Bất ổn tâm thần: Cần lắm sự cảm thông

Rối loạn tâm lý hoàn toàn không phải bị điên. Những người gặp vấn đề về tâm lý rất cần ở bạn sự cư xử lịch thiệp, nhã nhặn. Đây là một căn bệnh mà họ không thể phòng tránh

Vụ tai nạn máy bay hồi tháng 3 của hãng Germanwings với gần 150 người thiệt mạng đã khiến thế giới bàng hoàng vì nguyên nhân của nó. Điều tra cho thấy cơ phó Andreas Lubitz tự tử vì bị rối loạn tâm thần.

Bạn hãy khoan ác cảm với những người mắc bệnh tâm lý nhé. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người rối loạn tâm thần không có ý định gây hại cho người khác. Chính những nhân tố liên quan như tình trạng bị cô lập, sử dụng chất kích thích… mới tạo tác động khiến họ có những hành động không tưởng như sự việc vừa qua của cơ phó Andreas Lubitz. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận lại vài điều về tình trạng bất ổn tâm thần và tự sát.

TỰ SÁT LÀ VẤN ĐỀ KHÔNG PHỔ BIẾN?

Không, đây dường như là vấn đề đáng báo động của cuộc sống hiện đại. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ hai gây ra tử vong cho những người trong độ tuổi 15–29 vào năm 2012 và 90% số tự sát là những người mắc phải các vấn đề tâm lý cần được điều trị. Các thành viên gia đình, bạn bè… cần phải khuyến khích, hỗ trợ và giúp họ vượt qua.

RỐI LOẠN TÂM LÝ TỨC LÀ BỊ ĐIÊN?

Rối loạn tâm lý hoàn toàn không phải bị điên. Những người gặp vấn đề về tâm lý rất cần ở bạn sự cư xử lịch thiệp, nhã nhặn. Đây là một căn bệnh mà họ không thể phòng tránh vì nó xảy đến cũng dễ dàng giống như bạn bị cảm. Chúng ta cần hiểu đây là vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục chứ không phải bạn đã có ý định tự tử thì sau này bạn sẽ tự tử.

Nên giúp đỡ người bị bất ổn tâm thần chứ đừng ruồng bỏ họ

Nên giúp đỡ người bị bất ổn tâm thần chứ đừng ruồng bỏ họ

Rất nhiều người gặp phải các vấn đề về tâm lý sau khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mọi người xung quanh đã phát huy nghị lực của chính mình để có một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt. S.L. Young, tác giả quyển It’s a Crazy World… Learn From It là một ví dụ điển hình. Anh ta đã vượt qua giai đoạn trầm cảm và suy nghĩ muốn tự sát bằng cách viết những lá thư cho chính mình.

HỌ DỄ HẠI NGƯỜI?

Theo các nhà nghiên cứu, trầm cảm không phải là nguyên nhân dẫn đến các hành động hại người hay khiến họ trở thành sát nhân. Vì vậy, bạn đừng cho rằng chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm liên quan đến các hành vi bạo lực. Suy nghĩ này sẽ khiến những người mắc bệnh cố gắng che giấu tình trạng của mình và làm cho tình trạng bệnh càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, họ rất cần người thân bên cạnh quan tâm, giúp đỡ và dìu dắt để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

CÁC DẤU HIỆU BẤT ỔN TÂM THẦN

● Có những khác thường trong sinh hoạt, công việc hay học hành như bỏ tập thể thao, kết quả học tập kém, không làm tốt công việc như bình thường.
● Tập trung kém, hay quên, không suy nghĩ và nói năng lô-gíc như bình thường.
● Vô cùng nhạy cảm về khả năng nhìn, cảm nhận mùi, vị, âm thanh, cảm giác, né tránh các tình huống nhạy cảm.
● Mất đi đam mê hay hờ hững với những hoạt động mà trước kia rất ưa thích.
● Cô lập bản thân hay tự tách mình ra khỏi các hoạt động và người xung quanh.
● Có niềm tin khác thường hay ảnh hưởng mạnh mẽ từ một cá nhân hay tổ chức nào.
● Sợ hãi hay nghi ngờ một ai đó hoặc luôn có cảm giác căng thẳng tột độ.
● Tâm tính thay đổi thất thường, dễ nóng, dễ vui.

Nếu để ý thấy bạn bè hay người thân mắc phải một vài dấu hiệu trên, bạn nên quan tâm tìm hiểu để kịp thời an ủi, động viên và có thể đưa họ đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được điều trị.

Mục Sức khỏe − Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua