Đừng để thời gian trôi qua lãng phí

Sự trì hoãn là yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng thăng tiến và cả những mối quan hệ. Mỗi khoảnh khắc là một cơ hội mà chúng ta không bao giờ có lại, vì thế việc hôm nay bạn chớ để ngày mai nhé

Ngồi dạo Internet trong khi bạn vẫn còn một núi công việc cần hoàn thành, sắp đến giờ hẹn nhưng bạn vẫn chưa thay quần áo… Những điều trên có quen thuộc với bạn không?

KẺ TRỘM GIẤU MẶT

Sự trì hoãn không chỉ là “tên trộm” chuyên đánh cắp thời gian mà còn đánh cắp cả tiền bạc. Một nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi người trung bình đánh mất 218 phút/ngày do trì hoãn công việc và mỗi nhân viên đi làm tiêu tốn 43 phút/ ngày để làm những thứ chẳng liên quan gì đến công việc.

Khi sự trì hoãn liên tục lặp đi lặp lại khiến bạn gặp rắc rối thì đó là điều cần phải quan tâm. Nhiều nhân viên đã đứng trước nguy cơ mất việc chỉ vì cứ phớt lờ deadline (hạn cuối), để khi nước đến chân mới nhảy thì không còn kịp.

TẠI SAO CHÚNG TA LẠI TRÌ HOÃN?

Nhà tâm thần học Phil Stutz, từng nghiên cứu về sự phát triển cá nhân, giải thích: “Quá trình trì hoãn có thể bắt đầu khi chúng ta chỉ muốn sống trong một “khu vực” của sự thoải mái để tránh nguy cơ bị tổn thương”. Khi thả mình trong vùng thoải mái đó, bạn không hề biết rằng mình đang giết chết thời gian.

Phil Stutz nhấn mạnh, mỗi khoảnh khắc là một cơ hội mà chúng ta không bao giờ có lại. Hành động trì hoãn sẽ khiến bạn lãng phí cuộc đời mình. Nhà tâm lý học Joseph Ferrari, thuộc Đại học De Paul, Chicago, Mỹ, cho rằng có sự liên hệ giữa sự trì hoãn với nỗi sợ thất bại. Ông chia những người trì hoãn thành ba dạng:

− Týp người “thức tỉnh”: Họ phởn phơ thoải mái trong những giai đoạn đầu tiên và khi đường cùng mới lao vào làm.

− Týp người trì hoãn giải quyết: Là những người không có khả năng đưa ra quyết định.

− Týp người tránh né: Luôn tìm cách tránh né nỗi sợ thất bại, họ có thể thừa khả năng nhưng thiếu nỗ lực.

Cơ hội sẽ không đến với những người lười biếng

Cơ hội sẽ không đến với những người lười biếng

BẮT ĐẦU NGAY KHI NÓI

Theo các nhà tâm lý học, có đến 20% nhân loại mắc phải chứng “trì hoãn mãn tính”. Rất nhiều trong số đó là những tài năng ẩn mình. Họ có ý tưởng, có kiến thức nhưng không chịu bắt tay ngay vào công việc.

47% người được hỏi thừa nhận họ có kế hoạch tập thể dục hoặc đi kiểm tra sức khỏe tổng quát nhưng chưa làm. 26% những người đi làm thừa nhận đang trì hoãn công việc của công ty. Cuối cùng là trì hoãn việc tính toán lại các vấn đề tài chính cá nhân.

Nếu bạn đang trì hoãn cả ba yếu tố trên thì đã đến lúc cần phải nỗ lực hơn để thúc đẩy bản thân và hãy làm ngay sau khi để cuốn báo xuống chứ đừng đợi đến ngày mai nhé.

7 LỜI KHUYÊN ĐỂ TRÁNH TRÌ HOÃN

● Khi bạn thấy mình đang trì hoãn làm việc gì đó, hãy tự hỏi bản thân: “Lý do nào khiến mình quyết định làm công việc này ngay từ đầu?”. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi đó thì không cần làm nữa.

● Chia công việc thành từng bước nhỏ. Việc này sẽ giúp bạn dễ quản lý công việc hơn.

● Nếu bạn không biết bắt đầu công việc từ đâu, hãy hỏi người khác để nhận được lời khuyên.

● Hạn chế tính cầu toàn. Luôn nhớ rằng thà công việc hôm nay có thể chưa hoàn hảo còn hơn là không bao giờ làm nó.

● Bỏ tất cả những thứ làm sao lãng công việc: tắt ti-vi, mạng xã hội, các tính năng báo có sự kiện mới trên điện thoại thông minh…

● Tránh xa những cám dỗ khiến bạn trì hoãn công việc.

● Tha thứ cho mình nếu lỡ trì hoãn và làm việc gấp đôi để bù vào.

Mục Sức khỏe − Tâm lý/ Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua