Nói về chuyện nuôi trồng loại thảo dược khó tính này, chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc, cho biết: “Năm 2003, tôi tham gia một nghiên cứu về nấm linh chi. Tình cờ tôi thấy tài liệu nói đến nấm đông trùng hạ thảo nên đọc thử, càng đọc càng thấy hay”.
MẠNH MẼ, QUYẾT ĐOÁN
Sau sáu năm tìm hiểu, chị quyết định nghỉ việc để bắt tay vào nghiên cứu. Thiếu thốn tài chính, chị không ngần ngại bán mảnh đất dự định dùng để xây tổ ấm, lấy tiền mua thiết bị công nghệ, giống nấm, dựng nhà xưởng và học tập.
Khởi đầu nào cũng không dễ dàng, chị liên tục gặp thất bại, lúc thì úng, lúc lại hạn. Đến năm 2011, chị mới đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nắm được đặc tính nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở những môi trường khác nhau. Chị bảo: “Bất cứ vùng nào cũng có thể trồng được loài nấm này, nhưng phải biết cách chăm sóc”.
Đầu năm 2012, chị quyết định đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà. Cứ ngỡ sắp tới ngày “hái quả” ngọt thì một sự cố khiến chị không thể ngăn những giọt nước mắt. “Cả nhóm nghiên cứu không hiểu sao tất cả mẫu nuôi cấy (khoảng 5.000 lọ) đều nhú lên được một chút thì thối và chết. Lúc ấy, ai cũng nản lòng. Tôi chợt thấy mình sao cơ cực quá. Khó khăn chồng chất khiến tôi nhụt chí. Thế nhưng khi bình tĩnh lại, tôi hiểu rằng mình không được bỏ cuộc bởi cả đội nghiên cứu đã làm việc vất vả nhiều năm trời. Hơn nữa, tôi còn biết bao dự định, ước mơ với đông trùng hạ thảo”, chị Hồng kể.
Vậy là chị lại miệt mài đi tìm nguyên nhân khiến nấm chết, làm đi làm lại. Cuối cùng, chị vỡ lẽ là do giống bị thoái hóa, chỉ cần thời gian chênh nhau 1–2 ngày cũng làm kết quả ngược lại hoàn toàn. Tìm ra nguyên nhân thì việc khắc phục dễ hơn nhiều, vài mẻ thử nghiệm thành công, chị đưa đi sấy đông khô (sấy thăng hoa), rồi mang bán lẻ thử và nhận được phản hồi tích cực từ người dùng.
CHƯA HẾT KHÓ KHĂN
Thế nhưng, chị lại tiếp tục gặp phải sự cố khác, đó là khâu bảo quản. Việc sấy đông khô vài cân đông trùng hạ thảo thì rất tốt, nhưng khi đưa hàng loạt ra sấy đại trà đều bị hỏng. “38kg nấm đông trùng hạ thảo đều bị sạm màu và rất xấu không thể mang đi tiêu thụ”, chị Hồng chia sẻ. Nhóm nghiên cứu lại bắt tay vào việc làm cách nào để sấy đông khô đạt hiệu quả đối với số lượng lớn.
Hiện nay, đông trùng hạ thảo của chị Hồng nghiên cứu, nuôi trồng được xem là giống đạt chất lượng tốt, giống 70% đối với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Chị vẫn đang nghiên cứu với hy vọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng của đông trùng hạ thảo, có thể đạt được 95%. Điều chị mong mỏi nhất là trong tương lai bất cứ ai cũng có thể dùng loại thảo dược này, thậm chí nuôi trồng dễ dàng.
BÍ QUYẾT KINH DOANH
Chị Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1980, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc với hai cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo ở Hà Nội và Đà Lạt.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh, chị nói: “Tôi không có nhiều tiền để quảng cáo. Tôi chọn cách cạnh tranh bằng chất lượng. Khách hàng dùng nếu thấy không tốt, tôi có thể trả lại tiền. Thậm chí, tôi cho họ dùng thử sản phẩm miễn phí. Tôi không sợ họ quỵt nợ, bởi vì những người có nhu cầu mua đông trùng hạ thảo đều là người có bệnh hoặc là người giàu có. Đối với họ, sức khỏe còn quý hơn tiền bạc. Chính điều này khiến khách hàng tin tưởng vào sản phẩm hơn”.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình