giảm nhân sự do kinh tế khó khăn và chị nằm trong “danh sách đen”.

“Tôi không quên được cảm giác của ngày ấy. Chạy xe về nhà, tôi chạy thật chậm vì không biết phải làm sao để báo tin ấy cho chồng, làm sao đủ tiền mua sữa cho con, lo tiền điện nước, tiền chi tiêu, chợ búa hàng tháng và tìm việc mới bằng cách nào”, chị Hoa nhớ lại.

Chị cứ tưởng mình được làm thêm một tháng để bàn giao công việc và có thêm sự chuẩn bị, nhưng lãnh đạo công ty báo chị sẽ nghỉ ngay tuần sau. Chị thực sự hoang mang, sợ hãi khi nghĩ tới những ngày phía trước.

Tối hôm đó, chị khóc khi thông báo với anh chuyện bị nghỉ việc: “Sao tất cả mọi thứ lại trở nên tệ hại, đổ dồn xuống cùng một lúc như thế này? Cả hai cùng thất nghiệp, mình biết làm sao đây anh?”. Anh chỉ nói nhẹ tênh: “Anh nghĩ, ngày mai mình đi đâu đó xa cái thành phố này một vài hôm, tắt điện thoại, không email, Facebook để tĩnh tâm trở lại. Mình còn sức khỏe, còn chung lòng chung sức với nhau thì sợ gì!”. Mấy ngày xa thành phố, cảm giác nhức nhối vì “bị nghỉ việc” trong chị dịu lại. Sự kề cận của anh như liều thuốc khiến chị trấn tĩnh. Đúng là tiền bạc quan trọng, nhưng vợ chồng chị vẫn có thể bắt tay lại từ đầu.

Bạn bè thương hại, không tin được là cả hai khởi nghiệp lại từ con số 0 ở tuổi 30. Gia đình nhà chồng thì càm ràm chuyện vợ chồng cùng thất nghiệp, lấy gì nuôi con. Mặc kệ những lời bàn ra tán vào đó, hai vợ chồng bắt tay vào gây dựng lại từ đầu. Suốt hai tháng, họ chạy đôn đáo tìm việc, thậm chí đến cả trung tâm giới thiệu việc làm nhưng chẳng có cơ hội nào được mở ra, chẳng có công việc nào phù hợp với quỹ thời gian của gia đình đang nuôi con nhỏ.

Cuối cùng, vợ chồng chị chuyển hướng. Thay vì kiếm công việc ngồi văn phòng, chị Hoa xin làm chân shipper cho một shop online. Sẵn có khả năng lái xe, anh xin đi lái taxi.

Chị bộc bạch: “Ngày trước, chuyện vợ chồng đi ăn tiệm hoặc “bao” một bữa nhậu là rất bình thường. Nay anh bỏ hẳn nhậu nhẹt linh tinh, ở nhà ăn cơm với vợ con, cắt giảm chi tiêu hết mức. Điều đó khiến tôi cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực để đi qua cột mốc thất nghiệp đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng. Thất nghiệp có thể gây nên nhiều rạn nứt, nếu như vợ chồng không đủ sức vượt qua. Song, thất nghiệp đã khiến vợ chồng tôi gắn bó, hiểu nhau hơn và nhận ra vợ chồng là điểm tựa của nhau trong những khó khăn tưởng chừng không bao giờ kết thúc”.

CHUYÊN GIA NÓI GÌ?

TIẾN SỸ TÂM LÝ TRỊ LIỆU PHAN THỊ HUYỀN TRÂN – HÃY NÓI “CẢM ƠN” BIẾN CỐ: Nhìn nhận dưới góc độ tích cực, biến cố và khó khăn là dịp để cho người phụ nữ nhận diện lại bản thân, nhìn nhận lại tình cảm vợ chồng và mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Hãy nhớ các mối quan hệ, kể cả trong cuộc sống gia đình, sẽ không bao giờ đạt được độ sâu, sự vững chắc nếu chưa trải qua những giây phút đương đầu với khó khăn. Bước vào cuộc sống hôn nhân, mọi thứ không còn màu hồng và mọi khó khăn cũng nảy sinh từ đó. Sau khi có con, vợ bắt đầu tập trung vào em bé, sức khỏe, tâm sinh lý thay đổi rất nhiều. Tã, bỉm, sữa, cân nặng, chiều cao của bé đều là trách nhiệm của mẹ và dường như người mẹ không được phép sai. Nếu chồng đưa vai vào gánh vác khó khăn cùng vợ, điều đó cho thấy chồng vẫn yêu bạn chân thành. Còn nếu anh ấy bỏ bê vợ con thì đó không phải là người đi cùng với bạn cả cuộc đời. Tình cảm vợ chồng, gia đình có bền chặt hay không có thể “đo” bằng cách họ cùng nhau vượt qua khó khăn như thế nào.

4 GỢI Ý GIÚP VỢ CHỒNG VƯỢT QUA THỜI KỲ KHÓ KHĂN

????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????

1. Mở lòng ra chia sẻ: Sự căng thẳng và buồn bực có thể dẫn bạn đến những hành động rất kỳ cục, hay cáu gắt và rất dễ bị trầm cảm. Hãy mở lòng mình ra, để nhận lấy cái ôm xoa dịu của người bạn đời. Lợi ích đầu tiên của việc “chịu nói ra” mình đang gặp khó khăn như thế nào là được xả stress, sau đó mới đến tìm kiếm sự trợ giúp. Đôi khi không phải chồng ích kỷ, không chia sẻ mà chỉ vì vợ che giấu, chịu đựng khó khăn dẫn đến chồng không biết, không hiểu và không thể giúp đỡ vợ.

2. Vực dậy tinh thần bằng những món đồ kỷ niệm: Khi đi du lịch, chắc hẳn vợ chồng bạn đã mua vài món đồ lưu niệm xinh xắn hoặc cùng nhau chụp những bức ảnh ngộ nghĩnh. Hãy để chúng ở một nơi nào đó dễ nhìn thấy trong phòng của hai vợ chồng. Đó như một lời nhắc nhở giúp bạn cố gắng vượt qua khó khăn.

3. Nuôi dưỡng thái độ tích cực: Thái độ tích cực và niềm hy vọng sẽ mang lại không khí thoải mái cho cả gia đình, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.

4. Gieo hạt mầm yêu thương từ những sinh hoạt nhỏ trong gia đình như cùng nhau làm việc nhà, dạy con nói cảm ơn khi được giúp đỡ… Ngay cả việc chăm con, hãy nhờ chồng và gia đình một cách chân thành. Đến khi gặp biến cố, mỗi người có thể bình tĩnh đón nhận vì biết mình đã có điểm tựa vững chắc là gia đình.

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua