Khi một phần cơ thể bị đứt lìa hoàn toàn, nếu bạn sơ cứu không kịp thời và đúng cách có thể khiến phần đứt lìa bị nhiễm trùng, thậm chí hoại tử. Theo các bác sỹ, khả năng sống sót của một phần chi bị đứt lìa trong môi trường tự nhiên là 3–8 giờ. Đối với những phần chi nhỏ hơn như ngón tay, ngón chân, lỗ tai, dương vật… thời gian sống sót là 4–12 giờ.
Ngoài việc nhanh chóng bảo quản bộ phận đứt lìa, việc sơ cứu cho bệnh nhân cũng quan trọng không kém. Trước tiên, bạn cần băng ép để cầm máu vết thương, sau đó mới bảo quản phần bị đứt lìa. Bạn phải thận trọng khi thực hiện các quy trình sơ cứu, hạn chế nhiễm trùng vết thương gây ảnh hưởng đến quá trình cứu chữa sau này.
ƯỚP LẠNH ĐÚNG NGUYÊN TẮC
Không phải cứ cho phần bị đứt lìa vào đá lạnh là được. Bạn cần thực hiện đúng trình tự bảo quản chặt chẽ sau: rửa sạch phần đứt lìa bằng nước lọc, nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội; dùng vải sạch hoặc băng, gạc… quấn chúng lại thật nhiều lớp; đặt vào một chiếc túi ni-lông sạch, buộc kín rồi mới đặt vào thùng đá lạnh.
Nếu không có thùng đá, bạn có thể ướp chúng trong thau, chậu hoặc túi ni-lông khác có chứa đá lạnh. Đây là cách làm giảm nhiệt độ và tăng thời gian sống cho phần bị đứt, đồng thời bảo vệ chúng khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Tuyệt đối tránh đặt trực tiếp phần bị đứt lìa vào đá lạnh, sẽ khiến chúng bị bỏng lạnh, dẫn đến hoại tử các mạch máu.
LÀM GÌ KHI ĐỨT NHƯNG CHƯA LÌA?
Khi phần bị đứt vẫn còn dính với cơ thể, việc sơ cứu sẽ khó khăn hơn vì bạn vừa thao tác vừa phải giữ nguyên hiện trạng, tránh làm chúng đứt lìa. Các chuyên gia khuyên bạn nên rửa sạch phần gần đứt và cả vết thương bằng nước sạch. Sau đó, tiến hành băng và cầm máu vết thương cùng phần bị đứt.
Để phần bị đứt lên một mặt phẳng hoặc dùng nẹp cố định sao cho chúng vẫn giữ nguyên hiện trạng. Cách này vừa bảo vệ phần bị đứt không bị đứt lìa vừa giúp nạn nhân giảm đau. Kế tiếp, bạn cho đá lạnh vào túi ni-lông, buộc lại rồi mới đắp lên phần bị đứt và nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất
Bạn có biết?
− Nhiều người cho rằng ngâm phần bị đứt vào sữa hoặc nước ngọt sẽ tốt hơn vì giúp nuôi dưỡng phần bị đứt tồn tại lâu hơn. Thực tế cách này phản khoa học, có thể khiến phần bị đứt hoại tử nhanh hơn bởi sự tấn công từ các vi khuẩn, hóa chất gây hại trong dung dịch.
− Vải bọc dùng bảo quản phần bị đứt phải là vải sạch, không chứa bụi bẩn, dị vật. Nếu vải không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến phần bị đứt dễ nhiễm trùng, thậm chí hoại tử. Điều đó khiến quá trình nối lại phần bị đứt trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ thành công thấp hơn.
− Khi sơ cứu cho nạn nhân, bạn cần nâng vùng bị thương cao lên khoảng 30cm để điều động lượng máu lưu thông về các cơ quan quan trọng hơn. Trong khi sơ cứu, bạn hạn chế tối đa việc dùng ga-rô vì chúng dễ dẫn đến các hệ lụy khác, đặc biệt là khiến vết thương bị hoại tử nhanh hơn.
− Sau khi được tiến hành phẫu thuật và kết nối thành công, nạn nhân cần thực hiện các bài tập trị liệu để vùng bị tổn thương nhanh chóng hoạt động lại.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình